Nơi sự sống hồi sinh - Bình yên ở Sa Ná...

Trải qua những thiên tai kinh hoàng, những vùng đất ấy đã chịu rất nhiều mất mát, đau thương khó có thể nào quên được. Vậy nhưng, sự sống vẫn tiếp tục đâm chồi, hồi sinh vươn lên mạnh mẽ…

Cuộc sống mới đang định hình ở Sa Ná.

Cuộc sống mới đang định hình ở Sa Ná.

Những lá quốc kỳ đỏ thắm bay phấp phới bên những cành đào rừng trong nắng sớm. Những nụ cười tươi của các em bé và bà mế bên những ngôi nhà mới của đồng bào bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) đã thắp lên những hy vọng về cuộc đời mới, cuộc sống mới.

Cuộc sống mới

Chúng tôi có mặt tại bản Sa Ná khi những ngày Tết nguyên đán Canh Tý đang cận kề. Tiếng kẻng từ nhà văn hóa thúc giục bà con có đoàn khách đến thăm leng keng vang lên khiến những đứa trẻ chạy nhảy trên những con đường mới ùa về, những người mẹ, người vợ thôi dệt thổ cẩm dừng tay đón khách.

Bản Sa Ná được di dời về nơi ở mới, con đường vào bản đang được làm mới hứa hẹn những đổi thay cho vùng đất đau thương này, khi mà cơn bão số 3 gây mưa lớn đã gần như xóa sổ bản Sa Ná.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang rộng 67m2, anh Hà Văn Vân, đôi mắt u buồn, phải mất một lúc anh mới bình tâm trò chuyện. Trong trận lũ quét lịch sử ngày 3/7, anh Vân mất đi bố mẹ, vợ và hai con. Người chị gái lấy chồng ở bản bên sang thăm bố mẹ cũng bị lũ cuốn trôi. Một lúc mất đi 6 người thân, anh Vân nói trong xúc động: "Năm ngoái, đón Tết có gia đình bên cạnh, năm nay tôi chỉ thui thủi một mình, buồn lắm".

Bình yên ở Sa Ná những ngày mới

Trong căn nhà đơn sơ, cành đào rừng đã được anh chặt mang về mấy hôm trang trí Tết, nhưng sự trống vắng dường như vẫn thường trực. Nhớ lại câu chuyền buồn ngày định mệnh ấy, anh Vân nói: "Tôi đi làm ra thành phố Thanh Hóa được một ngày thì nghe tin nhà. Mọi người bảo gia đình bị lũ cuốn trôi hết rồi, không còn gì cả. Tôi còn chẳng kịp lấy quần áo, cứ thế chạy một mạch ra bến xe bắt xe về. Nhà cửa không còn, bố mẹ và vợ con cũng thế, những ngày đầu với tôi đủ mọi khó khăn".

Được mọi người trong bản động viên, các chiến sĩ đồn biên phòng và chương trình tái thiết bản Sa Ná mới, anh Vân cùng 51 hộ dân được di dời về nơi ở mới. "Phải làm lại thôi, các bác, các chú, các cô bảo em phải mạnh mẽ hơn, sống tốt hơn", anh Vân nói.

Chung nỗi đau với gia đình anh Vân, gia đình anh Ngân Văn Thiên (29 tuổi, trú tại bản Sa Ná) cũng mất người thân và nhà cửa trong cơn lũ dữ.

Ôm đứa con thứ hai mới hơn 4 tuổi vào lòng, nước mắt người đàn ông vạm vỡ, to cao này chực rơi khi chúng tôi hỏi về ký ức mới cách đây nửa năm.

"Hôm ấy tôi và vợ đang làm ngoài Hải Phòng. Nghe tin trời mưa to, tối hôm 2/7, tôi còn gọi điện thoại hình ảnh cho con trai lớn, dặn cháu ngoan ngoãn, học bài rồi đi ngủ sớm. Vậy mà sáng hôm sau, lũ lên nhanh, mưa to đã cuốn trôi căn nhà cùng bố mẹ tôi", anh Thiên kể lại trong xúc động.

Nhắc về người thân của mình, đôi mắt của chàng thanh niên nhìn ra khung cửa sổ, im lặng hồi lâu. "Bố em vẫn mất tích chưa tìm thấy...Nhưng may mắn hôm đó, con trai lớn của em bị lũ cuốn trôi hơn 3km đã được mọi người kịp thời cứu sống".

