Nỗi niềm người dân khai hoang kinh tế mới ở thôn Minh Tân, Sóc Sơn

Những ngày này, người dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang băn khoăn, lo lắng về kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng vừa được Thanh tra TP Hà Nội công bố mới đây.

Theo người dân nơi đây, kết luận thanh tra đã "bỏ quên" hàng trăm hộ dân lên Minh Tân khai hoang, phát triển kinh tế mới từ những năm 1985 - 1988, theo sự điều động của UBND huyện Sóc Sơn khi đó. Đất khai khoang bỗng "biến thành" đất rừng, khiến cho cuộc sống đảo lộn, giấc mơ an cư lập nghiệp trở nên khó khăn.

Một góc hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Một góc hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Đất khai hoang bỗng thành rừng phòng hộ

Thôn Minh Tân nằm cuối xã Minh Trí, tách biệt với những thôn khác bằng con đường đá cuội quanh co, bám theo hồ Đồng Đò và khuất sau những cánh rừng xanh tốt, được ví như Đà Lạt thu nhỏ.

Từ năm 1983 - 1985, huyện Sóc Sơn có chủ trương đưa 130 hộ dân với 474 nhân khẩu của 5 xã: Kim Lũ, Xuân Thu, Bắc Phú, Tân Hưng và Minh Trí lên khu kinh tế mới Đồng Đò khai hoang trồng rừng để rồi thành lập ra thôn Minh Tân ngày nay.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng thôn Minh Tân - một trong những người dân đầu tiên lên vùng kinh tế mới Đồng Đò và bám trụ đến bây giờ cho biết, thời điểm mới lên khu kinh tế mới người dân được Nhà nước hỗ trợ gạo ăn trong 6 tháng, 100 kg xi măng, 600 viên ngói và tiền để sinh hoạt.

Từ chỗ 130 hộ dân, sau 34 năm, thôn Minh Tân đã có 205 hộ với khoảng 700 nhân khẩu sinh sống rải rác trên khu đất rộng khoảng 5 km2. Nhiều hộ gia đình đã có tới ba thế hệ sinh sống tại khu kinh tế mới Đồng Đò - Minh Tân. Hiện tại, thôn đã có tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức đoàn thể theo đúng cấp hành chính quy định của Nhà nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, sau gần 1 tháng kể từ khi hai Kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội số 1183/TBKL-TTLN-P3 và 1113/TBKL- TTLN-P3 công bố mới đây, người dân nơi đây vẫn không khỏi lo lắng, thậm chí là bức xúc.

Người dân Minh Tân cho rằng kết luận của thanh tra đã cố tình “bỏ quên” nguồn gốc đất mà họ đã phải “khai sơn, phá thạch” trong suốt hơn 34 năm qua. Bởi thời gian thanh tra chỉ ở giai đoạn từ năm 2008 đến nay. Tức là thanh tra "phần ngọn" mà đã bỏ qua quá trình hình thành nguồn gốc và phát triển thôn từ năm 1985 - 1988.

“Kết luận của Thanh tra thành phố đã đẩy người dân có công đi khai hoang xây dựng kinh tế mới thành người xâm lấn, xây dựng trên đất rừng, khiến bà con trong thôn bức xúc. Điều đáng nói kết luận lại cho rằng toàn bộ khu vực thôn đều nằm trong đất rừng phòng hộ và vi phạm đất rừng phòng hộ. Thậm chí, kết luận này còn xung đột và mâu thuẫn với Kết luận kiểm tra số 301/BC/TTLN- P3 ngày 12/4/ 2015 của Đoàn Công tác liên ngành của thành phố Hà Nội", ông Hùng bức xúc nói.

Dân Minh Tân bị bỏ quên?

Ngôi nhà anh Nguyễn Văn Điểm, đội 4, thôn Minh Tân bị đình chỉ xây dựng nhiều lần vì UBND xã cho rằng xây dựng trên đất rừng phòng hộ. Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN

Kết luận thanh tra số 1113/TBKL- TTLN-P3 của Thanh tra thành phố kiến nghị có đoạn: “Tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu...”. Theo đó, các trường hợp xây dựng nhà, công trình tại thôn Minh Tân sẽ bị lập biên bản xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng.

Không giấu nổi bức xúc, anh Nguyễn Văn Điểm, xóm 4 thôn Minh Tân chia sẻ, lên xây dựng kinh tế mới từ năm 1988, hiện gia đình anh quyết định xây cất ngôi nhà chừng 100 m2 một tầng ngay trên mảnh vườn nhà để cho con lớn ở riêng.

Trong quá trình xây dựng, công trình nhiều lần bị chính quyền xã Minh Trí lập biên bản yêu cầu dừng thi công. Anh Điểm cho rằng, việc xây dựng nhà hoàn toàn hợp pháp, bởi nhà được xây trên đất gia đình anh đã sinh sống 31 năm, từ khi dưới xuôi lên đây làm kinh tế mới theo quyết định điều động của UBND huyện lúc bấy giờ.

