Nơi 'tao nhân mặc khách' tìm về

'Tao đàn Bình Thủy' - dòng chữ trên phiến đá xưa bên vách rào Nhà cổ Vườn lan, được ông Dương Minh Hiển (Hai Hiển), chủ nhân hiện tại của nhà cổ, trân quý từng ký tự và say sưa kể về một thuở 'tao nhân mặc khách' tìm về. Dưới mái nhà trăm năm dặm dài dấu thời gian, câu chuyện về một Cần Thơ trọng lễ nghĩa, chuộng văn chương, cứ dài theo nhịp trôi tiếng gõ đồng hồ quả lắc...

Ông Hai Hiển chỉ cho nhà báo Vũ Thống Nhất xem bảng đá khắc tên “Tao đàn Bình Thủy” trong Nhà cổ Vườn lan. Ảnh: DUY KIÊN

Ông Hai Hiển chỉ cho nhà báo Vũ Thống Nhất xem bảng đá khắc tên “Tao đàn Bình Thủy” trong Nhà cổ Vườn lan. Ảnh: DUY KIÊN

Ngày cuối năm, qua giới thiệu của nhà báo Vũ Thống Nhất, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, chúng tôi bất ngờ khi biết được từng có một tao đàn trên đất Bình Thủy cách đây gần nửa thế kỷ. Ðó là Tao đàn Bình Thủy hay còn gọi Tao đàn Ông Ngôn, Tao đàn Năm Ngôn. Ông Năm Ngôn là thân sinh của ông Hai Hiển, tao đàn được sinh hoạt tại nhà cổ nên tên của chủ nhà được đặt cho tao đàn. Tao đàn Bình Thủy không chỉ quy tụ văn nhân của Cần Thơ mà còn lan tỏa khắp cả nước. Ông Hai Hiển lần giở những trang viết cũ, chỉ cho chúng tôi những dòng thơ, lời văn của thi sĩ Xuân Diệu, thi sĩ Chế Lan Viên... khi đến giao lưu với tao đàn. Những kỷ vật đó cùng với phiến đá khắc tên tao đàn được ông Hai Hiển giữ gìn và nâng niu qua năm tháng. Ông nói: “Giữ để mọi người biết đất Cần Thơ có truyền thống văn hóa vững vàng lắm!”.

Tâm huyết của chủ nhà cổ trăm năm khiến chúng tôi xúc động. “Cảo thơm lần giở trước đèn”, chúng tôi có hành trình theo dấu người xưa để tìm hiểu về cội nguồn. Mới hay ngay từ đầu thế kỷ XVIII, Cần Thơ đã có Tao đàn Bà Ðồ vang danh khắp chốn. Nhà sưu khảo Huỳnh Minh trong “Cần Thơ xưa và nay” (Cánh Bằng ấn tống năm 1966) nhận định rằng: “Chọn địa điểm xóm Bà Ðồ làm nơi thành lập tao đàn, các cụ đã đem thanh danh tô điểm cho xóm này trở thành bất hủ và chứng tỏ cho các thế hệ sau biết rằng xưa nơi Bình Thủy từng có một xóm cực kỳ thanh tú văn nhã”. Tao đàn Bà Ðồ quy tụ những anh tài văn chương như Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Ðạt, Phan Văn Trị...

Hồi những năm 1970, Hưng cổ văn đoàn - tao đàn do thi nhân Nguyễn Tài Năng cùng các thi hữu sáng lập, cũng tạo tiếng vang khắp đất nước. Sinh thời, nữ sĩ Nguyễn Thanh Lan, ái nữ của thi nhân Nguyễn Tài Năng, chia sẻ với chúng tôi rằng Hưng cổ văn đoàn là tâm huyết của ba bà và các thi hữu. Ðó còn là tiếng lòng của những nhà thơ yêu nước, mượn vần thơ bày tỏ tấc lòng:

“Chừng nào pháo nổ thay hồi súng
Cho cánh hoa xuân khỏi dạn dày”

(Thơ Nguyễn Tài Năng)

Trong cuộc trà dư với những nhà nghiên cứu văn hóa, ai cũng thắc mắc với nhau rằng, vì cớ nào mà Cần Thơ lại được nhiều chí sĩ, văn nhân chọn “an trí”, “tỵ địa” thuở xưa. Ðó là nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị về Trà Niềng, Phong Ðiền sống với miệt vườn, “làm thơ đánh giặc”. Cụ Trương Duy Toản về đất Phong Ðiền “tỵ địa” và viết nên bản ca ra bộ đầu tiên trong lịch sử cổ nhạc phương Nam. Hay là quan tri phủ Huỳnh Mẫn Ðạt tuổi xế chiều vẫn thường tìm về Cần Thơ để xướng họa thơ văn... Thắc mắc rồi ngầm hiểu rằng: Ðất có lành thì chim mới đậu!

