Nội quy HS trường Lương Thế Vinh: Chuyện đáng mừng chứ sao lại đáng trách?

Quy định mà nhà trường THPT Lương Thế Vinh ban hành đã góp phần giúp các thầy cô gián tiếp bảo vệ học sinh của mình.

Tôi vẫn nhớ câu nói của nhà giáo Văn Như Cương: “Các em học sinh muốn sau này trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà khoa học thành công, những doanh nhân tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, những chính khách uyên bác,…

Nhưng trước hết phải là những “người tử tế”, biết yêu thương và căm giận vì nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý”. Bằng quan điểm sâu sắc, nhất quán của người cha đẻ ấy, ngôi trường THPT Lương Thế Vinh đã áp dụng những nội quy mang tính kỷ luật cao nhằm đưa các em học sinh vào khuôn khổ.

Bản nội quy cấm học sinh không dùng facebook để nói xấu bất cứ ai cũng đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận 24h qua.

Gần đây nhất, nhà trường vừa ban hành lại nội quy học sinh cho năm học mới với nhiều quy định cụ thể, rõ ràng. Trong đó nổi bật nhất là yêu cầu bắt buộc học sinh chấp hành khi sử dụng facebook như: “Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó”, “ tuyệt đối không dùng facebook để nói xấu bất cứ ai”. Nghe có vẻ lạ kỳ nhưng đó là thực sự điều cần thiết trong việc định hướng các em tham gia mạng xã hội văn hóa hơn.

Quy định đó vốn không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải bỗng nhiên các thầy cô nghĩ ra để làm khổ học trò, làm khổ chính mình. Tất cả được bắt nguồn từ thực trạng sử dụng facebook của thế hệ trẻ. Chúng ta không khỏi ái ngại với những cách xưng hô, những từ ngữ thô tục thiếu văn hóa được các em nhỏ trao đổi trên facebook.

Rồi có biết bao vụ việc tiêu cực đau lòng xảy ra chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên mạng xã hội. Đôi khi là một dòng trạng thái vu vơ ám chỉ người này người nọ, một vài bình luận nói ra nói vào, thậm chí chỉ là một nút bấm “like” cũng đủ để các bạn ở cái tuổi bồng bột nổi hứng gây gổ, đánh nhau.

Vậy thì rõ ràng, quy định mà nhà trường ban hành đã góp phần tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra. Đó là cách thầy cô gián tiếp bảo vệ học sinh của mình. Như thế thì có gì mà chúng ta phải tranh cãi, lên án nhà trường? Có hay chăng, nếu là những người có trách nhiệm, chúng ta cần góp ý giúp nhà trường tìm được biện pháp cụ thể hóa quy định, tuyên truyền để các em thực hiện một cách tự giác. Dần dần, những nguyên tắc trong giao tiếp, ứng xử đó sẽ trở thành một thói quen, một lối sống văn minh của chính các em chứ không phải là sự áp đặt, quản lý của nhà trường.

cha mẹ nên tin tưởng và ủng hộ cùng các thầy cô hoàn thiện nhân cách cho con (Ảnh: Internet).

Còn những phụ huynh coi đó là những “luật lệ hà khắc” cướp đi của con em mình quyền dân chủ, tự do trên mạng xã hội thì hoàn toàn có thể chuyển con đến học ở một ngôi trường khác phù hợp hơn. Nội quy học sinh được nhà trường ban hành thì tất nhiên sẽ chỉ áp dụng cho học sinh theo học tại trường đó chứ không dành cho tất cả mọi học sinh.

Vì thế, nếu đã tin tưởng lựa chọn môi trường học tập mang tính kỷ luật cao cho các con thì cha mẹ nên tin tưởng và ủng hộ cùng các thầy cô hoàn thiện nhân cách cho con ở mọi lúc mọi nơi. Bởi tôi được biết, có rất nhiều ông bố, bà mẹ cũng hạn chế con cái mình tham gia mạng xã hội. Thậm chí, cấm con sử dụng facebook do sợ con bị tiêm nhiễm những điều không hay ảnh hưởng đến việc học cũng như nhân cách của con.

Thế nên, chuyện nhà trường đồng hành cùng gia đình quản lý những vi ứng xử của con trên mạng xã hội là chuyện đáng mừng chứ sao lại đáng trách?

Đăng Khuê

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/noi-quy-hs-truong-luong-the-vinh-chuyen-dang-mung-chu-sao-lai-dang-trach--a340694.html