Nơi phát minh ra đồng đô la

500 năm sau khi tạo ra đồng đô la đầu tiên, một thị trấn mỏ nhỏ bé đang dần nắm bắt nhiều cách thức mà nó định hình nên thế giới hiện đại. Đô la Mỹ là loại tiền được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, 62% dự trữ tài chính của hành tinh này được giữ bằng đô la Mỹ, nhiều hơn gấp đôi tổng số nắm giữ ngoại tệ của đồng Euro, Yên và Nhân dân tệ cộng lại. 31 nước chấp nhận nó là tiền tệ chính thức hoặc gọi đồng tiền nước mình là đô la; hơn 66 nước định giá trị đồng tiền của mình theo đô la.

Tuy nhiên, một nơi mà đồng đô la không được chấp, đó là thị trấn nhỏ bé Jáchymov của Cộng hòa Séc. Nhưng ở chính nơi đây, nằm sâu trong các nếp gấp của rừng núi Krušné của Bohemia, đồng đô la được sinh ra từ 500 năm trước, vào tháng 1-1520. Nơi này vừa được công nhận là di sản thế giới mới nhất của UNESCO.

Trong khi đồng thaler đầu tiên có hình ảnh của Joachim và sư tử Bohemia, thì các phiên bản tiếp theo có hình ảnh các vua chúa cầm quyền.

Trong khi đồng thaler đầu tiên có hình ảnh của Joachim và sư tử Bohemia, thì các phiên bản tiếp theo có hình ảnh các vua chúa cầm quyền.

1.Khi tôi rút ở ví một tờ 1 đô la ra trong Bảo tàng Nhà đúc tiền Hoàng gia thế kỷ 16 của thị trấn Jáchymov, chính tại nơi xuất xứ đầu tiên của đồng đô la, thì Jan Francovi mỉm cười và ngăn tôi lại.

"Đã lâu lắm tôi không nhìn thấy 1 tờ của loại tiền này. Ở Jáchymov, chúng tôi chỉ nhận đồng koruna, euro hoặc đôi khi là rúp Nga. Ông là người Mỹ đầu tiên tới đây sau hơn 3 năm", ông nói.

Thực tế, bạn có thể dành cả một ngày đi lên đi xuống con phố chính của Jáchymov, đi qua các tòa nhà bỏ hoang kiểu Gô-tích và Phục hưng được xây dọc đường dốc đồi, đi quanh cụm nhà tắm nước nóng ban ngày sang trọng ở dưới thung lũng và đi lên lâu đài thế kỷ XVI của nó, mà không bao giờ nhận ra đây là nơi sinh của đồng đô la.

"Làm thế nào mà biết được? Không thấy có biển hiệu quảng cáo - thậm chí phần lớn người dân ở đây không biết. Không thị trấn mỏ nào trên thế giới có ảnh hưởng lớn như Jáchymov, nhưng chúng tôi đã quên lịch sử của mình", Michal Urban, Giám đốc của cơ quan phát triển phi lợi nhuận Mountain Region Krušné hory - Erzgebirge, và là một trong những tác giả của việc đề xuất lên UNESCO của khu vực, nói vậy khi ông dẫn tôi xuống cầu thang tối tăm vào hầm vòm của nơi trước đây đúc tiền.

Rất lâu trước khi Jáchymov tồn tại, những ngọn núi ngăn cách giữa Bohemia và Sachsen ngày nay là vùng rừng nguyên thủy chỉ để chó sói và gấu hoành hành. Năm 1516, khi phát hiện thấy có nhiều quặng bạc, bá tước Hieronymus Schlick đã đặt tên cho khu vực Joachimsthal (thung lũng Joachim) là tên ông nội của chúa Giesu, vị thánh hộ mệnh cho thợ mỏ.

Bảo tàng Nhà đúc tiền Hoàng gia của thị trấn Jáchymov là nơi những tổ tiên đầu tiên của đồng đô la được tạo ra cách đây 500 năm.

"Vào thời điểm đó, châu Âu là một lục địa của các quốc gia thành phố với những người cai trị địa phương tranh giành quyền lực. Do giữa họ không có đơn vị tiền tệ tiêu chuẩn nên một trong những cách để những người cai trị khẳng định quyền kiểm soát là đúc tiền của riêng của họ, và Schlick đã làm như vậy", nhà sử học địa phương Jaroslav Ochec giải thích.

