Nỗi niềm hai nhà sáng chế 'chân đất'

Triển lãm quốc tế chuyên ngành thiết bị và công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản (GrowTech 2017) được tổ chức đầu tháng 12/2017 lần đầu tiên giới thiệu những công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, trong số hàng trăm gian hàng, người ta thấy sự thiếu vắng của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, chiếm phần lớn là công nghệ đến từ Trung Quốc, Israel, Hà Lan,… Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của hai nhà sáng chế nông dân khiến nhiều người chú ý. Nhưng đằng sau câu chuyện sáng chế của họ cũng có không ít nỗi niềm.

Những sáng chế từ thực tiễn

Mới học hết lớp 7, chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo chuyên ngành nào nhưng những sáng chế của anh Phạm Văn Hát, sinh năm 1972, quê ở xã Ngọc Kỳ (Từ Kỳ - Hải Dương) khiến nhiều người thán phục.

Anh Phạm Văn Hát giới thiệu chiếc máy phun thuốc trừ sâu mới sáng chế.

Cơ duyên đưa anh Hát đến với công việc sáng chế là từ năm 2007, khi đó anh và anh trai đầu tư 3 tỷ đồng để trồng rau an toàn nhưng thất bại do những đầu mối chỉ lấy thương hiệu để bán hàng còn không nhập rau từ trang trại. Nợ nần chồng chất, anh quyết định sang Israel để vừa lao động kiếm sống, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Tại đấy, “cái duyên” sáng chế máy nông cụ của Phạm Văn Hát đã được phát lộ trong một hoàn cảnh không ngờ.

Đó là trong một lần anh được ông chủ yêu cầu đi rải phân. Thấy cái máy làm việc ì ạch nên anh Hát ra hiệu với ông chủ cần cải tiến, hoặc làm cái máy khác. Sau khi được ông chủ đồng ý, anh ngày đêm thiết kế, tính toán số liệu và bắt tay vào chế tạo chiếc máy rải phân. Máy làm xong, đem ra cánh đồng thử nghiệm mang lại kết quả bất ngờ. Ông chủ thưởng anh 10.000USD và đề nghị được mua bản quyền; đồng thời nâng lương cho anh từ 1.000USD lên 2.500USD (năm 2010).

Năm 2012, dù đang rất thành công ở nước bạn nhưng anh Hát vẫn về nước, tiếp tục công việc trồng rau. Trong một lần thấy anh trai vất vả đi tìm người gieo hạt cho kịp thời vụ, anh nảy ra ý tưởng chế ra chiếc máy rải hạt. Hơn một năm nghiên cứu, chiếc máy gieo hạt đầu tiên ra đời trong niềm vui của hai anh em.

Năm 2014, chiếc máy gieo hạt lần đầu xuất hiện trên thị trường và được nhiều người đặt mua. Anh gọi sản phẩm của mình là “Robot đặt hạt”. Ưu điểm của máy là có thể điều chỉnh đặt hạt chính xác theo cự ly định sẵn. Một “Robot đặt hạt” của anh thay thế được cho 40 người làm việc.

Không dừng lại ở đó, Phạm Văn Hát còn sáng chế máy phun thuốc trừ sâu có giá 65 triệu đồng. Máy phun có sải cánh bề ngang 20m, mỗi lượt phun được 20m. Với thời gian 20 phút, máy phun được 2 mẫu ruộng, có thể thay thế cho 40 lao động. Bánh xe của máy có đặc trưng khi hoạt động dưới ruộng không chèn lên lúa, thiết kế phi trục nhỏ, trên bánh xe có gắn các vấu để máy có thể vượt qua các chướng ngại vật một cách dễ dàng. Đặc biệt, hệ thống điều khiển cánh tay phun được thiết kế bằng thủy lực nên vận hành rất nhẹ nhàng, thuận tiện.

Sau 5 năm miệt mài lao động, đến nay, Phạm Văn Hát không những trả được hết khoản nợ mà còn có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương. Hơn 30 loại máy đã được chế tạo từ đôi bàn tay của anh. Riêng robot gieo hạt đã bán cho 14 nước với giá 2.500 USD/chiếc.

Máy cấy không động cơ, dễ sử dụng, giá thành rẻ của anh Trần Đại Nghĩa - nông dân xã Đông Hoàng (Tiền Hải - Thái Bình) được giới thiệu tại hội chợ cũng khiến nhiều người thán phục.

Anh Nghĩa cho biết, ý tưởng sáng chế ra máy cấy được bắt đầu từ hơn 10 năm nay, lúc đầu anh định làm sản phẩm có động cơ, nhưng nghĩ cuộc sống của người trồng lúa còn khó khăn nên anh quyết định sáng chế các sản phẩm không có động cơ, vừa rẻ, vừa thân thiện với môi trường.

