Nói thẳng: 'Fan hâm mộ' bây giờ đã biết rõ nghệ sĩ nào nói lời xin lỗi chân thành

Cụm từ PR bản thân đã về đúng nghĩa với bản chất vốn có, đó là phải làm những điều tốt đẹp mới là PR chứ không phải tạo 'tai tiếng' để chú ý cũng được 'quy đồng mẫu số' gọi chung là PR bản thân. Scandanl không phải là cơ hội để người bình thường nổi tiếng, không làm cho nghệ sĩ nổi tiếng hơn và nó là con hai lưỡi đã quay lại phản tác dụng.

Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ việc của giới nghệ sĩ tạo nên những con sóng khá dữ dội trong dư luận, buộc họ phải nói lời xin lỗi. Nhưng từ sau sự việc này cho thấy công chúng đã khác.

Hẳn nhiều người còn nhớ sự cố Phạm Anh Khoa bị tố gạ tình và phải xin lỗi đến hai lần. Lần thứ nhất nam rocker xin lỗi nhưng phần lớn biện minh cho mình đó là sự sai lầm trong nhận thức về hành động khiếm nhã. Vì thế lời xin lỗi thiếu sự chân thành này càng như đổ thêm dầu vào lửa dư luận, khiến cơn giận bùng phát dữ dội và nam ca sĩ phải cúi đầu xin lỗi lần hai.

Gây ồn ào không kém khi Sĩ Thanh - một cái tên khá mờ nhạt của showbiz lại nối gót á hậu bán dâm vừa bị dư luận chỉ trích và khó tha thứ, tung bộ cảnh phản cảm làm "bẩn" Sài Gòn. Sau vài ngày cho rằng vì áp lực dư luận nên cô đã nói lời xin lỗi. Nhưng đáng buồn và nực cười cũng như lố bịch là ngay cả nói lời xin lỗi người ta không thấy hình ảnh người bị lỗi khoanh tay, cúi đầu mà chỉ như viện một cái cớ để thanh minh và tiện thể quảng cáo MV ca nhạc mới.

Những nghệ sĩ từng nói lời xin lỗi

Mối tình tay ba Kiều Minh Tuấn – Cát Phượng – An Nguy chưa biết thực hư ra sao nhưng trước ngày bộ phim có sự tham gia của Kiều Minh Tuấn và An Nguy ra mắt họ đã tạo nên một quả bom dư luận khi công khai tình cảm. Và rồi sau sự lên án, thậm chí tẩy chay nghệ sĩ, bộ phim cùng với doanh thu của phim giảm, nam diễn viên họ Kiều lại gặp gỡ báo chí để nói lời xin lỗi. Chỉ tiếc là người đáng được xin lỗi như nhà sản xuất phim, đạo diễn phim… thì lại không có mặt. Nhiều khán giả cho rằng phải chăng tình cảm là thứ riêng tư mà cứ thích ai, say nắng ai là cứ hô cho cả thiên hạ biết mặc kệ dư luận và người bị tổn thương ra sao thì ra.

Tốn không ít giấy mực báo chí mấy ngày qua là chuyện một số ca sĩ tham gia chương trình từ thiện lại ký tên trên tranh khiến giới nghệ thuật xôn xao và cũng buộc lòng người trong cuộc phải xin lỗi. Hơi tiếc, lẽ ra lời xin lỗi ngắn hơn, dừng lại đúng chỗ thì tác dụng sẽ tốt hơn.

Xin lỗi và cảm ơn là bài học có lẽ mỗi chúng ta được dạy học rất sớm từ khi còn là đứa trẻ biết nói. Nếu xin lỗi chân thành, đúng lúc, đúng chỗ không làm cho con người "mất giá" đi mà ngược lại càng khẳng định giá trị, nhân cách của con người. Ngược lại xin lỗi thiếu sự chân thành thì có khi rất dễ làm cho bản thân mình "mất giá" hơn. Vì thế câu xin lỗi tưởng chừng rất đơn giản khi thốt ra nhưng xin lỗi như thế nào vẫn là câu chuyện đáng được quan tâm, nhất là với người nổi tiếng. Và không phải đến bây giờ câu xin lỗi mới được các nghệ sĩ nói ra nhưng hình như chưa bao giờ lại liên tiếp và khiến dư luận "lời ra tiếng vào" như thời điểm vừa rồi.

