Nỗi sợ hãi của các nhân viên y tế gốc Á tại Mỹ trong đại dịch COVID-19

Đối với những nhân viên chăm sóc y tế gốc Á và Thái Bình Dương tại Mỹ, họ phải đấu tranh trên nhiều mặt trận cùng một lúc, không chỉ là đại dịch COVID-19 mà còn là nạn phân biệt chủng tộc.

Thực tập sinh ngành y Natty Jumreornvong hứng chịu một vài trải nghiệm phân biệt chủng tộc trong thời kỳ COVID-19. Ảnh: AP

Thực tập sinh ngành y Natty Jumreornvong hứng chịu một vài trải nghiệm phân biệt chủng tộc trong thời kỳ COVID-19. Ảnh: AP

Cô thực tập sinh ngành y gốc Thái Lan Natty Jumreornvong đã được tiêm vaccine và phát một bộ đồ bảo hộ để có thể bảo vệ bản thân trước virus SARS-CoV-2, song cô không thể tránh khỏi việc đối mặt với làn sóng thù hận người gốc Á của một bộ người dân tại Mỹ, đặc biệt là khi đại dịch bùng phát.

Các bệnh nhân tâm thần đã dùng những lời lẽ thô tục để nói về cô và đại dịch. Một người đi đường đã đã nhổ nước bọt vào nữ sinh viên và la hét “Hãy về Trung Quốc đi” khi Natty đang trên đường tan làm sau ca thực tập tại bệnh viện thành phố New York. Đỉnh điểm là ngày 15/2, một người đàn ông lạ mặt đã tiến tới gần cô, nói cô là “virus Trung Quốc” và kéo lê cô trên vỉa hè, cướp điện thoại. Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra.

Đối với những nhân viên chăm sóc y tế gốc Á và Thái Bình Dương, “dường như chúng tôi phải đấu tranh trên nhiều mặt trận cùng một lúc, không chỉ là đại dịch COVID-19 mà còn là nạn phân biệt chủng tộc”, cô sinh viên đang theo học tại Đại học Y Icahn ở Mount Sinai cho hay.

Người Mỹ gốc Á và các đảo ở Thái Bình Dương đã phải đối mặt với làn sóng quấy rối và tấn công ở nhiều nơi trong thời kỳ đại dịch. Nhưng những người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả.

“Từ chỗ dược coi như một người hùng y tế, cộng đồng chúng tôi lại đang trở thành một vật tế thần” , bác sĩ Michelle Lee chuyên khoa X-quang tại New York bày tỏ. Hồi tháng 3, cô đã kêu gọi 100 nhân viên y tế mặc áo bác sĩ màu trắng, tố cáo tội ác hận thù nhằm vào người châu Á.

"Chúng tôi không mang virus SARS-CoV-2 đến. Thay vào đó, chúng tôi đang thực sự cố gắng giúp các bạn loại trừ con virus này”, Lee kể về trải nghiệm hai lần bị người đi đường nhổ nước bọt vào người trong năm ngoái.

Mặc dù người gốc Á và các đảo Thái Bình Dương chỉ chiếm từ 6 đến 8% dân số tại Mỹ song lại đóng góp một phần rất lớn trong đội ngũ nhân viên y tế tại đây, bao gồm 20% dược sĩ, y sĩ và 15% bác sĩ phẫu thuật và nhà vật lý trị liệu.

Trước thời kỳ đại dịch, các nghiên cứu cho thấy có tới 31% đến 50% bác sĩ gốc Á hứng chịu sự phân biệt đối xử trong công việc, từ bệnh nhân từ chối sự chăm sóc của họ đến khó khăn trong việc tìm người cố vấn. Tỷ lệ đó thấp hơn các bác sĩ da màu, nhưng cao hơn các bác sĩ da trắng và gốc Tây Ban Nha. Trong một nghiên cứu năm 2020 về cư dân y tế, tất cả những người có nguồn gốc châu Á cho biết bệnh nhân đã hỏi về gốc gác của họ.

Sinh viên ngành y Ida Chen và Michelle Lee lập nhóm phản đối các tội ác thù hận nhằm vào người châu Á tại Mỹ. Ảnh: AP

Suốt nhiều thế hệ, người Mỹ gốc Á đã phải đối mặt với việc bị coi là “người nước ngoài vĩnh viễn” ở một quốc gia có lịch sử coi họ như những mối đe dọa. Các quan chức đã đổ lỗi cho khu phố người Hoa tại San Francisco về việc bùng phát dịch đậu mùa vào những năm 1870, cấm nhiều người nhập cư Trung Quốc theo đạo luật năm 1882 và buộc người Mỹ gốc Nhật vào các trại tập trung ngay cả khi hàng chục nghìn người thân của họ phục vụ cho quân đội Mỹ trong Thế chiến II.

Theo báo cáo của cảnh sát về tội ác thù hận nhằm vào người châu Á ở 26 thành phố lớn tại Mỹ, tỷ lệ các vụ đã tăng vọt 146% trong năm ngoái. Nhóm vận động Stop AAPI Hate đã công bố gần 3.800 báo cáo về hành vi tấn công, quấy rối và phân biệt đối xử đối với nhóm người châu Á từ giữa tháng 3/2020 đến cuối tháng 2 năm nay.

“Các vụ bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều dường như làm cho nạn phân biệt chủng tốc đáng sợ hơn rất nhiều so với COVID-19. Đó là một nỗi sợ hãi thường trực. Bạn không bao giờ biết khi nào mình trở thành mục tiêu tấn công”, bác sĩ Amy Zhang thuộc khoa gây mê tại bệnh viện Đại học Washington cho hay.

Ida Chen – một sinh viên trợ lý bác sĩ ở New York - luôn mang theo bình xịt hơi cay, cài vị trí điện thoại di động để tất cả bạn bè biết và không đi đâu xa một mình. Gần đây, cô thường xuyên phải giấu phần chân tóc màu nâu sẫm dưới lớp mũ và chỉ để lộ ra phần đuôi nhuộm vàng.

“Tôi chọn học y với mong muốn giúp đỡ mọi người. Nhưng thật đau lòng khi có ai đó không đáp lại sự đồng cảm và ý định tốt đó”, Chen chia sẻ.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/noi-so-hai-cua-cac-nhan-vien-y-te-goc-a-tai-my-trong-dai-dich-covid19-20210510074639422.htm