Nỗi niềm lao động xa quê: Trở về hay ở lại?

Nhà là nơi để trở về, gia đình là những người để yêu thương. Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là được trở về bên gia đình của mình. Mong muốn ấy lại càng lớn hơn với những công nhân làm việc xa quê mỗi dịp Xuân về, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. Cũng như những người khác, những ngày này khi Tết nguyên đán đã cận kề, lựa chọn về hay ở vẫn là trăn trở của khá nhiều người con xứ Nghệ đang tha phương...

Dịp Tết đến xuân sang là lúc mỗi người nhớ về cội nguồn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình và ai cũng muốn trở về để đoàn viên cùng gia đình, người thân. Với những người con vì mưu sinh phải rời xa quê hương để làm việc, cuộc sống của họ vẫn còn rất nhiều khó khăn, quyết định về quê ăn Tết là không dễ dàng. Sau những trăn trở, có những người đã lựa chọn trở về nhưng cũng có không ít người nén nhớ thương chấp nhận ở lại ăn Tết xa nhà.

Háo hức chờ ngày đoàn viên

Gọi điện về cho mẹ, chị Nguyễn Thị Loan (26 tuổi, quê ở Võ Liệt, Thanh Chương hiện đang làm việc tại Bình Dương) không giấu được sự vui mừng khi thông báo năm nay sẽ về quê ăn Tết với bố mẹ và các em. Bà Mai – mẹ chị chia sẻ với chúng tôi: “Cái Loan đi làm trong Bình Dương cũng được 5 năm rồi nhưng chưa năm nào được về quê ăn Tết. Nó đi làm quanh năm vất vả, chỉ mong kiếm tiền gửi về phụ bố mẹ nuôi các em, vậy mà lúc cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng thì nó lại phải đón giao thừa một mình”. Bà Mai vừa nói vừa rưng rưng nước mắt. “Mấy hôm trước nó gọi về, nó bảo 26 này được nghỉ nhưng năm nay Công ty nó khó khăn, tiền lương cũng không được như mọi năm nên mặc dù từ năm ngoái đã hẹn năm nay sẽ về quê ăn Tết nhưng nó cũng chưa quyết định được. Hôm nay chắc nó nhớ nhà quá nên về. Thôi nghèo chút cũng được chú ạ, tiền bạc bao giờ cho đủ, Tết nhất rồi, về cho có mẹ có con”.

Tết đến cận kề, nhưng nhiều công nhân làm ăn xa vẫn chung một nỗi niềm về hay ở?

Tết đến cận kề, nhưng nhiều công nhân làm ăn xa vẫn chung một nỗi niềm về hay ở?

Trong khi đó, trên trang cá nhân của chị Trần Thị Vân (30 tuổi, quê ở Yên Thành, Nghệ An hiện đang làm việc tại Long Thành, Đồng Nai) những ngày gần đây, ngoài hình ảnh về gia đình hạnh phúc với chồng và 2 con, một gái một trai thì còn có những hình ảnh về ngôi nhà, về cánh đồng lúa xanh mướt của bố mẹ chị ở quê cùng những dòng chia sẻ xúc động “Háo hức chờ ngày về. 6 năm kể từ ngày vào Đồng Nai làm việc và lập gia đình, đến nay con trai đã được tuổi, con gái cũng đã bi bô biết gọi mẹ nhưng vẫn chưa có lần nào được về ăn Tết cùng bố mẹ dù muốn lắm, nhớ lắm. Tết năm nay dù nghèo, gia đình em vẫn quyết định tha (đưa –PV) nhau về quê ăn Tết, để các cháu được gặp ông bà, họ hàng, để được biết quê hương bản quán”.

Cũng chung sự mong chờ đến ngày về, cùng khu trọ với chị Vân, mấy hôm nay, cứ hết giờ làm, anh Hoàng chị Mai (25 tuổi, cùng quê Diễn Châu, Nghệ An) lại tranh thủ cùng nhau đi dạo ở chợ đêm và shop quần áo trẻ em gần khu trọ để mua quần áo cho con gái. Lấy nhau cách đây 3 năm khi đang là công nhân, khi có con, chị Mai về nhà sinh nở rồi gửi bé cho ông bà hai bên để tiếp tục vào đây kiếm tiền gửi về nuôi con bởi “Ở nhà, ruộng ít, lại khó, 2 vợ chồng biết làm gì mà nuôi con”. Bây giờ khi con gái đã chập chững biết đi, anh chị vẫn chỉ mới gặp con qua những cuộc gọi. Bao nhiêu nhớ thương dồn lại, anh chị gom góp tiết kiệm cả năm nay để dành tiền về ăn Tết cùng con.

