Nỗi niềm sông Hàn

Sau bài phát biểu thể hiện sự oan ức của chủ dự án, bà Loan Quốc Cường Gia Lai ngồi bồn chồn giữa dãy bàn. Phòng họp nhỏ chật ních chuyên gia, ban ngành phản biện ngược xuôi được mất của dự án lấn sông. Ở dãy đầu bàn, ông Phó chủ tịch Đà Nẵng ngồi trầm ngâm, kết thúc bằng một bài phát biểu kêu gọi sự chia sẻ.

Bà Loan với bản báo cáo đầy bức xúc của chủ đầu tư, còn Phó chủ tịch Đà Nẵng Đặng Việt Dũng (bìa phải) cũng suy nghĩ rất nhiều - Ảnh: Lê Đình Dũng

Bà Loan với bản báo cáo đầy bức xúc của chủ đầu tư, còn Phó chủ tịch Đà Nẵng Đặng Việt Dũng (bìa phải) cũng suy nghĩ rất nhiều - Ảnh: Lê Đình Dũng

Dự án Bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) chuẩn bị hoàn thành được phát hiện đổ đất lấn cửa sông Hàn nên chính quyền phải lệnh dừng lại để tổ chức phản biện.

Nghe bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.Đà Nẵng thông tin mới giật mình: “Ngày 28.8.2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị sở Xây dựng TP.Đà Nẵng và UBND TP.Đà Nẵng cung cấp hồ sơ để tổ chức phản biện xã hội đối với các dự án này. Tuy nhiên sau đó, các cơ quan này không cung cấp hồ sơ nên không thể tổ chức phản biện xã hội được”.

Sinh con rồi mới sinh cha. Hội nghị phản biện xã hội dự án Marina Complex vào ngày 7.5.2019 do Ủy ban MTTQVN TP.Đà Nẵng chủ trì tổ chức như một quy trình ngược, có 16 ý kiến phản biện tham gia tại đây.

Cuộc phản biện nhằm làm rõ được mất một số dự án tuy nhiên, phần lớn tập trung vào dự án Marina Complex.

Dự án Marina Complex nhìn từ cầu Thuận Phước

Một điều rõ ràng, không doanh nghiệp nào dám vào mà đổ đất lấn sông Hàn được, nó phải được sự bật đèn của chính quyền Đà Nẵng. Không riêng gì dự án Marina Complex lấn sông, theo kiểm đếm của nhiều chuyên gia, từ đầu nguồn sông Hàn là sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò, có rất nhiều dự án đã hoàn thành việc lấn sông nhiều năm nay.

“Đen thôi, đỏ quên đi”, khi chưa kịp hoàn thiện cho sự đã rồi, dự án Marina Complex bị mang ra mổ xẻ. Bà Nguyễn Thị Như Loan (đại diện chủ dự án Marina Complex) cho rằng, áp lực của dư luận thời gian qua khiến công ty bất ngờ, bối rối, bao tâm huyết như bị đổ biển. “Muốn dừng dự án, chúng tôi đề nghị phải xem xét trong tổng quan các dự án trên sông Hàn, đồng thời đánh giá thiệt hại tiền mà doanh nghiệp đã bỏ ra. Dự án đã qua hai lần đánh giá tác động môi trường, bảy lần điều chỉnh. Sự việc này khiến doanh nghiệp lo lắng và thấy bất bình đẳng khi đầu tư vào Đà Nẵng”.

Bà Nguyễn Thị Như Loan nói về bức xúc của nhà đầu tư

Cơ bản có 2 luồng ý kiến tham gia phản biện tại hội nghị: một cho rằng dự án gây ảnh hưởng dòng chảy và phá cảnh quan sông Hàn nên cần dừng lại để xử lý, một vẫn bảo lưu rằng không sao và nên tiếp tục dự án.

Từng tham gia hội đồng đánh giá tác động môi trường của dự án, ông Huỳnh Vạn Thắng (nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng), Giáo sư Phạm Thị Hương Lan (Trường đại học Thủy lợi) cho rằng dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy vì đổ đất theo bờ kè cũ có từ thời Pháp.

