Nỗi sợ chiến tranh thương mại phủ bóng kinh tế toàn cầu

Những đòn trừng phạt và trả đũa qua lại của các cường quốc đang gây ra hàng loạt tác động tiêu cực đến thị trường thế giới.

Chỉ vài tháng trước, cỗ máy kinh tế toàn cầu vẫn chạy tốt, tất cả các quốc gia lớn đều tăng trưởng. Ngày 19/6, vận mệnh của thế giới bấp bênh vì một cuộc chiến thương mại đang dần hình thành.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế lên cả đồng minh và đối thủ, các nước cũng nhanh chóng trả đũa. Thương mại toàn cầu bị gián đoạn, phát đi những dấu hiệu có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.

Mỹ 'gây chiến' với cả thế giới

Ngày 15/6, khi ông Trump công bố mức thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, cường quốc châu Á cũng tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả “ngay lập tức”. Tối 18/6, ông tiếp tục chỉ đạo chính quyền lên danh sách 200 tỷ USD hàng hóa của đối thủ để đánh thuế 10% và dọa sẽ đánh thuế thêm 200 tỷ USD nữa nếu Bắc Kinh trả đũa. Không chùn bước, Bộ Thương mại Trung Quốc thề đáp trả nếu Mỹ công bố danh sách đánh thuế bổ sung.

Đây là những diễn biến mới nhất trong căng thẳng thương mại toàn cầu do Mỹ châm ngòi. Trước đó, ông Trump cũng áp thuế nhập khẩu thép và nhôm lên tới 25% với 3 đối tác thương mại lớn nhất - Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico - và dọa hủy bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Ông Trump (ngồi) đối diện với các lãnh đạo G7 tại Quebec, Canada ngày 9/6. (Nguồn: Reuters)

Các bên ngay lập tức công bố kế hoạch trả đũa. Canada cho biết sẽ có biện pháp thương mại nhắm vào 12,8 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. EU định áp thuế 25% đối với các sản phẩm như xe máy, thuốc lá, và bơ đậu phộng.

Chính quyền Trump coi đây như cách để buộc các công ty đa quốc gia đưa sản xuất trở lại Mỹ.

“Mỹ sẽ không để Trung Quốc và các nước khác tiếp tục lợi dụng. Chúng tôi sẽ sử dụng mọi công cụ có sẵn để tạo ra một hệ thống thương mại tốt hơn và công bằng hơn cho người Mỹ”, ông Trump nói.

Nhà lãnh đạo khẳng định ông "dễ dàng thắng" trong chiến tranh thương mại và cam kết sẽ cân bằng lại thâm hụt thương mại của Mỹ với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Đức. Tuyên bố này đúng hay sai còn phải đợi thời gian trả lời còn kinh tế toàn cầu có vẻ đã cảm nhận được sức nóng của những đòn tấn công qua lại của các nước.

Ảnh hưởng lan rộng

Xung đột thương mại đang tác động đến mọi thành phần của nền kinh tế. Dễ thấy nhất là hàng hóa - mục tiêu trực tiếp của thuế quan.

Các lô hàng đều bị kẹt lại tại cảng biển và nhà ga hàng không trên khắp thế giới. Sau 2 năm mở rộng, lưu lượng vận tải hàng không chững lại trong 3 tháng đầu năm, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, với thay đổi đặc biệt rõ rệt ở châu Âu và châu Á. Trong khi đó, các tàu chở hàng không thấy tăng trưởng kể từ mùa thu năm ngoái.

Giá nguyên vật liệu thiết yếu đồng loạt tăng - tin buồn không chỉ cho các nước xuất khẩu mà cả người tiêu dùng và các công ty Mỹ. Công nhân một nhà máy thép Canada vất vả gọi tàu chở hàng sang Mỹ quay về sau khi ông Trump đánh thuế. Nhà máy từ Đức đến Mexico đều mất nhiều đơn hàng và bị hoãn đầu tư.

“Tác động được cảm nhận ngay lập tức”, Chủ tịch Jon Hobbs của AltaSteel cho biết. Tại Mỹ, hãng sản xuất đồ gia dụng Electrolux phải hoãn kế hoạch nâng cấp một nhà máy sản xuất bếp ở Tennessee vì lo ngại bất ổn thuế quan.

Nông dân Mỹ thiệt hại. Giá đậu tương giảm hơn 7% trong phiên sáng 19/6. Giá đang ở mức thấp nhất trong hơn 2 năm, khiến nông dân Mỹ thiệt hại nặng, ngược lại lời hứa của ông Trump.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ lửa. Dow Jones giảm 324 điểm ngay đầu phiên ngày 19/6 khi cổ phiếu Boeing và Caterpillar, những nhà xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Trung Quốc, giảm mạnh. Hợp đồng tương lai đậu tương cũng lao dốc.

Ở bên kia bán cầu, thị trường chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà giảm. Shanghai Composite giảm 3,82%, Shenzhen Composite giảm 5,77%, Hang Seng tại Hong Kong giảm 3,08%. Những căng thẳng leo thang với Washington khiến 1.023 cổ phiếu trên sàn Thượng Hải giảm kịch sàn 10%.

Chứng khoán Thượng Hải xuống dưới ngưỡng cần hỗ trợ. (Nguồn: Bloomberg)

Viễn cảnh ảm đạm

Việc ông Trump khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran đẩy giá dầu, tăng áp lực cho các nhà nhập khẩu toàn thế giới. Nền kinh tế châu Âu đang suy yếu và Đức - nền kinh tế lớn nhất châu lục - đặc biệt dễ bị tổn thương. Các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu đang nâng chi phí vay, rút bớt tiền giá rẻ từng gửi vào hệ thống tài chính toàn cầu sau cuộc khủng hoảng 2008.

"Tổng thống tuyên bố ông dễ dàng giành chiến thắng trong chiến tranh thương mại, nhưng những gì chúng tôi biết đang trở thành hiện thực. Chiến tranh thương mại rất tốn kém, không cần thiết và làm hại cho nền kinh tế Mỹ", Matt Priest - Chủ tịch Hiệp hội Phân phối Giày dép và Bán lẻ Mỹ, khẳng định.

Trang Hồ/ Theo New York Times, AFP, Bloomberg

Nguồn NDH: http://ndh.vn/noi-so-chien-tranh-thuong-mai-phu-bong-kinh-te-toan-cau-20180619083653495p145c151.news