Nới 'room' nước ngoài 100%, DHG vẫn muốn giữ mảng phân phối

Đây là thông tin Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) tiết lộ trong cuộc gặp gỡ định kỳ với giới phân tích ngày 25.7.2017.

Biến động lợi nhuận sau thuế Dược Hậu Giang - đơn vị: Tỷ đồng (Ảnh: Báo cáo thường niên 2016)

Theo cam kết hội nhập WTO, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được phân phối dược phẩm tại Việt Nam. Trao đổi với Forbes Việt Nam, đại diện Dược Hậu Giang cho biết nếu việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (nới “room”) sắp tới được thông qua, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu cổ phần chi phối DHG, công ty sẽ chỉ được phép phân phối các sản phẩm do chính mình sản xuất. Trong trường hợp đối tác nước ngoài, chủ sở hữu của Dược Hậu Giang muốn phân phối sản phẩm của họ thông qua hệ thống phân phối của Dược Hậu Giang, sản phẩm đó phải là sản phẩm hợp tác sản xuất với Dược Hậu Giang, tại Việt Nam.

Kể cả khi nới “room” công ty mong muốn duy trì hoạt động phân phối – đại diện Dược Hậu Giang khẳng định tại buổi gặp mặt. Công ty đang họp bàn tìm các giải pháp kỹ thuật để vừa đáp ứng các quy định WTO vừa có thể tiếp tục duy trì mảng phân phối.

Lý giải, DHG cho biết đích ngắm thực sự của công ty không phải là doanh thu và lợi nhuận mà qua thông hoạt động phân phối muốn học hỏi kinh nghiệm và nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác nước ngoài. Khác với dược phẩm, mảng phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng không bị ràng buộc bởi các cam kết hội nhập.

DHG đang chuẩn bị tổ chức đại hội cổ đông bất thường xin ý kiến cổ đông nâng “room” sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 49% hiện nay lên mức tối đa 100%. Đông thái này rất được chú ý trong bối cảnh có nhiều tin đồn Taisho Pharmaceutical, tập đoàn sản dược phẩm lớn của Nhật Bản sở hữu 24,4% cổ phần của DHG muốn gia tăng sở hữu qua hoạt động chào mua công khai để chi phối công ty Việt Nam.

Trước Dược Hậu Giang một công ty khác trong ngành là Domesco cũng đã nới “room” lên 100% và điều chỉnh ngành nghề kinh doanh theo hướng bán buôn thuốc và các sản phẩm do công ty sản xuất, chấm dứt dịch vụ phân phối dược phẩm cho bên thứ ba. Trong khi đó để có thể duy trì hoạt động phân phối một công ty khác là Mekophar đã hủy niêm yết nhằm hạn chế việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần nhằm duy trì mảng phân phối dược phẩm.

Việc nới “room” của Dược Hậu Giang nếu được thông qua, cơ hội sở hữu doanh nghiệp nội địa hàng đầu về dược phẩm đang mở ra với các tổ chức nước ngoài. Với SCIC, đại diện Nhà nước đang nắm giữ trên 43% cổ phần Dược Hậu Giang, đây cũng là cơ hội để việc thoái vốn trong tương lai sẽ trở nên công bằng hơn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên 2017, Ông Hoàng Nguyên Học – Chủ tịch HĐQT Dược Hậu Giang, đồng thời là đại diện vốn của SCIC tại công ty cho biết trong 2-3 năm tới tới SCIC vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với Dược Hậu Giang.

6 tháng đầu năm 2017 DHG đạt doanh thu lũy kế 1.808 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 359 tỉ đồng. Thu nhập bình quân trên mỗi cổ phần (EPS) 6 tháng đạt 2.470 đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu và lợi nhuận của DHG tăng trưởng 7% và 17,3% trong bối cảnh ngành dược tăng trưởng chậm. So với kế hoạch kinh doanh cả năm 2017 doanh thu của DHG mới hoàn thành 41%.

Với bề dày 43 năm, DHG là công ty dược đầu ngành được biết đến với nhiều sản phẩm như Hapacol, Klamentin, Haginat... Năm 2016, DHG đạt  3.783 tỉ đồng doanh thu, là công ty dược phẩm nội địa lớn nhất xét theo tiêu chí này. Thương hiệu Dược Hậu Giang đã có vừa được Forbes Việt Nam định giá 60,1 triệu đô la Mỹ vào tháng 7.2017. DHG đã 5 lần nằm trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam (2013- 2017)

Nguồn Forbes: http://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/noi-room-nuoc-ngoai-100-dhg-van-muon-giu-mang-phan-phoi-967.html