Nỗi thất vọng của các hãng bay chở hàng

Sau 2 năm vận tải hàng hóa bằng hàng không bùng nổ, năm nay tình hình thế giới biến động chóng mặt khiến nhiều hãng bay ngậm ngùi thất vọng.

Nhu cầu vận tải hàng không hạ nhiệt

Máy bay chở hàng của hãng FedEx Press

Máy bay chở hàng của hãng FedEx Press

Theo số liệu thống kê mới nhất về tình hình vận tải hàng hóa qua đường hàng không tháng 9/2022, Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) cho biết, nhu cầu vận tải hàng không toàn cầu đã hạ nhiệt.

Dù khả năng vận tải hàng không tăng 2,4% so với tháng 9/2021 nhưng nhu cầu vận tải hàng toàn cầu (tính theo tấn.km hàng hóa) đã giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bức tranh khá ảm đạm này khác hoàn toàn so với năm 2021 khi vận tải hàng hóa bằng đường hàng không trở nên rất nóng, nhiều hãng bay chuyển hướng sang vận tải hàng để bù lỗ từ vận tải khách. Một số hãng bay mới chuyên chở hàng nở rộ như nấm sau mưa, nhất là tại Ấn Độ.

Nhận định về sự thay đổi này, Tổng giám đốc IATA Willie Walsh cho biết, dù hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường hàng không tiếp tục xu hướng ở mức của năm 2019, sản lượng vẫn ở mức thấp so với mức bất ngờ của năm 2021 vì ngành công nghiệp này đối mặt với một số thách thức.

Cụ thể, xét về mức độ tiêu dùng, đa phần các nơi đều dỡ bỏ các hạn chế đi lại nhưng người dân dường như dành nhiều thời gian để đi nghỉ hơn và ít chi tiêu qua thương mại điện tử hơn.

Xét ở mức độ vĩ mô, vì những cảnh báo suy thoái ngày càng nhiều nên đã có tác động tiêu cực với dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, sự ổn định của giá dầu.

Riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á – Thái Bình dương (AAPA) chỉ ra, lượng vận tải hàng hóa qua đường hàng không của các hãng bay trong khu vực này vào tháng 9 đã giảm 2 con số.

Nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường hàng không quốc tế trong tháng 9 so với năm ngoái đã giảm 10,4% trong khi năng lực vận tải hàng hóa lại tăng 5,9%. Do đó, hệ số vận tải trung bình đã giảm 11,4 điểm phần trăm xuống 64%.

AAPA cho rằng, thị trường hàng hóa vẫn đang chịu nhiều áp lực do hoạt động kinh doanh khó khăn, niềm tin tiêu dùng giảm.

Các chuyên gia logistics qua đường hàng không cũng hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng vào năm 2023 khi người tiêu dùng chi tiêu ít hơn cho hàng hóa, các hợp đồng sản xuất, xuất khẩu và hàng hóa đang quay trở lại với dịch vụ vận tải đường biển do chi phí rẻ hơn.

Cắt chi tiêu, giảm công suất, dừng kế hoạch mới

Cathay Pacific Airways, một trong những nhà vận tải hàng bằng đường hàng không lớn nhất trên thế giới, cũng dự báo các yếu tố lạm phát, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và các hạn chế phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc có thể khiến nhu cầu vận tải hàng hóa giảm trong mùa mua sắm đỉnh điểm năm nay.

Ông Frosti Lau, Giám đốc điều hành về dịch vụ giao hàng của Cathay cho biết, lạm phát đang có tác động tới nhiều nhu cầu tiêu dùng; sự gián đoạn chuỗi cung ứng vài tháng gần đây cũng làm giảm sản lượng công nghiệp.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện hạn chế phòng dịch Covid-19. Mùa cao điểm mua sắm năm nay sẽ không rõ rệt và nhộn nhịp như năm ngoái.

Cùng nhận định, nhà cung cấp dịch vụ logistics - Scan Global Logistics (SGL) cũng rất thận trọng khi dự báo tình hình sắp tới và nhấn mạnh nhu cầu vận tải hàng hóa giảm đột ngột khiến các hãng hàng không vận tải hàng rơi vào tình trạng mất ổn định không thể kiểm soát.

Do nhiều doanh nghiệp tập trung siết chặt chi phí vì lạm phát tăng cao nên vận tải hàng hóa bằng đường hàng không – vốn là hình thức vận tải đắt đỏ nhất – thường sẽ bị cắt giảm đầu tiên.

Tuy dự báo không tốt nhưng vì Cathay đang trông chờ phần lớn vào vận tải hàng trong bối cảnh vận tải khách ế ẩm nên hãng bay này vẫn tăng công suất, bổ sung thêm khả năng chở hàng ở khoang máy bay chở khách.

Một số máy bay chở khách tiếp tục được sử dụng cho dịch vụ vận tải hàng trong khu vực để đề phòng khả năng nhu cầu tăng đột ngột.

Với hãng vận chuyển hàng FedEx, hãng này đã thể hiện rõ sự thất vọng khi đánh giá kết quả hoạt động trong quý đầu tiên trong năm tài khóa của hãng vừa kết thúc vào ngày 31/8.

Doanh thu của FedEx Express đã giảm thấp hơn 500 triệu USD so với dự tính ban đầu của công ty. Hãng dự báo, tình hình kinh doanh sẽ còn tiếp tục suy yếu trong quý 2 của năm tài khóa 2023.

Để đối phó với nhu cầu vận tải hàng giảm trong năm tài khóa 2023, FedEx cho biết, sẽ thực hiện một số sáng kiến giảm chi phí như giảm công suất so với kế hoạch ban đầu và cắt một số dự án khác; giảm tần suất chuyến bay và tạm dừng hoạt động với một số máy bay; đóng cửa hơn 90 địa điểm văn phòng FedEx và sa thải bớt nhân sự…

Chủ tịch và Giám đốc điều hành của FedEx – ông Raj Subramaniam cho biết: “Tuy chúng tôi đã nhanh chóng giải quyết các thách thức nhưng vì tình hình toàn cầu thay đổi nhanh nên kết quả quý 1 thấp hơn dự đoán”.

Trước nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường hàng không giảm mạnh, tình hình thế giới biến động khó lường, mới đây, tại Việt Nam, công ty IPP Air Cargo của vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin rút toàn bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đã được trình các cấp có thẩm quyền tại Việt Nam và dừng các hoạt động cấp phép bay, chấp nhận bị tổn thất không nhỏ.

Lãnh đạo IPP Air Cargo cho biết, khi thị trường thế giới có sự phục hồi và ổn định trong tương lai, doanh nghiệp này sẽ cân nhắc trở lại vào thời điểm thích hợp xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không mới, bao gồm việc nộp hồ sơ xin cấp phép từ đầu.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/noi-that-vong-cua-cac-hang-bay-cho-hang-d572787.html