Nối thêm chuyện chim ưng Mỹ bị xiềng: Những câu hỏi về Alvarez

Tháng 3 năm 1993. Cú điện thoại vào lúc mờ sáng của thượng tá Nguyễn Hoắc thuở ấy là Giám đốc trại giam Hỏa Lò, với tôi, cứ như một cơ may… Nhờ đó mà tôi đã phới thẳng một mạch đến Hỏa Lò và gặp được đoàn làm phim của đạo diễn Punman đang thực hiện bộ phim có cái tên Việt Nam, Tết hòa giải…

Alvarez tháng 3 /1993 tại Hỏa Lò. Ảnh: Xuân Ba

Alvarez tháng 3 /1993 tại Hỏa Lò. Ảnh: Xuân Ba

Nhờ cuộc gặp ấy mà tôi, nhà báo Việt Nam duy nhất được độc quyền tung tẩy hành nghề suốt cả một ngày ở trại giam Hỏa Lò đang chuẩn bị giai đoạn phá dỡ… Tôi đã gặp đoàn cựu tù Hỏa Lò gồm hơn 20 phi công Mỹ từng bị giam ở đây nay nhiều người lần đầu trở lại Việt Nam. Trong số đó có người đầu tiên nhập Hỏa Lò, thời ấy các phi công Mỹ đặt cho cái tên mỹ miều là Khách sạn Hilton hay chua chát hơn là Khách sạn vỡ tim! Người đó là Everett Alvarez tù binh phi công Mỹ bị giam lâu nhất tại Hỏa Lò (8 năm 7 tháng) bị bắt chiều 5/8/1964 tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh.

Một cơ may bởi sau thời điểm đó, tôi có loạt bài về cựu tù binh phi công Mỹ mà gần nhất năm 2009, dịp 45 năm nhân sự kiện 5/8/1964 có biên chép chút thêm về Alvarez.

Có cảm giác dường như sự kiện Alvarez gò và đóng khung trong một bài báo vẫn chưa đủ? Có vẻ như trói voi bỏ rọ? Mà với thời gian và độ lùi của nó sự kiện Alvarez vẫn tiếp tục ló dạng những chuyện cùng tình tiết mới?

Nhớ khi ấy thượng tá Hoắc chỉ thêm cho tôi một người thấp bé nhất trong đám khách Hỏa Lò, rằng có biết ai đây không. Thấy tôi lắc, ông cũng lắc theo, vẻ mặt thất vọng. Hóa ra, đấy là Alvarez, viên phi công Mỹ có thâm niên lâu nhất Hỏa Lò.

Có cảm giác Alvarez khuôn mặt không mấy đổi thay qua 29 năm dâu bể, nếu đem so với tấm hình khi bị bắt. Lúc ấy Alvarez mới 26 tuổi.

Cung cách cùng chất giọng, câu chuyện về 29 năm trước của Alvarez làm người nghe có cảm giác cứ ngỡ như vừa mới bữa qua. Chiếc máy bay của trung úy Alvarez cùng bảy chiếc khác cất cánh từ tàu sân bay Constellation được lệnh đến bắn phá căn cứ hải quân Việt Nam tại Bãi Cháy, thị xã Hòn Gai. Alvarez tham gia đợt công kích thứ ba.

Không hề có cảm giác sợ. Alvarez, cũng như các phi công tiêm kích khác đều nghe đến nhàm vũ khí phòng không của Bắc Việt chỉ là những khẩu pháo có từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất, làm sao với tới tầm bay của những chiếc phi cơ siêu hiện đại của không lực Hoa Kỳ. Nhưng chỉ mấy phút sau, Alvarez đã có cảm giác nhột bụng bởi quanh mình nhằng nhịt những vệt lửa của các cỡ súng phòng không.

Một chiếc A4 Skyhawk cùng loại với chiếc máy bay do Alvarez cầm lái và bị bắn hạ. Ảnh: internet

Từ độ cao 3.000m, Alvarez chọn góc 30 độ bổ nhào phóng rocket rồi định bay về phía Hà Tu để kịp thoát thân. Nhưng, ngay lập tức, khói đen òa khắp buồng lái. Chàng trai 26 tuổi mới cưới vợ được sáu tháng hoảng hốt tìm đến công tắc bung dù. Alvarez trong tích tắc bật ra khỏi chiếc A4D Skyhawk (Chim ưng nhà trời) đang bùng bùng như một bó đuốc. Chưa kịp hoàn hồn để gọi máy bay cấp cứu, vừa ngoi khỏi mặt nước, Alvarez đã thấy trước mặt một tốp thuyền đánh cá với những người tay cầm súng vây chặt.

