Nỗi niềm lăng đá Quận Vân

Quần thể lăng đá quận Vân (thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1733. Được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh rồi lại cấp quốc gia từ năm 2003, thế nhưng đến nay, di tích dần bị xuống cấp, hễ mưa là ngập chìm trong nước.

Ông Tuân bên nhà bia của lăng mộ Quận Vân.

Ông Tuân bên nhà bia của lăng mộ Quận Vân.

Chủ nhân nằm trong ngôi mộ đá là Quận công Đỗ Bá Phẩm. Quận công quê gốc ở làng Vân La thuộc Tổng Vân (nay thuộc xã Hồng Vân ) nên người dân quen gọi là Quận Vân. Quận Vân từng giữ chức trấn thủ trấn Sơn Nam. Ông đã được chúa Trịnh Cương giao cho làm chức Tư giảng, chuyên dạy dỗ thế tử Trịnh Giang. Năm 1732 thế tử Trịnh Giang lên ngôi chúa. Trịnh Giang đã giáng vua Lê Duy Phường xuống làm Hôn Đức Công. Các đại thần Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn bị sát hại. Và đến lượt Quận công Đỗ Bá Phẩm bị phế chức trấn thủ Sơn Nam. Sau đó bắt phải chết.

Người tự nguyện trông coi di tích lăng mộ đá Quận Vân suốt từ năm 1992 đến nay là ông Trương Văn Tuân, năm nay 89 tuổi. Khi tôi đến nhà hỏi chuyện, ông Tuân thoáng đăm chiêu rồi chậm rãi: “Kể chuyện lăng mộ đá thì cái bụng già nó buồn lắm. Kể trong nhà già thì buồn lắm. Thôi đừng kể trong nhà, ta ra ngoài lăng mộ để cái buồn nó trôi theo dòng kí ức…”. Rồi ông đạp xe đưa tôi ra lăng đá.

Lăng mộ đá Quận Vân rộng gần 2.000m2. Trong quần thể lăng hiện có nhiều di vật đá như chó đá cao 0,8m ngồi chầu, cổ đeo 3 chuông, 2 tượng lính gác cao 1,8m; 2 sập đá hình trụ đứng có bề mặt dày 0,76m; rộng 0,74m; cao 0,78m; 1 bệ thờ hoa sen cao 1,45m; dài 1,68m; rộng 1,2m; dài 1,5m; 2 tượng voi đá nằm phục cao 1,5m; dài 2.2m; 2 tượng ngựa đá cao 1,3m; dài 2,85m; 1 sập đá; 2 con nghê cao 1 mét. Nhà bia được lắp ghép bằng hơn 20 mảnh đá đục đẽo chuẩn xác, cầu kì. Nhà cao 3,4m; dài 2,62m; rộng 2,24m. Có thể nói, lăng đá Quận Vân là công trình nghệ thuật điêu khắc độc đáo, một biểu hiện tiêu biểu của nền văn hóa thời Lê Trung Hưng. Nó được thể hiện bằng những họa tiết, hoa văn điêu khắc rất tinh tế trên mỗi sản phẩm đá ở lăng Quận Vân như hình rồng chầu, nghê đá, chó đá, mang đậm dấu ấn thuần Việt của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Một công trình nghệ thuật kiến trúc có giá trị lịch sử như thế, ấy nhưng theo ông Tuân, nó đã bị “người ta” lãng quên. Trung bình, cứ một năm có tới 5 đến 6 trận mưa, cả khu lăng đá Quận Vân gần như chìm sâu trong biển nước. Có những trận mưa lớn, nước từ khắp nơi đổ về, không có lối thoát, ngập đến nửa người tượng, voi, ngựa. Khi nắng lên, nước có dấu hiệu rút dần, để lại những vũng bùn lầy lội, nhem nhuốc... Ông Tuân đưa ánh mắt nhìn xung quanh một lượt lăng mộ đá, bất giác thở dài: “Bây giờ, sức khỏe chẳng còn như trước nữa nên đôi khi nhìn thấy việc muốn làm mà lực bất tòng tâm”.

Ông Tuân kể: “Năm 1914, một trận lụt kinh hoàn làm vỡ đê Xâm Thụy, một khối lượng lớn đất phù sa tràn về, khiến toàn bộ khu lăng mộ đá Quận Vân bị chôn vùi. Mấy chục năm sau, đến năm 1985, trong quá trình cải tạo khu đất trên đê canh tác, lăng mộ đá lại hiện ra. Khi già ra trông coi đã phải dọn dẹp đám cỏ mọc lút lối đi, rắn rết bò lổm ngổm”.

Tấm bằng Di tích Quốc gia lăng đá Quận Vân treo nhờ nơi khác.

Ông Tuân cho biết, đã nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền cho xây tường bao, đào hồ trông sen ở hai bên khu lăng đá Quận Vân vừa tạo cảnh quan vừa làm nơi trữ nước khi mưa nhưng không được chấp thuận vì lý do không có kinh phí. Có người không thông cảm còn nói ông Tuân lẩm cẩm. Ông Tuân đành tự xoay xỏa dành dụm thiết kế vài ba chi tiết thêm để lăng đá đỡ xuống cấp. Dưới bàn tay cần mẫn của ông, cây bàng, khóm tre, cây xoài, cây đa tai tượng đã cao to, tỏa bóng xuống cả khu lăng đá, che mát linh hồn Quận Vân, những người đến tham quan cũng có ghế ngồi.

Năm 2007, để tạo cho khu lăng thêm vẻ đẹp hài hòa, ông Tuân tự bỏ ra mấy triệu đồng thuê một tốp thợ về đắp hòn non bộ ngay trước khu bàn ghế nước. Tất cả hòn non bộ đều được ông Tuân thiết kế bằng chất liệu đá. Phía nhà bia tám mái, khu hương án đã được mắc bóng điện chiếu sáng. Tiền điện thắp sáng lăng cũng cho ông tự bỏ tiền ra chi trả. Ngược lại, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, người dân thì dửng dưng với một Di tích cấp quốc gia. Như một mặt nước chẳng hề gợn sóng, ông Tuân vẫn lặng lẽ trông coi và bảo vệ lăng cho đến lúc sức tàn lực kiệt. Bất giác tôi nghĩ, giữa việc làm và hành động của lão nông dân Trương Văn Tuân với vị Quận công nằm dưới lớp đất đá kia, sao không phải huyết thống mà lại có duyên nợ đến vậy?

Nhìn hình ảnh ông Trương Văn Tuân lặng lẽ trông coi, dọn dẹp khu lăng đá, chúng tôi cứ thấy dâng lên một nỗi buồn xa xót. Nay đã 89 tuổi, vậy mà chưa bao giờ và chưa khi nào, ông có được một người đi chung, vẫn như vị lữ khách mê mải độc hành trên hành trình âm thầm bảo vệ lăng đá.

Hồ Phương Phúc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/noi-niem-lang-da-quan-van-tintuc431687