Nội tâm - đời sống bí mật trong mỗi người

Trong 'Có thể có, có thể không', Robert Fulghum ví nội tâm con người như công viên giải trí, bệnh viện tâm thần, rạp xiếc, sở thú.

Robert Fulghum (sinh năm 1937) là tác giả người Mỹ, “bậc thầy tìm ví dụ tâm tinh trong cuộc sống đời thường”, người có sở trường “lôi ra những câu chuyện và giai thoại đầy màu sắc để chọc phá sự vĩ đại của loài người”.

Cả 8 cuốn sách của ông, hầu hết tổng hợp chuyện ngắn đời thường, đều lọt danh sách best-seller của The New York Times. Văn phong dí dỏm và cái nhìn hài hước tinh quái, đầy màu sắc và ấm áp của Fulghum đã chinh phục độc giả.

 Sách Có thể có, có thể không. Ảnh: FN.

Sách Có thể có, có thể không. Ảnh: FN.

Ba đời sống

Có thể có, có thể không là tác phẩm thứ tư của ông, vẫn “đặc sệt” phong vị Robert Fulghum. Cuốn sách tràn đầy chuyện cá nhân tủn mủn (Fulghum kể về điều ông làm sau lưng vợ con, các dụng cụ trong căn bếp nhà ông, cây hoa trạng nguyên ông khó lòng vứt đi hay trải nghiệm làm nhạc trưởng có một không hai), xen lẫn đó là những đoạn độc thoại liên miên của Robert Fulghum về nội tâm con người.

Robert Fulghum từng diễn giải về ba đời sống mà mỗi người chúng ta sở hữu: Đời sống xã hội, đời sống riêng tư và đời sống bí mật.

Đời sống xã hội của chúng ta xoay quanh công việc và cuộc sống, nơi có nguyên tắc, pháp luật và các tục lệ. Đời sống riêng tư lại gắn với sự hiện diện của gia đình, bạn bè và hàng xóm, những người mà chúng ta có nghĩa vụ quan tâm, tôn trọng.

Ngược lại với hai đời sống đó, trong đời sống bí mật - những gì diễn ra trong tâm trí - là nơi “hầu như mọi thứ đều có thể xảy ra”. “Khi chẳng còn ai khác ở xung quanh, chính mỗi người mới có thể trả lời cho những điều mình suy nghĩ và hành động. Phân chia thành “thực tế” hay “hư cấu” không còn thích đáng ở đây nữa”, Robert Fulghum giải thích.

“Bên trong những giới hạn chật chội của khối thịt xương là cả một không gian bất tận. Trong khoảng không rộng mở đó có thể là công viên giải trí, một sở thú, rạp xiếc, một thư viện, bảo tàng, nhà hát hoặc một khung cảnh nào đó còn lạ lẫm hơn sao Hỏa”, ông ví von.

Giữa những trang viết phong phú của Fulghum trong Có thể có, có thể không, nội tâm hiện lên như một chủ thể khó lường, phức tạp, đồng thời bí ẩn nhất và riêng tư nhất vì chỉ mỗi người mới nhìn thấu và kiểm soát “cái khung cảnh còn lạ lẫm hơn sao Hỏa” của riêng mình.

Ở đó, có sự vật lộn khôn nguôi của những ý nghĩ đối nghịch nhau, những “hội đồng” tự phán xét chính mình. “Dường như lúc nào trong tâm trí tôi cũng có những cuộc đối thoại bất tận giữa tôi và một bản thể khác”, Fulghum nói.

Ở đó còn có sự hiện diện của những cảm xúc yếu đuối, bé mọn, đáng xấu hổ nhất. Đây là ví dụ từ vị tác giả đáng kính khi ông 55 tuổi: “Dẫu trong con mắt xã hội tôi là một người cha, tận trong sâu thẳm tôi vẫn bí mật làm một cậu trai nổi loạn và một đứa trẻ sợ sệt”.

