Nới room tín dụng, đến hẹn lại bàn

Chặng đường 6 tháng đầu năm đã đi qua, và theo con số báo cáo vừa được các ngân hàng công bố cho thấy, không ít ngân hàng đã sử dụng phần lớn room tín dụng được cấp cho cả năm và kỳ vọng sẽ được nới thêm để có thêm dư địa cho vay.

Có nhiều vấn đề được đặt ra cho câu hỏi liệu NHNN có dễ dàng nới room cho một số ngân hàng hay không.

Tăng trưởng tín dụng vẫn giữ được sức bền

Thống kê mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, tăng trưởng huy động vốn và cho vay của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) trong nửa đầu năm có sự lệch pha. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6.2018, vốn huy động tăng trưởng khoảng 8% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,8%), còn vốn tín dụng tăng khoảng 6,5% (cùng kỳ tăng 8,7%). Dư nợ cho vay vào các lĩnh vực thương mại, công nghiệp chế biến - chế tạo, nông - lâm nghiệp giữ tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng ổn định, dư nợ tín dụng phục vụ đời sống tăng khá so với cuối năm 2017.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, cơ cấu tín dụng 6 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên như tín dụng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,7%, chiếm tỷ trọng 6,3% tổng tín dụng nền kinh tế; nông nghiệp - nông thôn tăng 7,2%, chiếm tỷ trọng 21%; doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng hơn 3%, chiếm tỷ trọng gần 21%. Trong khi đó, tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tăng thấp, chẳng hạn, tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ tăng 3,7%.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 được NHNN đưa ra từ đầu năm là 17%. Theo các chuyên gia tài chính cũng như lãnh đạo ngân hàng, mục tiêu này có thể đạt được, nhưng chủ yếu mang tính định hướng, chứ không phải con số tuyệt đối. Và chính vì vậy, kết quả này có lẽ sẽ làm hài lòng các cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là NHNN. Bởi mục tiêu của cơ quan này là kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 ở mức 17%, thấp hơn so với con số 18,2% của cả năm 2017. Để có thể đạt được mục tiêu này trong năm 2018, cũng như mọi năm, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng. Tuy nhiên, đáng chú ý là mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà NHNN giao cho các ngân hàng chỉ là 14%, thấp hơn khá nhiều so với con số của cùng kỳ các năm trước và thấp hơn nhiều so với mục tiêu chung của toàn ngành là 17%.

Tăng room dễ hay khó

Số liệu đến hết tháng 6.2018 cho thấy, nhóm các ngân hàng tốp đầu đã và đang dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm. Thậm chí, cao nhất có ngân hàng đã đạt được mức tăng trưởng ở mức 16%, trong khi hàng loạt ngân hàng khác có mức tăng trung bình từ 9-12%. Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, chỉ tiêu tín dụng được NHNN giao trong năm nay hiện đã gần hết và đang trình xin nới chỉ tiêu tín dụng. Thực tế, sẽ không quá bất ngờ khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các nhà băng đến thời điểm này đã gần cạn, bởi các nhà băng đã tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đều qua các tháng ngay từ đầu năm mà không còn tập trung vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề được đặt ra cho câu hỏi liệu NHNN có dễ dàng nới room cho một số ngân hàng hay không?

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo NHNN cho hay mục tiêu điều hành của NHNN với tín dụng năm nay là tăng tối đa 17% và sẽ vẫn hài hòa với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, cũng như sức hấp thụ của nền kinh tế… Việc được chấp thuận nới room tín dụng là không dễ dàng, bởi không phải ngân hàng nào xin điều chỉnh cũng được chấp thuận. Việc xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ dựa trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, quy mô tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ.

Theo nhận định của khá nhiều chuyên gia kinh tế thì NHNN sẽ khắt khe hơn nhiều trong việc cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng trong năm 2018 bởi vì sức ép tăng trưởng tín dụng năm nay đã giảm so với năm trước, nên các ngân hàng sẽ khó kỳ vọng vào việc nới room. Ngoài ra, quan điểm hiện nay của cơ quan quản lý là việc nới room tín dụng cần được xem xét cẩn thận, bởi mở rộng tín dụng đi cùng nhiều rủi ro nếu tình trạng phân bổ tín dụng không rõ ràng, kiểm soát dòng vốn không tốt theo thời gian có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, tăng trưởng tín dụng đã đạt được mục tiêu giảm tốc khi tính đến cuối tháng 6.2018, tín dụng toàn ngành mới tăng 6,5% so với cuối năm 2017. Nhóm nghiên cứu cho biết, để đánh giá mức độ phù hợp của tín dụng với nền kinh tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sử dụng chỉ số độ lệch của tín dụng/GDP. Chỉ số này đã giảm mạnh trong giai đoạn quý II/2016 - quý II/2018 nhờ kiểm soát hiệu quả tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Mặt khác, nếu nhìn tỷ lệ tín dụng/GDP, Việt Nam có sự tương đồng với Thái Lan và Malaysia. Nhóm nghiên cứu cho rằng, trong năm 2018, nếu GDP danh nghĩa tăng trưởng 11% (tương đương GDP thực tăng trưởng 7%), tín dụng tăng từ 15-17%, thì độ lệch của tín dụng/GDP Việt Nam ở mức 4-6%. Đây là mức hợp lý đối với các quốc gia đang phát triển và còn dựa nhiều vào vốn tín dụng như Việt Nam.

Vy An - Gia Miêu

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/noi-room-tin-dung-den-hen-lai-ban-624055.ldo