Nơi nông dân không còn bỡ ngỡ lúa hữu cơ

Từ chỗ xa lạ, bỡ ngỡ, thậm chí thiếu niềm tin, giờ đây ở nhiều vùng miền, nông dân thực sự bị các mô hình liên kết trồng lúa hữu cơ thuyết phục.

LTS: Những năm gần đây, nhiều địa phương, doanh nghiệp, người nông dân đã kiên định theo đúng chỉ đạo nhà nước, xây dựng một thương hiệu gạo của đất nước Việt Nam chất lượng, vì môi trường, không đánh đổi bằng bất cứ giá nào.

Đó sẽ là bước đường dài gạo Việt.

Từ số báo này, NNVN trân trọng giới thiệu các bài viết, ý kiến đóng góp, để: Nâng tầm gạo Việt.

 Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra mô hình trồng lúa hữu cơ ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra mô hình trồng lúa hữu cơ ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Từ chỗ xa lạ, bỡ ngỡ, thậm chí thiếu niềm tin, giờ đây, nhiều vùng ở Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, từ miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên, ĐBSCL... nông dân thực sự bị các mô hình liên kết trồng lúa hữu cơ thuyết phục. Đó là những cánh đồng 3 không: không phân vô cơ, không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu hóa chất.

5 lợi ích của trồng lúa hữu cơ

Cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã có chuyến thị sát nhiều mô hình khuyến nông ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Một trong những mô hình khuyến nông đang được triển khai ở địa phương vốn có thế mạnh về công nghiệp là Dự án Xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm phối hợp với Vĩnh Phúc triển khai.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Ban đầu thực hiện trồng lúa hữu cơ, sau đến chăn nuôi, liên kết áp dụng các mô hình chăn nuôi lợn, gà không sử dụng kháng sinh, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học…

Kết quả các mô hình triển khai có thể khẳng định cây trồng, vật nuôi phát triển rất tốt, đặc biệt là môi trường chăn nuôi được cải tạo rất rõ rệt, hệ thống vi sinh vật trong đất sinh sôi trở lại, chất lượng nông sản đã tạo nên sự khác biệt hẳn so với cách làm trước đây.

Đến thời điểm này, Vĩnh Phúc và Tập đoàn Quế Lâm đã liên kết sản xuất hơn 190ha lúa hữu cơ. Với những hiệu quả nhãn tiền, diện tích lúa hữu cơ ở Vĩnh Phúc chắc chắn sẽ càng được mở rộng.

Một phép tính của những người nông dân tại xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên từ năm 2019 thể hiện, trên quy mô 25ha, Tập đoàn Quế Lâm và Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã sử dụng giống lúa DT39 Quế Lâm (50 kg/ha), phân hữu cơ sinh học (1.000 kg/ha), hữu cơ vi sinh (2.000 kg/ha), thuốc sinh học và thảo mộc, không sử dụng thuốc trừ cỏ và thuốc hóa học…

Kết quả cho thấy, năng suất lúa tuy có thấp hơn (không đáng kể) so với lúa cấy ngoài mô hình nhưng lúa hữu cơ ít bị sâu bệnh hơn. Bình quân mỗi ha áp dụng canh tác lúa hữu cơ thu được 52,56 triệu đồng, lãi 24,755 triệu đồng, mức lãi cao hơn canh tác lúa thông thường 3,683 triệu đồng...

Năm 2020 Tập đoàn Quế Lâm và Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai mô hình canh tác lúa hữu cơ trên diện tích 40 ha (vụ xuân 20 ha, vụ mùa 20 ha) tại xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên.

Cũng bằng giống lúa DT39 và phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học và thảo mộc, không sử dụng thuốc trừ cỏ và hóa học…, kết quả đạt năng suất 60,63 tạ/ha (canh tác ngoài mô hình đạt 61,5 tạ/ha). Hạch toán hiệu quả kinh tế vụ xuân cho thấy, trung bình mỗi ha canh tác lúa hữu cơ thu được 60 triệu đồng, trừ đi chi phí còn lãi 32,4 triệu đồng/ha.

Ông Đặng Văn Tắc, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phong gọi liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ là một cuộc cách mạng trên cánh đồng quê hương. Đặc biệt, trong bối cảnh xã Tân Phong đang hoàn thành công cuộc dồn điền đổi thửa.

“Thực ra mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ không mới, tuy nhiên do thói quen, tập quán canh tác của người dân, tâm lý ngại thay đổi nên phải mất một thời gian thuyết phục và triển khai thí điểm mới thu hút được người dân tham gia. Bây giờ thì bà con đã thấy hiệu quả rõ rệt cũng như nhiều lợi ích mà sản xuất lúa gạo hữu cơ mang lại rồi”, ông Tắc chia sẻ.

Qua những vụ xuân, vụ mùa, những người nông dân ở Phú Xuân, Tân Phong đúc kết, tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ họ cảm thấy đạt được 5 lợi ích rõ rệt: Lợi ích về sức khỏe, ít bệnh tật hơn, không phải tiếp xúc với hóa chất, bảo vệ môi trường đất và nước, lợi nhuận cao hơn…

Lan tỏa mãnh liệt

Những hiệu quả thiết thực, tích cực từ lúa hữu cơ đã lan tỏa ở nhiều tỉnh thành. Trong năm 2020, mô hình canh tác lúa hữu cơ đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm nhân rộng khắp nhiều địa phương.

Thống kê từ Tập đoàn Quế Lâm cho biết, thời điểm hiện tại đã có hơn 2.000ha lúa hữu cơ ở nhiều tỉnh thành từ Bắc chí Nam. Một số tỉnh liên kết với Tập đoàn Quế Lâm diện tích tương đối lớn như Ninh Bình (610ha), Thừa Thiên - Huế (550ha), Sóc Trăng (100ha), Sơn La (100ha), Thái Nguyên (110ha)...

Một trong những địa phương tiên phong và phát triển diện tích lúa hữu cơ mạnh mẽ là Thừa Thiên -Huế. Nhằm mục tiêu thúc đẩy nông nghiệp địa phương, bằng việc mở rộng vùng chuyên canh lúa hữu cơ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm vào tháng 7/2019, dựa trên kết quả thực tế chuỗi sản xuất doanh nghiệp đã liên kết với trên 500 hộ nông dân ở 13 hợp tác xã thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả cao về kinh tế xã hội và môi trường trong nhiều năm qua.

Đã lâu lắm rồi, người nông dân nơi đây mới lại thấy sự sống sinh động ở môi trường ruộng đồng hiền hòa, hệ sinh thái đa dạng, tự nhiên như nó vốn có, các loại chim chóc, thủy sản như cá, tôm quay về; nhiều gia cầm như vịt, ngỗng cũng được thả bơi ra đồng kiếm ăn.

Hoàng Anh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/noi-nong-dan-khong-con-bo-ngo-lua-huu-co-d272592.html