Xây dựng cuộc đời mới

Đón nhận cây nhãn giống từ tay Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường, anh Vân rưng rưng xúc động, anh bảo sẽ chăm sóc cây nhãn thật tốt, cùng bà con có trái ngọt. Gia đình anh Vân cùng bà con ở bản Sa Ná mới đón nhận nhiều giống cây trồng từ Viện nghiên cứu cây ăn quả (thuộc Bộ NN&PTNN) với niềm tin và hy vọng sẽ đổi thay ở vùng đất mới.

Ông Lương Văn Chon (SN 1967, người dân bản Sa Ná) vẫn được mọi người gọi vui là "người đàn ông trên cây" bởi ông đã may mắn sống sót khi bị lũ cuốn trôi hơn 3km và kịp bám vào một cây luồng giữa suối chờ cứu hộ đến.

"Tôi vì muốn cứu vợ nhưng do nước lên nhanh quá, lại bị cột nhà đổ vào đầu nên bị cuốn trôi đi khá xa. May mà bám được vào cây giữa suối và ở đó suốt 8 tiếng đồng hồ. Tôi đã may mắn hơn nhiều bà con khác khi vẫn còn có thể đoàn tụ với gia đình", ông Chon tâm sự.

Hơn 6 sào ruộng đã bị cát và đất đá vùi lấp, ông Chon bảo cuộc sống tới đây sẽ có nhiều khó khăn nhưng ông không nản chí. Ông Chon động viên mọi người trong gia đình, di dời về nơi ở mới. "Các chiến sĩ biên phòng và các anh chị ở huyện hỏi tôi làm nhà xây hay nhà sàn như cũ. Tôi bảo làm nhà xây thì chắc chắn hơn. Giờ có nhà mới rồi, yên tâm rồi, không lo mưa to gió lớn, không sợ lũ quét nữa rồi", ông Chon cười nói.

Gia đình anh Vân nhận được sự thăm hỏi động viên của mọi người

Gia đình anh Vân, anh Thiên, ông Chon cùng với 48 hộ dân khác của bản Sa Ná đã được định cư ở vùng đất mới, cao ráo và an toàn hơn. Trong khi đó, 27 hộ dân còn lại của bản Sa Ná cũ vẫn ở lại mé bên kia của sườn núi vì không bị ảnh hưởng bởi lũ dữ. Anh Lữ Văn Hà (Bí thư chi bộ bản Sa Ná) nói: "Những ngày đầu bản bị lũ dữ cuốn trôi, đau thương và khó khăn rất nhiều. Từ nước uống đến thức ăn, chỗ ở của bà con. Ngày 30/11/2019, khu tái định cư mới được khánh thành, bà con rất phấn khởi vì đã có chỗ ở mới. Mọi người trong bản được chọn xây nhà kiên cố hoặc nhà sàn cho phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào. Nhìn chung, chỗ ở mới cao ráo, hầu hết các gia đình vẫn còn đất canh tác nên chúng tôi động viên nhau xây dựng cuộc đời mới sẽ tốt đẹp hơn".

Những đau thương đã lùi lại cho những niềm vui mới, hy vọng mới ở bản Sa Ná. Các gia đình đã có cho mình những cánh đào rừng khoe sắc thắm trong nhà, gia đình anh Vân rộn rã hẳn lên khi mọi người đến thăm hỏi giúp đỡ anh sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa. Ông Chon giục cháu ngoại chuẩn bị đồ xôi, chuẩn bị gói bánh cho năm mới khi Xuân đã về bên ngoài hiên khu tái định cư Sa Ná...

Sẽ nhân rộng mô hình tái thiết bản Sa Ná

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, vào đêm và rạng sáng ngày 3/7/2019, mưa to đến rất to đã gây ra lũ quét khiến bản Sa Ná, xã Na Mèo bị thiệt hại rất nặng nề. 30 căn nhà bị cuốn trôi, 14 căn nhà bị sập hoàn toàn. Lũ quét đã khiến 7 người chết, 5 người bị thương, 6 người bị mất tích.

Bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương, khu tái định cư cho đồng bào Na Sá đã được hoàn thành vào ngày 29/11/2019 với 51 căn nhà, hệ thống điện nước đầy đủ. Khu tái định cư được bố trí ở nơi cao ráo, đảm bảo an toàn cho đồng bào.

Mô hình tái thiết tại Sa Ná đang được Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai nghiên cứu nhân rộng ra toàn quốc để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ngọc Trìu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/noi-su-song-hoi-sinh-binh-yen-o-sa-na-503692.html