Gửi yêu thương theo những món quà

Bên cạnh những người cố gắng gom góp để chuẩn bị về quê như chị Loan, chị Vân hay vợ chồng anh Hoàng chị Mai, vẫn còn rất nhiều người con xa quê chẳng dám về, chỉ biết gói gọn chút quà bánh, chút “nắng ấm” của phương Nam cho người thân nơi quê nhà.

“Cứ mỗi khi Tết đến lại chạnh lòng, muốn về lắm nhưng vì còn nghèo nên phải cố gắng. Một lần về thì tiền vé đã gần 4 triệu, rồi tiền mua sắm quà bánh, tiền tiêu Tết nữa. Tổng lại ít nhất cũng phải mười, mười lăm triệu. Lương công nhân ba cọc ba đồng, phải cố gắng tăng ca để kiếm thêm tiền nên nghĩ tiêu từng đó tiền thì lại không nỡ, thà gửi tiền đó về cho bố mẹ lo việc trong nhà” – chị Phương (22 tuổi, quê Thạch Hà, Hà Tĩnh hiện đang làm việc ở Bình Dương” chia sẻ. Không về quê ăn Tết, nhưng cách đây mấy hôm, tranh thủ ngày nghỉ đổi ca, chị Phương đã kịp ra chợ mua sắm ít quần áo cho các cháu và bố mẹ ở quê để gửi về làm quà.

Có những công nhân đi làm ăn xa, tận 5-6 năm chưa trở về quê đoàn viên dịp Tết bới vé xe quá đắt đỏ so với ngày thường

Trên diễn đàn Hội đồng hương Hương Sơn làm việc xa quê, khi câu hỏi “Tết này bạn có về không?” được đăng lên, đã có rất nhiều câu trả lời và nhiều tâm sự được chia sẻ. Tài khoản facebook MaiMai ngậm ngùi “Nhớ con lắm rồi. Nhà chỉ có 2 mẹ con, khi con mới được 9 tháng phải gửi cho ông bà ngoại để mẹ đi làm kiếm tiền. Tết nào gọi điện về nhà cũng khóc, cũng hứa với con gái là năm sau sẽ về, nhưng giờ con sắp đi học lớp một rồi mà mẹ vẫn chưa thể về. Năm nào cũng gửi quà bánh về cho con, gửi tiền về cho ông bà lo Tết đầy đủ, nhưng có lẽ chẳng thể bằng mẹ con được gặp nhau. Cả nhà mình cố gắng thêm năm nay nữa thôi, Tết năm sau mẹ nhất định sẽ về với con. Con gái yêu của mẹ”. Hình đại diện của chị là một bé gái xinh xắn mặc chiếc áo dài ngày Tết cười rạng rỡ làm dáng trước sân nhà.

Không sướt mướt như vậy nhưng câu trả lời của tài khoản facebook Trung Kiên nhận được nhiều chia sẻ từ các thành viên “Một năm kinh tế buồn. Tăng ca nhiều nhưng tiền trọ tăng, điện tăng, nước tăng, xăng cũng tăng, cái gì cũng tăng chỉ có ví tiền là không tăng. Thôi thì lại bài ca cũ “Mẹ ơi xuân này con vắng nhà”. Bánh kẹo, quần áo làm quà thì đã có các anh vận chuyển gửi về, gửi thêm chút nắng trong này nữa là gia đình được cái Tết no đủ. Trong này Tết cũng ấm thôi - có anh em đồng hương nào cũng ở Bình Dương năm nay không về Tết thì đăng ký lại đón giao thừa cho có không khí nhé”.

Những người con xa quê, ai cũng có những nỗi niềm riêng. Người về quê vui vì sắp được đoàn viên nhưng vẫn còn trăn trở chuyện tiền bạc, người ở lại đau đáu nỗi niềm nhớ thương quê nhà, lạc lõng giữa cái tết tha phương. Tết xa quê vẫn có thịt mỡ dưa hành, bánh chưng,… có chúc tết thăm hỏi qua lại nhau, nhưng có lẽ ai cũng mong cái tết đoàn viên bên gia đình. Xuân mới đang về trên khắp mọi miền, mong rằng tất cả những người công nhân dù đón tết xa quê hay được sum vầy đoàn viên cùng gia đình đều có một cái tết ấm áp, an lành; mong một năm mới ngày càng sung túc hơn sẽ đến với mọi người để Tết năm sau không còn ai phải đắn đo lựa chọn tết… về hay ở.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/noi-niem-lao-dong-xa-que-tro-ve-hay-o-lai-post55135.html