“Chính quyền bảo tôi lấn chiếm vào đất rừng nhưng đất này được khai hoang từ lúc tôi còn bé. Khi mới lên đây, cây cỏ trơ trọi, có chỗ lại um tùm, mất bao công san đồi lấp hố mới làm được mảnh vườn. Bây giờ UBND xã nói là đất rừng không cho làm nhà nhưng chúng tôi vẫn làm để có chỗ cho con cái ở”, anh Nguyễn Văn Điểm quả quyết.

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Minh Hải ở đội 4 thôn Minh Tân nhìn nhận, Thanh tra Hà Nội không đi sâu vào chi tiết tìm hiểu xem nguồn gốc đất của người dân thế nào.

Anh Hải bày tỏ: "Tôi chưa thấy nơi đâu ở ngay Thủ đô mà lại không có bản đồ địa chính, không sổ đỏ nhưng có đủ hệ thống chính trị cấp thôn như ở các nơi khác. Chúng tôi đang bị bỏ quên mà lỗi không thuộc về người dân. Tôi và nhiều người dân nơi đây mong muốn được đo vẽ lại bản đồ địa chính theo hiện trạng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sử dụng hợp pháp."

Theo quy hoạch của bản đồ năm 2008, toàn bộ thôn Minh Tân là đất rừng, tuy nhiên trong suốt thời gian dài, chính quyền xã Minh Trí cũng như huyện Sóc Sơn đều thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng các công trình tại đây là đất ở.

Đồng thời, khi thực hiện thu thuế sử dụng đất thì mức thu đất ở chứ không phải thuế đất lâm nghiệp. Nhưng do vướng quy hoạch là đất rừng phòng hộ nên các hộ dân không thể làm sổ đỏ để thế chấp vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế. Ước mơ làm giầu từ rừng của người dân Minh Tân bị dang dở.

Cần chính sách phù hợp

Ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí (Sóc Sơn) cho biết, trước việc người dân bức xúc, chính quyền xã đã gặp gỡ tuyên truyền vận động để ổn định tình hình trật tự địa phương. Mặt khác, phía UBND xã đã làm văn bản kiến nghị với cấp có thẩm quyền về Kết luận Thanh tra thành phố.

“Chúng tôi cũng đang kiến nghị để làm sao các cấp có thẩm quyền có một chính sách phù hợp nhất với bà con nhân dân, vì ở Minh Tân có đặc thù riêng. Nguyện vọng của người dân có tấm “sổ đỏ” cũng là chính đáng.

Cùng với đó, chính quyền cũng đề nghị các cấp làm sao sớm giao đất giao rừng cho bà con, cho tách thửa đất đối với một số hộ. Những bất cập nêu trên nếu để kéo dài không được xem xét giải quyết kịp thời dễ làm bất ổn tình hình an ninh trật tự trên địa bàn", vị Chủ tịch xã bày tỏ nghi ngại.

Do không chấp nhận kết quả thanh tra, mới đây người dân Minh Tân đã làm đơn tập thể gửi Chủ tịch UBND thành phố mong mỏi được xem xét vụ việc thấu đáo hơn. Tiếp nhận đơn thư của người dân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Văn phòng UBND thành phố ra văn bản số 3923/VP-BTCD ngày 6/5/2019 yêu cầu Thanh tra thành phố cùng Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn mời người dân đối thoại, trả lời công dân, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố.

Trước thông tin này, ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Minh Tân cho biết, tiếp tục hy vọng vào lần đối thoại này và nhấn mạnh, diện tích đất của thôn nằm trong quy hoạch rừng lỗi không thuộc về người dân mà do các cơ quan chức năng khi làm quy hoạch đã xa rời thực tế, dẫn đến người Minh Tân lâm vào cảnh bị bỏ quên dở khóc, dở cười như hiện nay.

Trước năm 1988, toàn huyện Sóc Sơn chỉ có 234 ha đất có rừng, còn lại phần lớn diện tích đất trống đồi núi trọc, hoang hóa. Nhưng đến nay tại huyện Sóc Sơn, cơ bản đất trống đồi núi trọc đã được rừng che phủ. Có được điều này không thể phủ nhận công lao của những người dân đi xây dựng kinh tế mới bỏ sức trồng rừng và giữ rừng như người dân thôn Minh Tân. Vì vậy, vấn đề cần được cơ quan chức năng xem xét một cách thấu đáo để gỡ vướng cho người dân Minh Tân.

Mạnh Khánh - Văn Cảnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phong-su-dieu-tra/noi-niem-nguoi-dan-khai-hoang-kinh-te-moi-o-thon-minh-tan-soc-son-20190510090605496.htm