Nơi thầy cô quên mình vì học sinh

Ở một ngôi trường dân tộc bán trú vùng cao tại Tây Nguyên, nơi cơ sở vật chất lẫn điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng vẫn có những cô, thầy tận tâm, tận lực vì sự nghiệp trồng người...

Chung tay vì niềm vui của học sinh

Hiện ở trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học & trung học cơ sở Đak Smar xã Đak Smar, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai phần lớn các em học sinh đang theo học là người dân tộc Bana. Toàn trường có khoảng gần 250 em. Trường nằm ở khá xa trung tâm huyện Kbang nên việc di chuyển đến giảng dạy ở trường của một số thầy cô còn rất khó khăn.

 Các em học sinh trường PTDTBT TH&THCS Đak Smar đa phần đều là người dân tộc Bana. Ảnh: Bảo Trung

Các em học sinh trường PTDTBT TH&THCS Đak Smar đa phần đều là người dân tộc Bana. Ảnh: Bảo Trung

Cô Đinh Thị Dận, giáo viên cấp 1 trường Đak Smar, nhớ lại: Cách đây vài năm, muốn đến được trường thì phải đạp xe đạp từ dưới huyện trên con đường gồ ghề, đầy hiểm trở. Trường rất nghèo, thiếu thốn đủ thứ, giường cũng chẳng có một chiếc lành lặn để cho các em nằm, cơ sở vật chất xuống cấp, dụng cụ học tập thì hụt trước thiếu sau...

“Đa phần nhà các em đều nghèo nên việc vận động phụ huynh cho các cháu đến trường là việc khá khó khăn“, hiệu trưởng nhà trường cho biết. Ảnh: Bảo Trung

Một giáo viên dạy toán cấp 2, tâm sự: Vì kinh phí nhà trường có hạn nên các thầy, cô trong trường phải chung tay xây dựng một số công trình để giúp cho các em có nơi vui chơi giải trí. Các thầy tự kiếm củi xây dựng một dãy hành lang trong khuôn viên trường, một sân bóng đá mini cho các em vui chơi và một nhà ăn tập thể...

Một bữa ăn sáng của học sinh trường PTDTBT TH&THCS Đak Smar. Ảnh: Bảo Trung

Nói chung, các công trình để các em vui chơi, sinh hoạt đều được các thầy cô trong nhà trường góp sức lao động để giúp các em có thêm niềm vui sau những giờ học căng thẳng...

Hiện nay, cơ sở vật chất của trường đã khang trang, tiện nghi hơn. Ảnh: Bảo Trung

Thầy Nguyễn Thế Anh - Hiệu trưởng trường Đak Smar cho biết: Các em học sinh ở nhà trường từ cấp 1 đến cấp 2 đa phần có hoàn cảnh khá khó khăn. Nhiều trường hợp chúng tôi phải đi đến tận nhà vận động phụ huynh để họ cho con em mình đến trường.

Thầy cô đều làm mọi việc vì các em học sinh, còn chính các thầy cô hiện vẫn chưa có được một nhà vệ sinh "lành lặn" để sinh hoạt. Trường đã lấy 4 phòng học dành cho 137 học sinh lưu trú, ăn ở. Nhiều lần trường đề xuất về việc xây nhà ăn và làm mái che để các em có phòng ăn, làm nhà vệ sinh… nhưng vẫn chưa có kết quả.

"Em mơ một ngày vào đại học"

Sức học của nhiều em học sinh ở trường vẫn còn khá yếu, thầy cô phải dạy phụ đạo riêng. Tuy khó khăn vất vả nhưng vì tình yêu nghề, mong muốn nuôi dạy các em nên người đã giúp nhiều cô thầy gắn bó với trường. Nhiều người đã dạy ở đây hơn 10 năm.

Thầy cô nơi đây luôn tận tâm, tận lực với các em học sinh nghèo. Ảnh: Bảo Trung

Em Đinh Thị Hương, học sinh lớp 9 trường Đak Smar, nghẹn ngào: "Vừa qua, em đã đạt được giải khuyến khích môn địa lý trong kỳ thi cấp huyện. Em là người dân tộc Bana, hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nên em muốn học hành cao lên để bước vào cấp 3 và sau đó là giảng đường đại học".

Những buổi học phụ đạo của các em có học lực còn yếu, kém. Ảnh: Bảo Trung

Trưởng phòng GD ĐT huyện Kbang - ông Lê Thanh Hải bộc bạch: Trường Đak Smar là một ngôi trường bán trú mới thành lập trong thời gian gần đây nên còn nhiều khó khăn. Nhưng thầy cô đều rất mực thương yêu các em học sinh. Phòng GDĐT mỗi năm trích kinh phí khoảng 2 tỉ đồng chia về cho hàng chục trường trên địa bàn nên ngay những nguyện vọng thiết thực, đời thường như xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm... vẫn chưa đáp ứng được cho các trường.

Bảo Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/noi-thay-co-quen-minh-vi-hoc-sinh-737208.ldo