Nỗi sợ 'nhỡ tàu' Bitcoin lan rộng

Đồng tiền điện tử Bitcoin đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 50.000 USD/bitcoin, gấp đôi so với giá trị đạt được ngày 25/12/2020, tạo nên lực hấp dẫn khổng lồ đối với các thành viên thị trường. Ngay cả các ngân hàng đầu tư lớn cũng sở hữu tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội này.

Nhà băng cũng “ham” Bitcoin

Bất chấp việc Bitcoin không phải đồng tiền thanh toán rộng rãi, tốc độ giao dịch chậm, biến động giá chóng mặt, tính bất ổn rất cao…, đồng tiền điện tử này vẫn có sức hút rất lớn đối với nhiều nhà đầu tư. Các nhà đầu tư giàu có, tỷ phú… trên thế giới chính là những thành viên mới nhất bước lên chuyến tàu Bitcoin, “nhấn chìm” bất kỳ ý kiến quan ngại nào về đà tăng giá hiện nay.

Mới đây, tỷ phú Elon Musk, CEO Tesla cho biết đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin. Tiếp theo đó, các nhà quản lý quỹ đầu tư giàu có như Paul Tudor Jones và Stanley Druckenmiller cũng “lên tàu”.

Không có gì ngạc nhiên khi các ngân hàng đầu tư phố Wall cũng trở nên thèm khát trước sức nóng của Bitcoin. Theo đó, MasterCard Inc, Bank of New York Mellon Corp cho biết đã có kế hoạch dành cho tiền điện tử, trong khi đồng Chủ tịch JPMorgan Daniel Pinto nói rằng, nhà bằng này “đã có liên quan” tới thị trường tiền điện tử.

Một số nhà đầu tư mua vào Bitcoin ngay cả khi lên tiếng thể hiện “sự khó chịu” với đồng tiền này. Đây chính là biểu hiện rõ ràng nhất của hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) khi một loại tài sản tăng giá.

Hơn 8.000 tài khoản Bitcoin có trị giá hơn 10 triệu USD

Nỗi lo hiện hữu

Thật khó để kháng cự trước nỗi sợ sẽ nhỡ chuyến tàu Bitcoin, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể học tập Elon Musk. Một trong những nguyên tắc mà các công ty cần ghi nhớ đó là nghĩa vụ tài chính đối với các cổ đông. Việc thêm Bitcoin vào bảng cân đối kế toán của mình như Tesla đang làm là hành động đầy rủi do, nhất là khi đồng tiền này có thể rớt giá về 0.

Đây là lý do mà giao dịch của các doanh nghiệp trên thị trường tiền điện tử chỉ chiếm chưa tới 1% tổng số giao dịch trong giai đoạn giữa năm 2019 tới giữa năm 2020.

Đa phần các công ty sản xuất – kinh doanh hàng hóa không cần thiết phải “dự trữ” đồng tiền điện tử. Đối với các nhà băng, hành động như một nhà môi giới tiền điện tử đối với các khách hàng có thể phù hợp với công việc của mình, nhưng một khi liên quan tới loại tài sản này, có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra.

Jean Dermine, giáo sư ngành ngân hàng tại Insead chia sẻ, một khi “chạm tay” vào Bitcoin, các nhà băng sẽ đối diện một số nguy cơ.

Thứ nhất, rủi ro hoạt động bao gồm xác định danh tính khách hàng, tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo.

Thứ hai, rủi ro pháp luật, nhất là khi nhà quản lý chưa có quy định chính thức đối với đồng tiền điện tử và cũng chưa có sự thống nhất giữa các ngân hàng trung ương.

Thứ ba, rủi ro quản lý khi nhà quản lý siết chặt thị trường tiền điện tử, khiến nhà băng đối diện các vụ kiện.

Cuối cùng, cần cân nhắc tới yếu tố bảo vệ khách hàng.

Rủi ro càng lớn, thì chi phí quản lý của các nhà băng cũng gia tăng tương ứng. Chẳng hạn, Thụy Sỹ đưa ra bảng hướng dẫn đối với các nhà băng có nội dung dự phòng rủi ro cho Bitcoin là 800%. Điều này lý giải vì sao giới ngân hàng cho tới nay vẫn tỏ ra thận trọng đối với loại tài sản này.

Lam Phong / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/noi-so-nho-tau-bitcoin-lan-rong-post262301.html