Nói thật

Lễ mừng thượng thượng thọ của vợ chồng ông Tường sắp đến ba mươi mâm. Những mâm cỗ được sắp đúng 'tiêu chuẩn thành phố', mặc dù ông bà ở nông thôn.

Để chuẩn bị cho lễ mừng thượng thượng thọ này, từ năm chẵn bẩy mươi tuổi, ông bà đã phải lo tích cóp tiền nong. Không chỉ tiền, mà cả đồ hậu sự, ông bà cũng đã lo đủ. Ông bảo:

- Lúc đầu, vợ chồng tôi chỉ định lo hậu sự với lại ít tiền, để lúc có nằm xuống thì đỡ phiền con cháu. Sinh có hạn, tử bất kỳ mà, có ai ngờ cả đôi lại cùng thọ được thế này. Tuổi tác là trời cho. Thôi thì vợ chồng tôi nghèo lộc nhân gian nhưng lại được hưởng thiên tước. Nghĩ vậy, nên tôi mới quyết định làm cái lễ cho nó tươm tất một tý. Sau cái đận này, có “đi” ngay, chúng tôi cũng không ân hận.

Khách đến rất đông. Ai cũng mừng cho ông bà, vì cả hai đều cùng vào tuổi tám mươi. Ai cũng tấm tắc:

- Thật hiếm có cặp vợ chồng nào được như vậy.

Đúng tám giờ sáng, ông Chủ tịch Hội Người cao tuổi và ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, rồi trưởng và phó thôn, là trưởng và phó ban tổ chức buổi lễ mừng thọ, đã chỉnh tề khăn áo đến nhà ông Tường. Vợ chồng ông hôm nay đều mặc áo dài đỏ thêu chữ “thọ”, quần trắng, đi hài đỏ, đầu trùm khăn đỏ, mặt mũi tươi như hoa, ta đón khách. Tám giờ rưỡi, giàn bát âm cử bài thái sư, đưa ông bà ra nhà văn hóa thôn, con cháu và khách khứa rồng rắn theo sau. Đến nơi, ông bà được rước lên ngồi ở vị trí danh dự.

Buổi lễ bắt đầu. Trưởng ban tổ chức khai mạc, lãnh đạo xã chúc thọ và đọc diễn văn chúc mừng. Thằng cháu nội dâng rượu, con cháu trong nhà và trong họ cũng lần lượt lên dâng lời chúc thọ, dâng đồ mừng, nào là bức trướng “phúc như Đông hải, thọ tỷ Nam sơn”, nào là biển khảm trai ba ông Phúc, Lộc, Thọ... Trưởng họ Nguyễn tặng hoa... Mười giờ, lễ tất, ông bà lại được rước về nhà. Mọi người nhập tiệc. Chủ tịch xã nâng chén:

- Hôm nay, tôi vô cùng vinh dự được thay mặt lãnh đạo xã đến chúc mừng hai cụ. Mong rằng trong xã ta càng ngày càng có nhiều cụ thượng thượng thọ như thế này. Trước khi nâng chén, xin hai cụ có ý kiến với con cháu và bà con trong họ ngoài làng.

Ông Tường run run:

- Tôi thật không biết nói gì hơn. Chỉ biết cám ơn lãnh đạo xã, Hội Người cao tuổi, Mặt trận và bà con trong họ ngoài làng đã đến chung vui với vợ chồng tôi. Ngẫm ra, chính vì các cụ tôi ăn ở có đức nên vợ chồng tôi mới được thế này.

Ông vừa dứt lời, bỗng có giọng đàn bà the thé cất lên:

- Ông nói thế, thì ra ông bà ăn ở thất đức à?

Mọi người tái mặt, đổ dồn vào người vừa nói. Thì ra đó là người con dâu thứ hai của ông Tường. Chủ tịch xã đập tay xuống bàn:

- Cô Nhung, ai cho phép cô ăn nói hỗn láo thế hả. Hôm nay là ngày gì cô có biết không?

Chị Nhung cũng không vừa:

-Thuốc đắng giã tật. Sự thật mất lòng. Tôi chờ đợi ngày này để được nói lâu lắm rồi. Có sao tôi nói vậy, chẳng hỗn láo với ai hết. Ông bảo các cụ ăn ở có đức nên ông bà mới sống lâu. Thế thì có phải ông bà ăn ở thất đức nên con ông bà mới chết non, có phải không?

Câu nói của chị như xát muối vào lòng ông bà. Thảo, anh con trai lớn của ông bà, chết bệnh năm ba lăm tuổi. Còn Hiền, chồng Nhung, cũng chết bệnh năm bốn mươi mốt tuổi. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống... Hai anh con trai đi sớm, để lại cho ông bà 7 đứa cháu nội. Cô út thì lấy chồng xa...

Chị Nhung vẫn chao chát:

- Chồng tôi chết đi, để lại cho tôi một đống nợ. Thế mà ông bà vẫn dành tiền để bày vẽ, không cho các cháu một xu...

Chị Hòa, vợ anh Thảo, vội gạt đi:

- Thôi, có gì thím để lúc khác hãy nói. Hôm nay...

- Chị đừng có mà chặn họng tôi. Cũng là con trai, mà vợ chồng tôi phải lo mua đất, làm nhà, chết vẫn chưa hết nợ. Còn vợ chồng chị thì được hưởng nguyên cả cái cơ nghiệp của ông bà. Thử hỏi vậy có công bằng không?

- Thím ăn nói cho nó đứng đắn một tý. Cơ nghiệp của ông bà thì vẫn là của ông bà. Ông bà đã chia cho ai đâu mà bảo vợ chồng tôi hưởng cả. Lúc mới lấy nhau, ông bà chỉ cho vợ chồng tôi hai gian nhà ngang. Tôi xây nó lên như bây giờ là tiền của tôi, chứ tôi có xin ông bà một đồng nào đâu. Có ông bà đây làm chứng.

- Phải, chả xin ông bà đồng nào, mà nào vườn, nào ao của ông bà giờ đã mang tên các con chị cả rồi.

- Ông bà nghe xem, thím ấy nói thế có phải không?

Mặt ông Tường tái xanh. Ông từ từ cong người xuống rồi không dậy được nữa. Mọi người nhốn nháo, vội đưa ông ra trạm xã. Vừa nhìn qua, bác sỹ trạm trưởng đã bảo:

- Gọi xe cấp cứu, đưa đi bệnh viện tỉnh ngay.

Mấy chục mâm cỗ chỏng chơ, chẳng ai ngó đến.

QUẢN TÚC (Kiến thức gia đình số 30)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/noi-that-post222994.html