Theo bà Lan cũng như tiến sĩ Lê Hùng và tiến sĩ Lê Song Giang đến từ hai trường đại học Bách khoa Đà Nẵng và Bách khoa TP.HCM, kết luận việc tính toán tốc độ dòng chảy lũ trước và sau khi dự án được triển khai chỉ tăng từ 0,05 đến 0,06m/s, không có gì đáng kể và nằm trong mức cho phép; hai dự án lấn sông Hàn này không ảnh hưởng đến thoát lũ, không gây ngập lụt, không tạo ra đột biến xấu về môi trường.

Trái lại, ông Hồ Duy Diệm (Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam) cho rằng, việc một số người nói “thời Pháp thuộc đã xây kè ở đây, giờ làm tại khu vực này không sao” là nhầm lẫn. “Họ xây kè mềm để điều chỉnh dòng chảy chứ không phải đổ đất lấn sông. Nhà chồ trước đây là ở chỗ này, nay ở đâu? Họ đã lùi vào, và rõ ràng các dự án đã lấn ra 300m. Đây cũng là hiểm họa cho cảng Tiên Sa, bởi cửa sông bị lấn, phù sa không có chỗ bồi, bùn cát sẽ đẩy xuống cảng Tiên Sa vốn là cảng duy nhất tại Việt Nam không cần nạo vét”.

Còn ông Trần Văn Thiết (Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.Đà Nẵng) thẳng thắn: “Mặt trận không được tham gia góp ý kiến ngay từ đầu. Khi dư luận phản đối thì chính quyền nói đúng quy trình, đã đánh giá, nhưng thực tế không phải vậy. Bài học về lấp sông Đồng Nai, dự án Đa Phước tại Đà Nẵng, các dự án tại đồng bằng sông Cửu Long là ví dụ cho thấy cái gọi là 'ý kiến cộng đồng' thực ra là không có. Ở đây, dứt khoát là lỗi của chính quyền trước tiên”.

Theo KTS Hoàng Sừ, dòng sông Hàn có rất nhiều dự án lấn ra từ thượng nguồn xuống hạ nguồn

Rộng ra vậy để thấy, không chỉ mỗi dự án Marina Complex, mà từ chục năm nay con sông Hàn đã bị ăn mòn, đục khoét dần và thảm họa sẽ bị cộng dồn đưa tới trong tương lai.

Như một mớ bòng bong, giờ đụng vào các dự án ở ven sông Hàn là một điều không thể. Lý do lớn nhất là chính quyền nhiệm kỳ trước đã giấy trắng mực đen cấp cho doanh nghiệp, nay không thể quay lại đòi hủy hay ngừng dự án được. PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng những sự cố dừng, thu hồi dự án như thế này sẽ tác động tới môi trường đầu tư của Đà Nẵng. Và nếu xu hướng này không được giải thích rõ ràng thì nó sẽ gây ra tác động tiêu cực.

“Như chúng ta thấy một dự án đã triển khai với đầy đủ văn bản, quy trình pháp lý rồi, nhưng sau bao nhiêu năm tự dưng lật lại đúng các vấn đề vốn đã được giải quyết khi xét duyệt dự án. Bản thân nhà đầu tư gặp rủi ro rất lớn. Đó là đã vay nợ hàng mấy trăm tỉ mà dừng như vậy, hiệu quả dự án sẽ suy giảm. Còn môi trường đầu tư, sau những trục trặc vừa rồi trên địa bàn Đà Nẵng, người ta trông chờ rất lớn một sự cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Nhưng với cách làm như thế này sẽ chỉ khiến cho các nhà đầu tư phân vân, đặc biệt các nhà đầu tư lớn”.

“Nếu cho dừng dự án lại thì căn cứ phải rất vững. Nếu không thì doanh nghiệp người ta sẽ có quyền kiện”, ông Thiên nói và cho rằng dù dừng dự án hay cho phép tiếp tục thì tính giải trình phải cao. Nghĩa là thông tin phải công khai, minh bạch.

Đến đây thì chuyện thêm rối bời mà chính quyền sở tại phải tìm ra một nút thắt để gỡ vì đại cục, vì thu hút đầu tư, vì tuân thủ pháp luật…

Ông Bùi Văn Tiếng đề nghị dừng dự án lấn sông Marina Complex

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn DC-PL, UBMTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng tham gia tại hội nghị với quan điểm đề nghị lãnh đạo thành phố không nên triển khai tiếp dự án Marina Complex và các dự án tương tự.

