'Nói thế nào, dùng diễn viên nhí để đóng vai 'người lớn' đã là không phù hợp'!

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng nhấn mạnh quan điểm đó khi trao đổi về bộ phim 'Vợ ba' để nữ diễn viên 13 tuổi đóng những cảnh nhạy cảm.

- “Vợ ba” – bộ phim từng giành giải tại một số liên hoan phim quốc tế vừa được công chiếu tại Việt Nam thì vấp phản ứng vì sử dụng diễn viên trẻ em (13 tuổi) đóng những cảnh nhạy cảm, dung tục. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động còn nhận định nhà làm phim vi phạm quy định về việc sử dụng lao động trẻ em, thậm chí đặt vấn đề có dấu hiệu lôi kéo trẻ em vào hoạt động có tính chất khiêu dâm, không lành mạnh. Ở vị trí một cơ quan giám sát các vấn đề về văn hóa, quan điểm của ông về vấn đề này?

Lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh có những đặc thù nên một số bộ phim, vở kịch có sử dụng diễn viên trẻ em, như “Vợ ba”, trong thực tế là có. Tuy nhiên, việc sử dụng diễn viên nhí như vậy, muốn có được sự ủng hộ của dư luận thì cần thận trọng hơn.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phạm Tất Thắng: "Xét theo góc độ pháp lý, đạo đức thì không nên tiếp tục công chiếu rộng rãi bộ phim "Vợ ba".

- Nói như vậy, ông vừa ủng hộ việc “truy xét” tính hợp pháp của bộ phim lại vừa “cảm thông” với nhà sản xuất?

Việc này có 2 góc độ cần xem xét. Thứ nhất, diễn viên 13 tuổi rõ ràng là người chưa đủ độ tuổi lao động. Dù lao động trẻ em vẫn được cho phép sử dụng nhưng phải đảm bảo những điều kiện nhất định. Những trường hợp công việc có khả năng ảnh hưởng sự phát triển tâm, sinh lý và các mối quan hệ xã hội của trẻ thì pháp luật không cho phép sử dụng lao động chưa đủ tuổi như vậy. Đoàn làm phim đáng ra phải chú ý khía cạnh pháp lý đó.

Sau nữa, phải lưu ý là việc sử dụng diễn viên nhí để đóng cảnh nhạy cảm, dung tục thì dù ở những xã hội rất “cởi mở” như văn hóa Âu, Mỹ cũng rất thận trọng vì khả năng vấp phải sự phản ứng của dư luận, huống hồ Việt Nam là một xã hội có hệ thuần phong mỹ tục theo truyền thống văn hóa Á đông khắt khe hơn. Việc sử dụng diễn viên nhỏ tuổi như vậy đóng trực tiếp các cảnh nhạy cảm rõ ràng không hợp thuần phong mỹ tục.

Từ 2 yếu tố, cả về pháp lý lẫn văn hóa như vậy, có thể thấy đoàn làm phim đã có những tính toán, quyết định không phù hợp. Vì vậy, bộ phim dù vấp phải sự phản ứng của dư luận xã hội.

- Những vấn đề “đáng tiếc” thực tế đều đã xảy ra, bộ phim đã hoàn thành, đưa đi thi thố rồi ra rạp để truyền bá tới công chúng. Phải xử lý các vấn đề ông chỉ ra thế nào?

Trước khi công chiếu ở Việt Nam, cơ quan quản lý đã thực hiện đầy đủ quy trình kiểm duyệt bộ phim này. Từ phía cơ quan chuyên môn đến người bảo hộ diễn viên đều cho rằng quá trình quay phim và công chiếu không vi phạm quy định cấm.

Nhưng rõ ràng việc phân định đúng – sai lúc này rất khó. Dưới góc độ pháp lý và thuần phong mỹ tục, quan niệm văn hóa phương đông thì việc sử dụng diễn viên nhỏ tuổi là không phù hợp. Đáng ra, nếu đoàn làm phim và nhà sản xuất vì năng khiếu nghệ thuật của diễn viên mà sử dụng thì với những cảnh quay nhạy cảm cũng nên dùng diễn viên đóng thế.

- Dư luận thì vẫn đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan kiểm duyệt qua các khâu trong quá trình sản xuất bộ phim, thưa ông?

Tôi đã nói, lao động nghệ thuật là lĩnh vực có yếu tố đặc thù, nhạy cảm riêng. Theo thông tin từ cơ quan quản lý về điện ảnh thì đơn vị làm phim thực hiện đầy đủ quy trình duyệt phim. Mẹ của diễn viên cũng khẳng định cảnh chiếu trên phim chỉ bộc lộ gương mặt của diễn viên chứ không thực sự có những cảnh dung tục.

Nhưng dù lý giải như vậy thì việc để một diễn viên 13 tuổi, độ tuổi vị thành niên, đóng cảnh nhạy cảm rõ ràng vừa không phù hợp quy định pháp luật, vừa không hợp thuần phong mỹ tục. Cơ quan quản lý và nhà sản xuất phim phải rút kinh nghiệm.

- Có sự thiếu sót, dễ dãi trong kiểm duyệt ở đây? Có thể xác định sự thiếu trách nhiệm đó diễn ra ở khâu nào, từ việc cấp phép sản xuất, thông qua kế hoạch làm phim hay ở công đoạn sau cùng, duyệt nội dung trước khi phim được đưa ra công bố...?

Có thể hiểu như thế nhưng cũng cần chia sẻ với cơ quan quản lý trong việc này. Việc dùng diễn viên 13 tuổi để đóng một vai như thế có gây phản cảm hay không, ranh giới rất khó phân định, có thể cơ quan quản lý không tính tới.

Việc này cũng tùy thuộc quan điểm nữa. Thông tin từ Cục điện ảnh, nhà làm phim cho tới phụ huynh của diễn viên đều nói không có cảnh dung tục. Nhưng rõ ràng, dùng diễn viên nhí đóng vai “người lớn” thì đã là không phù hợp rồi.

- Vậy tác phẩm có nên được tiếp tục truyền bá, theo quan điểm của ông?

Tôi được biết là ở Việt Nam thì cơ quan quản lý đã yêu cầu dừng chiếu và đoàn làm phim cũng quyết định dừng chiếu bộ phim tại các rạp.

Xét theo góc độ pháp lý, đạo đức thì không nên tiếp tục công chiếu rộng rãi bộ phim này hoặc có công chiếu thì phải kiểm duyệt lại để loại bỏ hoàn toàn cảnh có thể gây phản cảm với người xem, dư luận. Còn việc công chiếu ngoài phạm vi Việt Nam thì phải soi theo quy định của từng quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân trí

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/phim/noi-the-nao-dung-dien-vien-nhi-de-dong-vai-nguoi-lon-da-la-khong-phu-hop-534296.html