Bàn chuyện văn chương Tây Ðô, nhà báo Vũ Thống Nhất lại nhắc lại giải thưởng văn chương do Hội Khuyến học Cần Thơ tổ chức năm 1943 với giải Nhất trao cho tác phẩm “Ðồng quê” của nhà văn Phi Vân. Trải gần 80 năm, “Ðồng quê” vẫn là tuyệt tác, được chuyển thể thành tác phẩm sân khấu, điện ảnh, cho thấy sức sống của một giải thưởng văn chương mang thương hiệu Cần Thơ.

Soạn giả Nhâm Hùng thì chia sẻ về thời hưng thịnh của văn nghệ Cần Thơ cách đây hơn 40 năm. Ðơn cử là tờ Văn nghệ Hậu Giang khi đó quy tụ những cây viết lừng danh cả nước như Sơn Nam, Bảo Ðịnh Giang, Lê Ðình Kỵ, Ngô Hồng Khanh, Mai Văn Tạo... Ông cũng bày tỏ sự thú vị về dòng sông Ô Môn đã nuôi nấng những tâm hồn âm nhạc: Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Ðắc Nhẫn, Triều Dâng. Trăm năm cải lương, người Cần Thơ góp cho sân khấu những tên tuổi lớn: Hậu Tổ cải lương Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, NSND Tám Danh, soạn giả Ðiêu Huyền, Cô Năm Cần Thơ... “Ðó là một dòng chảy nhân văn xuyên suốt mà trong bất kỳ giai đoạn nào, người Cần Thơ cũng góp phần làm rực rỡ nghệ thuật nước nhà”, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng nhấn mạnh.

“Trải qua hàng trăm năm, Cần Thơ vẫn là đất hẹn của tao nhân mặc khách, của cầm kỳ thi họa”, nhà báo Vũ Thống Nhất khẳng định như vậy. Ông vốn là người con đất Bắc đã nhận Cần Thơ làm quê hương. Mấy mươi năm làm báo, viết văn, ông vẫn chọn cho mình đề tài về văn hóa đồng bằng, về làng cổ Long Tuyền trăm năm giữa lòng phố, về con cá, con mắm, cây lúa, hạt gạo miền Tây. Với ông, đó là mạch nguồn khơi chẳng khi nào cạn, mà lại đầy thêm.

Trăm con rạch nhỏ cũng chảy về sông lớn. Ngàn cánh chim cũng tìm tổ bay về. Cần Thơ thịnh tình đón nhận như một kiểu hội tụ văn hóa trên nền tảng truyền thống của đất và người nơi đây. Nhà văn Sơn Nam khẳng định chắc nịch trong hồi ký “Từ U Minh đến Cần Thơ”: “Cần Thơ là trung tâm văn hóa!”. Mới hay mấy trăm năm qua Cần Thơ kết tinh và hội tụ, tạo dựng nên một diện mạo văn hóa đa sắc và giàu bản sắc.

***

Ðời nối đời, người truyền người, truyền thuyết về tên gọi “Cầm Thi Giang” cứ lan tỏa như một niềm tự hào về vùng đất của đờn ca, thơ phú. Ðêm cuối năm dạo bước bến Ninh Kiều, xa xa dòng Hậu Giang êm chảy, chợt nghe tiếng hát ai vọng lại thiết tha từ phía du thuyền: “Có phải người xưa mang tâm hồn nghệ sĩ. Trong tâm hồn người lao động của đồng quê. Ðặt thành tên ghi cảnh sắc một bến bờ. Cho ta mãi gọi Cần Thơ! Cần Thơ!” (Bài hát “Cần Thơ một khúc ca” của nhạc sĩ Phạm Tuyên).

ÐĂNG HUỲNH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/noi-tao-nhan-mac-khach-tim-ve-a130364.html