Hội đồng Bohemia chính thức cho phép Schlick đúc tiền bạc vào ngày 9-1-1520. Bá tước cho tạo hình ảnh Joachim ở mặt trước, hình sư tử Bohemia ở mặt sau đồng tiền, và đặt tên loại tiền mới của mình là "Joimimsthalers" mà chẳng lâu sau được gọi tắt là "thaler".

Thời điểm ấy, khi mà hàm lượng kim loại của tiền xu là yếu tố xác định duy nhất của giá trị, Schlick đã làm hai điều thông minh để đảm bảo sự lan truyền và sống sót của đồng thaler. Đầu tiên, ông làm cho thaler có trọng lượng và đường kính tương đương với đồng xu Guldengroschen 29,2g được sử dụng trên khắp khu vực trung tâm châu Âu, giúp cho các vương quốc láng giềng dễ dàng chấp nhận nó hơn.

Quan trọng hơn, ông cho đúc được nhiều tiền hơn thế giới từng thấy. Vì vậy, chỉ trong 10 năm, Joachimsthal đã chuyển đổi từ một ngôi làng 1.050 người thành trung tâm khai mỏ lớn nhất châu Âu, một trung tâm nhộn nhịp 18.000 người với 1.000 mỏ bạc sử dụng 8.000 thợ mỏ.

Đến năm 1533, Joachimsthal là thành phố lớn thứ hai ở Bohemia sau Prague, và đến giữa thế kỷ XVI, Urban ước tính rằng khoảng 12 triệu thalers được đúc từ những ngọn núi này đã rải đi khắp châu Âu, hơn bất kỳ loại tiền tệ nào khác trên lục địa này.

Trữ lượng bạc của Joachimsthal nhanh chóng cạn kiệt, nhưng đến năm 1566, đồng thaler nổi tiếng khắp châu Âu đến nỗi khi Đế chế tôn giáo La Mã tìm cách thiết lập một kích thước tiêu chuẩn và hàm lượng bạc cho nhiều loại tiền tệ địa phương trong vương quốc mình, nó đã chọn đồng thaler, gọi tất cả đồng xu bạc có thể chấp nhận được là "Reichsthalers" (tức "đồng thaler của đế chế").

"Trong vòng 300 năm tiếp theo, nhiều quốc gia trên thế giới đã lấy mẫu tiền của mình theo đồng thaler. Chẳng lâu sau, đồng thaler đã bắt đầu sống một cuộc sống của riêng nó, ở xa nơi này", Urban nói.

Khi những nhà cai trị trên khắp châu Âu bắt sửa lại tiền của họ theo mẫu đồng thaler, họ cũng đổi tên chúng theo ngôn ngữ của họ. Ở Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển, thaler được gọi là "daler". Ở Iceland, là "dalur". Ý gọi là "tallero", để khỏi lẫn với đồng "talar" (Ba Lan), "tàliro" (Hy Lạp) hoặc đồng "tallér" (Hungary). Ở Pháp, đó là "jocandale", và "chẳng lâu sau, có khoảng 1.500 mẫu phỏng được lưu hành ở các nước nhỏ thuộc Đế chế tôn giáo La Mã", Jason Goodwin viết trong cuốn sách Greenback: "Đồng Dollar thần kỳ và sự phát minh của Mỹ".

Đồng thaler nhanh chóng lan sang châu Phi, được dùng ở Ethiopia, Kenya, Mozambique và Tanzania vào cuối những năm 1940 và trên phần lớn bán đảo Ả Rập và vào Ấn Độ, nơi nó vẫn còn lưu hành suốt thế kỷ XX. Đơn vị tiền tệ chính thức của Slovenia là "tolar" cho đến năm 2007. Tiền của Samoa vẫn được gọi là "tâlâ"; các loại tiền tệ ở Rumani ("leu"), Bulgaria ("lev") và Moldovia ("leu") ngày nay đều lấy tên từ con sư tử được dập trên đồng thaler đầu tiên cách đây 500 năm.