Trước khi chuyện với Alvarez, tôi dành chút thời gian để có những lời cảm phiền với người phiên dịch là tôi sẽ quấy quả nhiều đây. Phiên dịch cho đoàn làm phim, một người đứng tuổi trông hom hem. Tự dưng đâm ra ngại ngần bởi anh không phải là người bên điện ảnh hay ngạch ngoại giao mà là công chức, nói đúng hơn là quan chức của chế độ cũ. Người đó tên Trần Vân. Năm 1970 - 1975, Trần Vân là Bộ trưởng Bộ Xây dựng & Đô thị của chính quyền Sài Gòn. Tại Hội nghị Paris, Trần Vân là thành viên của phái đoàn Việt Nam Cộng hòa.

Trần Vân rất nhiệt thành và có vẻ khá uyển chuyển trong phận sự chuyển ngữ. Cái vẻ hứng khởi của Alvarez khi vào chuyện đủ thấy Trần Vân đã khéo léo ra sao… Những chi tiết như thứ trích ngang lý lịch thì đơn giản như sau khi trao trả về Mỹ, Everett Alvarez vẫn tiếp tục phục vụ trong lực lượng hải quân. Năm 1980, Everett Alvarez nghỉ hưu với quân hàm trung tá…

Nhưng có những chi tiết riêng tư mà sau này Trần Vân ngỏ riêng với tôi là có lẽ trong trạng thái cởi mở thì viên cựu phi công ấy mới bộc lộ như chuyện khi bị bắt Alvarez mới cưới vợ được 6 tháng. Trở về Mỹ, Alvarez đối diện với một cú sốc lớn là trong những ngày trong lao tù Bắc Việt, cô vợ đã lấy chồng mới và ông đã từng vật vã chao đảo như thế nào. Mãi rất lâu, Alvarez mới cân bằng trở lại bằng một cuộc hôn nhân mới. Hiện ông sống hạnh phúc với người vợ mới và hai cháu nhỏ. Rằng trở lại Việt Nam lần này ông rất muốn tìm gặp lại những người đã từng vớt mình năm xưa ấy ở Vịnh Hạ Long và nhân thể muốn thăm lại nơi ông đã bị bắn hạ… Nhưng có lẽ dự định đó không thành vì thời giờ ông ở Việt Nam quá ít.

Có một chi tiết là về Mỹ, Alvarez đã xuất bản cuốn hồi ký năm 1978 có cái tên Chim ưng bị xiềng. Cuốn sách kể về cuộc sống trong những ngày bị giam tại Hỏa Lò. Tôi đã nghĩ ngay, phải gạn thêm Alvarez nội dung cuốn sách nhưng khi ấy bấn bíu nhiều thứ phải làm trong cuộc phỏng vấn nên sau đó đã bẵng đi! Đến tận bây giờ vẫn tiếc nuối là chưa được tiếp cận với Chim ưng bị xiềng. Cũng đã hỏi nhiều người rành lãnh vực này cũng như đã hai lần mò vào một thư viện ở Wasinhton DC và New York nhưng không thấy sách ấy? Có phải sách xuất bản đã lâu? Mà sao lại chưa được chuyển ngữ? Tiếc cả việc không kịp xin địa chỉ của tác giả cuốn sách.

Thêm một cái tiếc nữa là sau này tôi tình cờ có được một tấm ảnh Alvarez với bộ quần áo tù kẻ sọc còn nguyên nếp, chân vừa khít trong đôi dép xỏ quai, tay cầm chiếc quạt nan. Vị trí Alvarez đứng hình như trên một sân thượng? Bên cạnh Alvarez là một sĩ quan Quân đội NDVN. Mặc dù đã vác tấm ảnh đi hỏi vài nơi nhưng chưa ai biết xuất xứ tấm ảnh như thế nào. Về vị trí, người tù phi công ấy đứng cũng như sĩ quan kia là ai? Hoàn cảnh của tấm ảnh ấy là gì? Đăng lên đây ai biết mách giùm và cũng có thể sẽ ló dạng một câu chuyện mới về cựu tù binh phi công Alvarez?

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/noi-them-chuyen-chim-ung-my-bi-xieng-nhung-cau-hoi-ve-alvarez-1448728.tpo