“Quyết định cho tiếp tục triển khai dự án dễ hơn nhiều so với quyết định không cho tiếp tục triển khai dự án. Bởi trong chuyện này lỗi không phải của nhà đầu tư, nếu không cho triển khai dự án nữa thì quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư sẽ được tính toán ra sao, nhất là đối với những thiệt hại mà hoàn toàn không phải lỗi do họ. Đó là chưa kể ai sẽ chịu chi phí xử lý hậu quả xây kè lấn sông để trả lại nguyên trạng bờ sông và dòng chảy.

Đó là chưa kể hệ lụy dây chuyền trong quá trình rà soát tất cả các dự án đang và sắp kè bờ lấn sông trên toàn tuyến sông Hàn, không khéo sẽ rơi vào tình trạng giải quyết rất triệt để nhưng mà chỗ triệt chỗ để. Đó là chưa kể sẽ mất lòng những người tiền nhiệm. Việc này tôi rất thông cảm với những người đương chức hiện nay; vì phát triển bền vững mà dừng rồi tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia nhưng trong lòng rất buồn vì mình sẽ động đến các người tiền nhiệm”.

“Đà Nẵng đã trải qua một quá trình phát triển rất ngoạn mục, làm được những việc có thể xem là kỳ tích nhưng rõ ràng trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển quá nóng như vậy là cũng có những sai sót bất cập mà đây là ví dụ. Có điều không nên ngại khó mà bất chấp dư luận, bất chấp lẽ phải mà chọn phương án không xuất phát từ lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững”, ông Tiếng nói.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Đà Nẵng thừa nhận: “Theo quy luật phát triển, mọi thứ luôn vận động, không có cái gì là bất biến. Điều đó có nghĩa là trước sự vận động của xã hội thì các chính sách cũng phải thay đổi mới đáp ứng được thực tiễn. Quy hoạch đô thị và quá trình xây dựng thành phố mặc dù được khen ngợi nhưng hôm nay nhìn lại thì chúng ta cũng đã nhận ra nhiều bất cập, tồn tại cần sớm điều chỉnh”.

Ngoài những phân trần từ chính quyền, ông Đặng Việt Dũng kêu gọi sự chia sẻ của mọi người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và tất cả những ai yêu mến Đà Nẵng

“Hơn lúc nào hết, sau những khó khăn mà thành phố đã trải qua và đang tiếp tục đối diện xung quanh các vi phạm trong quản lý đất đai thì ngay lúc này rất cần sự chia sẻ của mọi người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và tất cả những ai yêu mến Đà Nẵng”, ông Dũng nói và cho biết việc Chính phủ cho phép Đà Nẵng nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2030 là cơ hội để đánh giá tổng thể sự phát triển đô thị thời gian qua.

Thiết nghĩ, ngoài việc xử lý những bất cập gây ảnh hưởng đến cảnh quan sông Hàn theo hướng phục vụ mục đích cộng đồng, ngoài việc ngồi lại với doanh nghiệp để đưa ra một phương án giải quyết êm đẹp nhất; chính quyền sở tại Đà Nẵng cần phải lấy đây là một bài học lớn trong việc công khai, minh bạch về các dự án; luôn lấy lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững làm mục tiêu trong quy hoạch và xây dựng.

Những đoạn sông chưa xây dựng (từ cầu Đỏ lên giáp Quảng Nam hoặc sông Cu Đê) hiện chưa có nhà đầu tư vào thì Đà Nẵng nên sớm xây dựng hành lang thoát lũ và cắm mốc luôn, đã cắm mốc rồi thì không có ai xâm phạm vào được cả.

Và với sông Hàn, con sông đã bị ‘xơ vữa’ bởi các dự án lấn chiếm, chính quyền nên vào cuộc sớm như KTS Hoàng Sừ đề xuất: “Để đảm bảo an toàn cho toàn bộ thành phố dọc sông thì thành phố nên tổ chức một lần tư vấn thật tốt để đưa tất cả các điều kiện: biến đổi khí hậu, phá rừng, lấn sông đắp ruộng… cho dữ liệu đầu vào thật đầy đủ để cho ra một bài toán khẳng định chúng ta đã sai đúng ở đâu, lúc đó mới có một cách hành xử trọn vẹn”.

Lê Đình Dũng

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/noi-niem-song-han-112738.html