Nỗi niềm phía sau người lính

Tôi có một người bạn đang công tác trong quân đội. Nghe tâm sự của anh mỗi lần trò chuyện, tôi thực sự thấu cảm trước những hy sinh, vất vả mà cán bộ, chiến sĩ quân đội trong thời bình cùng 'hậu phương' của các anh đã và đang trải qua.

Quê ngoài Bắc, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo sĩ quan, bạn tôi được phân công về công tác tại một đơn vị ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Từ đó đến nay, cùng với quãng thời gian hơn 20 năm quân ngũ, nơi công tác của anh vẫn “ổn định” ở xa nhà hơn 1.000km, cho dù cuộc sống cá nhân đã có nhiều thay đổi: Anh lấy vợ, lập gia đình ở quê nhà; đã làm bố của hai con nhỏ; cha mẹ, người thân hai bên nội ngoại thì mỗi ngày thêm già yếu…

Những gì anh dành cho gia đình thường gắn với hai từ “tranh thủ”, nào là tranh thủ về quê thăm cha mẹ ốm đau, tranh thủ về chăm vợ đẻ, tranh thủ về ăn Tết, tranh thủ nghỉ phép để sửa nhà… “Vợ chồng tớ đúng là Gặp nhau lần nào cũng vội/ Chẳng đủ gần mà giận dỗi. Có chút thời gian tranh thủ nào thì dành hết cho việc báo hiếu, thăm nom ông bà, cha mẹ đôi bên và đem yêu thương để bù đắp cho các con trong những ngày hiếm hoi chúng được ở gần bố”. Nghe anh bạn tâm sự những lời gan ruột, tôi chợt thấy khóe mắt cay cay… Quả là những sinh hoạt đời thường, cảnh sum họp diễn ra hằng ngày với bao gia đình như một lẽ tự nhiên, nhưng với những quân nhân thường xuyên phải công tác xa nhà thì điều bình dị ấy lại là "xa xỉ".

Có ông bố bộ đội ở xa đã nghĩ ra việc dạy con học “qua loa” bằng cách: Mua một bộ sách để ở đơn vị, mỗi tối lại tranh thủ giờ nghỉ, gọi điện thoại về nhà kiểm tra bài vở và học cùng con để vợ giảm bớt gánh nặng kèm con học tập. Một anh bạn sĩ quan kể: “Có hôm tôi đùa vợ là nhà mình có hai con trai, hay là đẻ cố thêm đứa con gái cho mẹ có “đồng minh”. Vợ tôi bảo, em có đẻ thêm một tiểu đội nữa thì anh cũng đâu có vất vả. Quả thật, khoảng thời gian vợ mang thai, sinh con, tôi cũng chỉ có thể tranh thủ ít ngày về nhà động viên rồi lại khoác ba lô lên đơn vị; con lớn, bi bô tập nói mới lại khoác ba lô về… Bố ở xa, con trẻ cũng chịu không ít thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Mỗi lần về, dẫn các con đi chơi, đi ăn để bù đắp cho những tháng ngày xa bố, vợ lại trách: Bố cứ chiều thế dễ làm các con hư!”. Bạn tôi kể chuyện, cười vui mà khóe mắt rưng rưng.

Tôi nhớ mãi hình ảnh một buổi sáng cuối đông, người bạn sĩ quan đang công tác ở Nha Trang nhờ tôi chở ra sân bay Nội Bài để trở về đơn vị vì đã hết đợt tranh thủ. Trước lúc cùng tôi ra sân bay, anh nhờ tôi chở cả cậu con út 3 tuổi ghé qua trường mầm non, vì sáng ấy anh “xung phong” đưa con đi học. Mặc dù anh không nói gì tới việc mình chuẩn bị xa nhà, nhưng con trai anh thì dường như linh cảm được điều đó. Suốt quãng đường tới trường, cậu bé cứ luôn miệng nhắc: “Chiều bố đón con nhé! Bố nhớ đấy, đừng như lần trước…”. Lúc ấy, người bố chỉ biết cười trừ...

Thế nhưng ngược lại, tôi cũng cảm nhận được một điều, có bố là bộ đội cũng là niềm tự hào của các con nhỏ. Có chứng kiến những ánh mắt rực sáng đầy hãnh diện khi khoe cùng chúng bạn: "Bố tớ không thường xuyên đưa đón tớ đến trường được vì bố tớ còn phải đi làm nhiệm vụ. Bố tớ là Bộ đội Cụ Hồ đấy!", thì chúng ta mới thấy con trẻ hạnh phúc làm sao. Và với những người vợ bộ đội, dù thời chiến hay thời bình, họ luôn có những nỗi vất vả không dễ sẻ chia nhưng cũng có những niềm tự hào thật dung dị, đủ để mạnh mẽ vượt qua những khó khăn thường nhật trong cuộc sống, vun đắp tổ ấm nơi hậu phương quê nhà.

NGUYỄN HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/noi-niem-phia-sau-nguoi-linh-611636