Nỗi niềm trăn trở của nhiều giáo viên huyện Kỳ Sơn sau kỳ nghỉ Tết

Những cuộc tiễn đưa đầy nước mắt khi cha mẹ về vài ba ngày đã phải xa con, khi vợ chồng chưa kịp bén hơi cũng đã vội xa nhau.

Sau một tuần nghỉ Tết Nguyên đán, ngày 30/1 tức mùng 6 Tết học sinh tỉnh Nghệ An tựu trường.

Học sinh huyện miền núi Kỳ Sơn đến trường (Ảnh: Báo Môi trường&Đô thị)

Học sinh huyện miền núi Kỳ Sơn đến trường (Ảnh: Báo Môi trường&Đô thị)

Theo nhiều đồng nghiệp của chúng tôi giảng dạy nơi đây cho biết: “Những trường miền xuôi, vùng thị trấn học sinh đi học tương đối đầy đủ.

Thế nhưng những trường học ở vùng núi, học sinh đến trường chỉ khoảng 20-30%”.

Điển hình như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn chỉ có khoảng 50 học sinh/300 em có mặt tại trường.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Mỹ Lý có khoảng 100 học sinh/350 em. Nhiều trường học khác chỉ khoảng vài chục học sinh đến trường.

Lý do, ngày đi học rơi vào giữa tuần (thứ 5) nên nhiều em không đi. Bởi chỉ lên trường 2-3 ngày là đến cuối tuần nghỉ tiếp. Thế nên, phần đông học sinh thường để đến thứ 2 mới đi học.

Được biết vài năm trở lại đây, học sinh tựu trường vào giữa tuần sau kỳ nghỉ Tết đều thiếu vắng khá nhiều học sinh như thế.

Dù không có học sinh để dạy, giáo viên vẫn phải đến trường đúng thời gian quy định.

Do số lượng học sinh quá ít nên phần lớn thầy cô chỉ gặp mặt trò nói chuyện vui Tết, dọn dẹp vệ sinh lớp là cho các em về.

Giá lãnh đạo thấu hiểu, sẻ chia

Lịch nghỉ Tết do các tỉnh thành quy định. Thế nên, có nơi học sinh được nghỉ 2 tuần, nơi chỉ được nghỉ 1 tuần.

Với vùng đồng bằng thành phố thì thời gian nghỉ tết 1 tuần cũng không vấn đề gì. Thế nhưng vùng biên giới, hải đảo xa xôi, giáo viên dạy nơi đây toàn sống xa nhà.

Nếu chỉ nghỉ một tuần, thời gian đi về đã mất khoảng 3 ngày, chỉ còn khoảng 4 ngày cho những cuộc thăm viếng, đoàn viên là vô cùng ít ỏi.

Ngay ở huyện miền núi Kỳ Sơn, nhiều giáo viên nơi đây cho biết, phần đông các thầy cô giáo đều ở dưới miền xuôi lên đây công tác.

Một năm chỉ có 2 lần về thăm quê, thăm gia đình. Thế nhưng nghỉ Tết chỉ có một tuần là phải lên trường.

Cho dù năm nào lên trường giáo viên cũng không thể dạy được vì số lượng học sinh đi học quá ít nhưng vẫn không thể vắng mặt.

Những cuộc tiễn đưa đầy nước mắt khi cha mẹ về vài ba ngày đã phải xa con, khi vợ chồng chưa kịp bén hơi cũng đã vội xa nhau.

Giảm thời lượng nghỉ hè, tăng thời gian nghỉ Tết

Phần lớn giáo viên ở những vùng núi rẻo cao sống xa nhà, xa gia đình họ đều có chung ước nguyện giảm thời lượng nghỉ hè và tăng thời gian nghỉ Tết.

Thực hiện điều này, học sinh vẫn đảm bảo thời lượng học tập mà thầy cô lại có thêm thời gian cho gia đình, con cái.

Khi tâm lý vui thoải mái, khi tình cảm gia đình được gắn kết bởi sự quan tâm chăm sóc nhau thì thầy cô sẽ có thêm sức mạnh, lòng nhiệt huyết với chính học sinh của mình.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/noi-niem-tran-tro-cua-nhieu-giao-vien-huyen-ky-son-sau-ky-nghi-tet-post206569.gd