Hoặc: “Tôi bắt đầu nhận ra một số thứ mình sẽ không bao giờ có thể đạt được, vì thiếu cơ hội, trang thiết bị, tuổi tác, tài năng hay nhiều lý do khác. Chẳng hạn như chơi bi-da bằng xẻng hay chổi hay cây lau nhà là chuyện sẽ không bao giờ có trong đời tôi. Tôi thấy tắc tị với sự đố kỵ âm ỉ”.

Đôi khi, với một số người trong một số giai đoạn cuộc đời, những tiếng nói tâm trí trở nên mãnh liệt, chúng gào thét đến quá mức chịu đựng.

Tác giả Robert Fulghum. Ảnh: Vojtaherout.

Chế ngự "con bò trong tâm trí"

Trong Có thể có, có thể không, một mẩu chuyện mà trong đó Fulghum kể lại trải nghiệm muốn tự tử của mình năm 25 tuổi. May mắn khi đó, sự đấu tranh giữa tình yêu đời với “bóng tối chết chóc cứ lảng vảng trong tâm trí hết lúc này đến lúc khác”, điều tươi sáng hơn đã chiến thắng.

“Con bò của tôi chính là tư tưởng tự hủy hoại trong lòng. Lúc nào nó cũng hiện diện trong tâm trí tôi”, Fulgum nói.

“Con bò trong tôi xuất hiện khi tôi soi lại cuộc đời mình bằng một cái kính hiển vi. Những con ve bé tí bỗng hóa con rồng vĩ đại dưới ống kính, và những nỗi sợ hãi khiến tôi trở nên yếu đuối. Hoặc nó xuất hiện vào những lúc tôi vội vã thu dọn hành trang cuộc đời, đứng giữa con đường vô định mà lòng tuyệt vọng vì những điều ngu xuẩn của đời mình”, ông thành thật.

Giờ đây, khi tuổi trẻ đã đi qua, Robert Fulghum khá hơn phần nào trong cách chế ngự “con bò tâm trí”: “Tôi đã biết rõ về con bò trong lòng mình. Tôi có thể ngửi thấy nó, cảm nhận được nó ngay cả trước khi nó chuyển động. Tôi đón chào nó, phải, chính thế! Tôi trụ vững hai chân và nhìn nó xuất hiện. Nó tấn công tôi, tôi dẫn dụ nó sang một bên an toàn, rồi ngả mũ chào tự tin”.

Nội tâm của ai cũng bí ẩn như nhau. Chúng ta âm thầm chia sẻ những suy nghĩ yếu đuối, bé mọn, kỳ quặc nhất.

Độc giả có thể nhận được gì từ Có thể có, có thể không? Những tràng cười sảng khoái, những suy tư ý vị được tác giả đặt tại những ngóc ngách khó lường nhất. Và với người viết, đó còn là cảm giác dễ chịu khi biết rằng nội tâm của ai cũng bí ẩn, “khùng điên” như nhau, rằng là con người, chúng ta âm thầm chia sẻ những suy nghĩ yếu đuối, bé mọn, kỳ quặc nhất.

“Tôi lui về một bệnh viện tâm thần, theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này - chốn ẩn náu an toàn ngay trong tâm trí mình. Và thế là chẳng có vấn đề gì nữa cả. Miễn là tôi buông rèm và đóng chặt cửa, không cho ai thâm nhập nơi ấy, mọi việc sẽ ổn thôi. Miễn là tôi tự chịu trách nhiệm lấy đời sống nội tâm bí mật đó của mình, thế giới bên ngoài kia sẽ thấy tôi là một con người sáng suốt đang có cuộc sống bình thường”, tác giả nói.

Và khi chấp nhận điều đó, ngày qua ngày, như Fulghum, ta hy vọng sẽ dần chế ngự được “con bò tâm trí” của chính mình.

Hơn 17 triệu cuốn sách của Robert Fulghum đã được in, xuất bản ở 103 quốc gia dưới 27 ngôn ngữ khác nhau. Fulghum không chỉ là nhà văn mà còn là một diễn giả được mến mộ.

Thảo Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-tam-doi-song-bi-mat-trong-moi-nguoi-post1153071.html