Nơi phát hiện nhiều loài thực vật quý hiếm, đặc hữu

Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) là rừng núi đá cao hơn 1.000m, nằm trong địa giới hành chính 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn với diện tích hơn 2.300km2.

Ngày 3-10-2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được Hội đồng Tư vấn mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network) chính thức công nhận là thành viên tại Hội nghị Mạng lưới công viên địa chất châu Âu (được tổ chức tại Lesvos, Hy Lạp). Đây là sự kiện quan trọng, vì cao nguyên đá Đồng Văn được đánh giá là một trong những vùng núi đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu hiệu tiêu biểu về lịch sử của vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên và cảnh quan đặc sắc. Cho đến nay, sau 10 năm được công nhận là công viên địa chất toàn cầu, cao nguyên đá Đồng Văn đã thực sự thay đổi nhờ phát triển mạnh các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch.

Hệ thực vật ở Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn với sự phong phú, đa dạng về thành phần loài, về nguồn gen thực vật quý hiếm, đặc hữu, không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm, dược liệu, cây cảnh... mà còn cung cấp nhiều thông tin khoa học giá trị; nhờ đó thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước có nhu cầu khám phá thiên nhiên. Sau đây là một số ví dụ.

Thiên nhiên tươi đẹp ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: TRỌNG HẢI

Thiên nhiên tươi đẹp ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: TRỌNG HẢI

Lan hài là một nhóm rất khác biệt. Chúng có thể dễ dàng được nhận ra bởi cấu trúc hoa khác thường với một cánh hoa giữa hình túi sâu trông giống một chiếc hài (trong chuyên môn gọi là môi hay cánh môi) nằm ở vị trí thấp nhất của hoa, tạo nên vẻ ngoài rất đặc sắc. Và do vậy, nó trở thành tên chung của một nhóm gồm 5 chi: Cypridedium, Mexipedium, Paphiopedilum, Phragmipedium và Selenipedium. Trong các vùng núi ở Việt Nam, nơi còn sót lại những mảng rừng nguyên sinh đa dạng nhất, các loài lan hài rất phong phú. Mặc dù là nhóm rất hiếm nhưng tính đa dạng của lan hài tại Việt Nam cao hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhiều loài của Việt Nam không chỉ rất hiếm mà còn là các loài đặc hữu, chỉ tồn tại, phát triển trong phạm vi phân bố hẹp và giới hạn trong một vùng lãnh thổ nhất định của Việt Nam mà không được ghi nhận là có ở nơi khác trên thế giới. Tại cao nguyên đá Đồng Văn đã phát hiện được 5 loài lan hài, đều thuộc chi Paphiopedilum. Với sự có mặt của 5 loài lan hài trên cao nguyên đá Đồng Văn đã xác định Việt Nam như một vùng lãnh thổ có tài nguyên lan hài đẹp kỳ diệu.

Cao nguyên đá Đồng Văn còn là nơi hội tụ của nhiều loài thuộc ngành hạt trần được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2007) như: Bách vàng (Xanthocyparis vietnamenchis), một nguồn gen quý hiếm và độc đáo. Chỉ riêng xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) đã có tới 9 loài hạt trần được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2007). Đáng chú ý có loài thông Đỏ Bắc (Taxus chinensis) đang được nghiên cứu để chiết xuất một loại chất từ vỏ cây này làm thuốc. Kết quả nghiên cứu gần đây đã xác định được hệ thực vật cao nguyên đá Đồng Văn có 1.516 loài thực vật bậc cao có mạch, chiếm hơn 1/10 tổng số loài của cả nước (hiện nay, tổng số loài của hệ thực vật Việt Nam đã đạt con số hơn 14.000 loài), trong đó có 86 loài chỉ mới phát hiện được ở cao nguyên đá Đồng Văn, có thể xem là những loài đặc hữu hẹp. Có 2 loài đặc hữu Bắc Bộ (chỉ phân bố trong phạm vi từ 200 vĩ độ Bắc đến 230 vĩ độ Bắc) là Cheirostylis bipunctata và Spiradiclic leptobotrya.

Thiên nhiên quả là công bằng, tạo ra miền đá khát, đặc biệt là cao nguyên đá Đồng Văn; nhưng bù lại, thiên nhiên cũng ban tặng cho miền đá khát này nhiều báu vật không phải nơi nào cũng có được. Vấn đề đặt ra là các cấp chính quyền, người dân nơi đây tận dụng và khai thác hệ thực vật, sinh thái, cảnh quan đặc sắc và những hiện tượng tự nhiên như thế nào cho hợp lý.

Tiến sĩ LÊ TRẦN CHẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/noi-phat-hien-nhieu-loai-thuc-vat-quy-hiem-dac-huu-653639