Nội thất khủng của bảo tàng từng là cung điện nhà Nguyễn

Có thể nói, những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời trong nội thất của điện Long An là những hiện vật lịch sử vô giá, góp phần làm phong phú thêm cho hệ thống trưng bày đặc sắc của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Trải qua hàng thế kỷ tồn tại cùng nhiều cuộc chiến tranh, điện Long An - Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế - vẫn còn khá nguyên vẹn với toàn bộ hệ thống kiến trúc bằng gỗ được làm theo kiểu trùng thiềm điệp ốc - kiểu kiến trúc cung đình phổ biến thời Nguyễn.

Trải qua hàng thế kỷ tồn tại cùng nhiều cuộc chiến tranh, điện Long An - Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế - vẫn còn khá nguyên vẹn với toàn bộ hệ thống kiến trúc bằng gỗ được làm theo kiểu trùng thiềm điệp ốc - kiểu kiến trúc cung đình phổ biến thời Nguyễn.

Ðiểm đặc biệt nổi bật nhất ở nghệ thuật kiến trúc điện Long An là sự kết hợp hài hòa giữa kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật.

Khác với đa số cung điện của nhà Nguyễn ở Huế, những chi tiết gỗ của điện Long An không sơn son thếp vàng, chỉ để mộc trơn và được tô điểm bằng các kỹ thuật chạm trổ tinh xảo.

Tám bộ vì kèo nóc tiền điện không được thiết kế theo lối chồng rường giả thủ thông thường mà là 8 đồ án lưỡng long tranh châu liền khối đồ sộ, được các nghệ nhân Huế xưa thực hiện bằng nghệ thuật chạm lộng.

Phần trang trí nội thất chính của ngôi điện là các liên ba, đồ bản chạm khắc theo lối nhất thi nhất họa và nhất tự nhất họa phổ biến trong các cung điện Huế.

Ở những tác phẩm này, các nghệ nhân xưa đã dùng các chất liệu như xương, ngà voi, xà cừ... khảm lên bề mặt gỗ, vừa giản dị mà toát lên sự tinh tế.

Đáng chú ý trong hệ thống trang trí là những bài thơ, hầu hết là do đích thân vua Thiệu Trị sáng tác.

Thơ trang trí trong điện Long An được bố trí, sắp xếp ở hầu khắp trong -ngoài ngôi điện nhưng không bị lặp lại, không gây cảm giác nhàm chán mà rất hài hòa.

Sự phong phú của thơ ở đây được thể hiện không chỉ về nội dung, hình thức trình bày mà còn cả về thể loại thơ.

Hai bài thơ "lạ" nhất trong điện là bài "Vũ trung sơn thủy" (Cảnh trong mưa) và "Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm" (Đêm thơ ở Phước Viên) được làm theo kiểu "hồi văn kiêm liên hoàn" gồm 56 chữ Hán.

Ở hai bài này, người đọc có thể đọc xuôi ngược nhiều chiều thành 64 bài thơ khác nhau mà việc giải mã vẫn còn gây tranh cãi trong giới nghiên cứu đến ngày nay.

Có thể nói, những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời trong nội thất của điện Long An là những hiện vật lịch sử vô giá, góp phần làm phong phú thêm cho hệ thống trưng bày đặc sắc của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Một số hình ảnh khác về trang trí kiến trúc trong điện Long An - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Mời quý độc giả xem clip: Các địa điểm du lịch được ưa thích ở Cố đô Huế.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/noi-that-khung-cua-bao-tang-tung-la-cung-dien-nha-nguyen-1135117.html