Nói thêm về củ gừng gió

Báo Thanh Niên số ra ngày 21.12 có đưa tin về công hiệu chữa bệnh của củ gừng gió (còn có tên khác là riềng gió, gừng dại, gừng riềng, ngải xanh, ngải mặt trời, riềng dại, khuhet phtu, brateal, vong atic (Campuchia), ginembrefou (Pháp), phong khương, khỉnhkeng (Tày) - thuộc họ gừng (Zingiberaceae). Sau khi báo đưa tin, rất nhiều bạn đọc gọi điện về tòa soạn hỏi thêm về cách chọn lựa, bào chế củ gừng gió... để điều trị bệnh xơ gan cổ chướng. Bác sĩ Trang Xuân Chi - tác giả bài viết cung cấp thêm một số thông tin như sau:

Để có gừng gió đúng, chúng ta phải thận trọng. Khi chọn gừng gió, chỉ bẻ đôi một củ thấy ruột có màu vàng tươi, có mùi thơm hăng dễ chịu. Liều lượng dùng hằng ngày 100 gr tươi để nguyên vỏ rửa nước vòi phun mạnh, nhiều lần sạch đất, cát. Thái mỏng (không phải sao vàng) cho vào ấm đất (siêu đất sắc thuốc bắc) đổ 4 bát nước (bát sứ ăn cơm) sắc hãm bằng lửa than (như rim gừng) còn lại 1 bát uống vào buổi 10 giờ. Nước hai, cũng cho 4 bát nước, sắc còn lại 1 bát uống lúc 16 giờ. Bảo quản gừng gió bằng cách cho vào trong cát có độ ẩm vừa phải.

Sau khi uống gừng gió khoảng 1 -2 giờ, bụng có sôi nhẹ, bệnh nhân muốn đại tiện. Đại tiện phân loãng, hôi, màu nhạt nâu như nước bã cafe thế là có tác dụng. Nên nhớ những bệnh nhân xơ gan cổ chướng, dù là nguyên nhân nào cũng phải thực hiện chế độ kiêng khem. Ăn nhạt, hạn chế ăn các loại chín (vì giàu kali sẽ gây đầy bụng); hạn chế mỡ động vật, các chất tanh... (Điện thoại liên hệ trực tiếp với bác sĩ Trang Xuân Chi: 0905036222 - 056.846469)

T.N

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/noi-them-ve-cu-gung-gio-336200.html