Trước sức ép dư luận, Phạm Anh Khoa họp báo xin lỗi và mong muốn được làm nghề
Sợ bị tẩy chay sau khi chụp ảnh cưới phản cảm, Sĩ Thanh nói lời xin lỗi
Cát Phượng nói trong nước mắt, Kiều Minh Tuấn hối lỗi: Có khiến khán giả tha thứ?

Nhìn lại một vài nghệ sĩ thời gian qua nói lời xin lỗi và tự hỏi họ có thực sự tự thấy lỗi của mình để tự giác xin lỗi không?. Có, nhưng không nhiều. Phần lớn chỉ khi áp lực dư luận bủa vây không chịu được, và quan trọng hơn cả là cộng với quyền lợi vật chất sát sườn, "ế chương trình" ảnh hưởng kinh doanh, tên tuổi thương hiệu… bị ảnh hưởng thì lời xin lỗi mới được cất lên. Phạm Anh Khoa nếu không bị dừng các show diễn có nói lời xin lỗi lần 2?. Sĩ Thanh sau khi tung ảnh phản cảm, ngay lập tức tung tiếp MV và cả phim mới dường như không một ai hưởng ứng, đả động ngoài những lời miệt thị liệu có xin lỗi không?. Kiều Minh Tuấn nếu không khi bị khán giả quay lưng với bộ phim hàng chục tỷ đồng bị thua lỗ liệu có nói lời xin lỗi?.

Bao nhiêu phần trăm sự chân thành trong những lời xin lỗi của nghệ sĩ dường như là một sự ước lệ mà mỗi người cảm nhận lại thấy khác nhau. Vì lẽ đó, sau xin lỗi, chỉ một phần nhỏ khán giả tha thứ, còn phần nhiều hơn khán giả lại cảm thấy mình bị tổn thương hơn, lại trào lên sự giận dữ. Xin lỗi như thế, thà rằng người mắc lỗi cứ im lặng, cứ âm thầm sửa lỗi có khi còn có tác dụng hơn.

Sự quay lưng, tẩy chay sản phẩm của những nghệ sĩ vướng vào ồn ào thời gian qua cho thấy, dù họ có nổi tiếng đến đâu, nếu không biết giữ chân khán giả, không lao động nghệ thuật nghiêm túc thì không có công chúng. Mà nghệ sĩ không có công chúng thì họ chả là gì.

Ảnh minh họa/ Ngọc Diệp- Dân trí

Đây là điều đáng mừng của công chúng khi không dễ dãi chấp nhận người nghệ sĩ có những hình ảnh xấu xí trong cộng đồng. Đã qua rồi cái thời nghệ sĩ phải tạo scandal để nổi tiếng. Đã qua rồi cái kiểu "đốt đền" để nổi tiếng. Có thể cái cụm từ khẳng định "đã qua rồi" chưa chắc đúng hoàn toàn nhưng nó ít nhiều thể hiện thái độ nghiêm khắc từ công chúng dành cho nghệ sĩ.

Qua những sự cố cùng hàng loạt lời xin lỗi của nghệ sĩ vừa rồi càng chứng minh showbiz không ít "sạn" nhưng công chúng giờ đã khác. Sự thay đổi quan trọng này có thể khiến các nghệ sĩ và cả những ai muốn dấn thân làm nghệ thuật nhìn lại mình một cách nghiêm túc, cẩn trọng. Cụm từ PR bản thân đã về đúng nghĩa với bản chất vốn có, đó là phải làm những điều tốt đẹp mới là PR chứ không phải tạo "tai tiếng" để chú ý cũng được "quy đồng mẫu số" gọi chung là PR bản thân. Scandanl không phải là cơ hội để người bình thường nổi tiếng, không làm cho nghệ sĩ nổi tiếng hơn và nó là con hai lưỡi đã quay lại phản tác dụng.

Mọi cơn bão rồi cũng tan, con người không ai là hoàn hảo và khó tránh khỏi những sai lầm hay vấp ngã, nhưng khi muốn nhận sự tha thứ từ phía công chúng thì cần lắm một lời xin lỗi chân thành.

Nhị Xuân

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/noi-thang-fan-ham-mo-bay-gio-da-biet-ro-nghe-si-nao-noi-loi-xin-loi-chan-thanh-voi-cong-chung-20181017124910759.htm