Nhưng chính từ leeuwendaler của Hà Lan (tức "đô la sư tử", hoặc nói tắt là "daler"- được phát âm gần giống từ "dollar" theo tiếng Anh) đã được dùng cho tên tiền tệ của Mỹ. Sau khi lần đầu tiên đến New Amsterdam vào thế kỷ XVII cùng với thực dân Hà Lan, những người định cư nói tiếng Anh bắt đầu gọi nó - và tất cả các đồng xu bạc có trọng lượng tương tự, kể cả đồng xu real de a ocho Tây Ban Nha được sử dụng rộng rãi - đều là "dollar". Đồng đô la đã trở thành đồng tiền chính thức của Mỹ vào năm 1792 và kể từ đó, đồng đô la, lấy cảm hứng từ thaler, đã tiếp tục tiến bước trên toàn cầu đến những nơi như Úc, Namibia, Singapore và Fiji.

2.Tuy nhiên, khi Urban và Ochec dẫn tôi ra khỏi khu đúc tiền và vượt qua hàng rào dây thép gai quanh một tháp canh quân sự trên sườn đồi gần đó, tôi được biết rằng các mỏ của Jáchymov cũng có một sự nổi tiếng tối tăm hơn.

Khi trữ lượng bạc sáng bóng của thị trấn suy giảm, các thợ mỏ bắt đầu gặp phải một chất màu đen bí ẩn dẫn đến tỷ lệ cao mắc bệnh phổi nghiêm trọng nguy ngập. Nó được gọi là khoáng chất uraninite, "Pechblende", ("pech" tiếng Đức là "xui xẻo"). Khi xem những rơi vãi ở các hầm mỏ của thị trấn năm 1898, một nhà vật lý tên là Marie Curie đã xác định rằng loại quặng đã tạo ra những đồng đô la đầu tiên có chứa hai nguyên tố phóng xạ mới: radium và polonium.

Thị trấn Jáchymov vừa được coi là một trong những di sản thế giới mới nhất của UNESCO.

Phát hiện này làm biến dạng bàn tay của Curie, cuối cùng đã giết chết bà và làm bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giành giải thưởng Nobel. Nhưng nó cũng tạo vũ đài cho hoạt động thứ 2, không nghĩ sẽ có, của thị trấn: chính các mỏ tạo ra đồng tiền của thế giới, thì nay sẽ cung cấp năng lượng cho cuộc đua chạy vũ khí hạt nhân.

Trong nhiều thập kỷ tiếp theo, thị trấn các mỏ bạc được mở lại của thị trấn đã trở thành nguồn radium quan trọng nhất thế giới. Đức quốc xã đã thử nghiệm một lò phản ứng hạt nhân ở đây. "Cha đẻ của bom nguyên tử", J Robert Oppenheimer, đã viết luận thuyết của mình về các trục hầm giàu uranium của Joachimsthal.

Và sau khi Tiệp Khắc đòi lại Joachimsthal từ Đức sau Thế chiến II - đổi tên thành Jáchymov và trục xuất dân số nói tiếng Đức đã sống ở đây trong nhiều thế kỷ cùng với những người định cư Séc - chính phủ đã ký một hiệp ước bí mật, biến thị trấn này thành một nhà tù.

3.Ngày nay, thị trấn Jáchymov vẫn đang vật lộn với quá khứ đầy biến động của nó. Những đống xỉ rộng lớn từng tạo sẹo lên thung lũng nay bắt đầu được cây xanh bốn mùa lấn át. Các dãy nhà ở thế kỷ XIX (bị đóng ván chặn cửa) được xây dựng bằng chất thải độc hại nay đang dần được khử độc và khôi phục lại vinh quang trước đây.

Và mỏ khai thác cuối cùng của Jáchymov, Svornost, cung cấp bạc cho những đô la đầu tiên, hiện đang bơm nước phóng xạ cho một bộ ba khu nghỉ dưỡng kỳ lạ xa hoa quảng cáo trị liệu bằng nước có radon.

Hiện vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào của thị trấn Jáchymov nêu yêu cầu chính đáng của mình là nơi sinh của đồng đô la. Nhưng nếu bạn đi vào bên trong bảo tàng Nhà đúc tiền Hoàng gia và yêu cầu hướng dẫn viên chỉ cho bạn cái mới trong lễ kỷ niệm 500 năm của năm nay thì người đó sẽ tự hào chỉ ra phía sau bàn và cho bạn thấy một khung nhỏ có đồng 1 đô la George Washington mới toanh.

Quý Đức (Theo BBC)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/noi-phat-minh-ra-dong-do-la-585195/