Bao đêm thức trắng, Nghĩa tự tay thiết kế rồi hàn gắn, lắp ghép từng chi tiết. Sau nhiều lần mày mò, làm đi làm lại đến cả chục lần, gần 2 tháng sau, chiếc máy cấy lúa ra đời. Những ngày đầu, Nghĩa cho chạy thử nghiệm ngay trên ruộng lúa nhà mình. Những sai số dần được anh khắc phục, chỉnh sửa cho hoàn chỉnh. Và rồi vụ mùa năm 2014, chiếc máy cấy đầu tiên không sử dụng động cơ của Nghĩa hoạt động tốt khiến nhiều người bất ngờ và thán phục.

Sản phẩm máy cấy không động cơ có công suất tối thiểu 400 – 500m2/giờ, trọng lượng của máy cũng rất nhẹ, nhẹ nhất là 20 kg và nặng nhất là 40 - 45 kg nên dễ di chuyển tại nhiều địa hình khác nhau, kể cả ruộng lầy, thụt. Đặc biệt, chiếc máy cấy này ai cũng có thể sử dụng được, cho hàng lúa rất đều, khoảng cách hàng với hàng, cây với cây không quá lớn như các máy cấy nhập khẩu.

Anh Trần Đại Nghĩa giới thiệu chiếc máy cấy không động cơ tại GrowTech 2017.

Theo anh Nghĩa, sử dụng chiếc máy này, bà con chỉ cần gieo mạ nền cứng theo từng ô là được. Qua thử nghiệm, mỗi giờ đồng hồ máy cấy được gần 1 sào ruộng (1 sào Bắc Bộ = 360m2).

Nhờ những tính năng ưu việt đó, chiếc máy này đã được nhiều người nông dân lựa chọn. Anh Nghĩa hiện nhận được đơn đặt hàng từ nhiều nông dân ở khắp cả nước. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn mở rộng sản xuất nên anh chưa đáp ứng hết được nhu cầu của mọi người. Với 7 nhân công lao động, mỗi tháng anh chỉ sản xuất được 30 chiếc máy cấy phục vụ bà con.

Sau mỗi năm đồng hành cùng bà con, chiếc máy lại được cải tiến sao cho hiệu quả nhất. Đến thời điểm này, anh Nghĩa đã bán được 6.000 -7.000 sản phẩm, giá bán từ 3,9-12 triệu đồng/máy, tùy địa hình, thổ nhưỡng vùng miền, từng loại giống.

Trăn trở chuyện bản quyền

Miệt mài với công việc sáng chế nhưng cả anh Hát và anh Nghĩa đang gặp khó khăn về vấn đề bản quyền cũng như cơ chế hỗ trợ. Anh Hát thừa nhận, ngoài những động viên, khích lệ về mặt tinh thần, đến thời điểm này, anh chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào về vốn, mặt bằng từ Nhà nước, dù những chính sách hỗ trợ đã được ban hành.

Đó là chưa kể, việc cấp bản quyền sáng chế lại vô cùng máy móc và khó khăn. Đã 3 – 4 năm nay, anh Hát làm thủ tục đăng ký bản quyền cho chiếc máy gieo hạt nhưng vẫn chưa có kết quả, trong khi đó, ở Israel, chỉ sau 3 tháng đã được cấp bản quyền.

“Tôi đã từng nhận được nhiều sự đãi ngộ khi làm việc ở nước bạn nên nhiều khi thấy tủi thân. Cách đây hơn 1 tháng, có 1 tập đoàn máy nông nghiệp của Mỹ mời tôi sang làm nghiên cứu với mức lương 7.000 USD/tháng nhưng ở Việt Nam tôi chưa nhận được sự hỗ trợ nào”, anh Hát nêu một thực tế.

Cũng theo anh Hát, nói cơ khí nông nghiệp Việt Nam không phát triển là không đúng vì đã có nhiều sáng chế của nông dân được thế giới biết đến. “Vấn đề là các ngành quản lý không nhìn ra sản phẩm có thế mạnh, không có cơ chế hỗ trợ để có thể sản xuất ra hàng loạt. Ở nhiều quốc gia, khi nông dân sáng chế như vậy sẽ được nhà nước hỗ trợ về công nghệ, tài chính để hạ giá thành sản phẩm, giúp sản phẩm đến được với nhiều người”, anh Hát nói.

Tương tự, anh Nghĩa cho biết, anh gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề đăng ký bản quyền. “Tôi đã gửi đăng ký sáng chế độc quyền từ năm 2015 nhưng đến giờ vẫn chưa được cấp. Máy móc chế tạo có hiệu quả, doanh nghiệp không thể cất trong ngăn kéo được, nhưng theo quy định thì phải chờ, kiểm tra xem đã có máy đó chưa nên tôi đành phải đợi. Tôi nghĩ, ngành chức năng cần có cơ chế bảo vệ những sản phẩm như thế vì thực tế sản phẩm của chúng tôi vừa ra thị trường đã có nhiều máy bị làm nhái, chúng tôi phải tự bảo vệ mình bằng cách giữ lại một vài bí kíp và luôn luôn tự đổi mới sản phẩm”, anh Nghĩa cho biết.

Bên cạnh đó, những cơ sở cơ khí như của anh Nghĩa và anh Hát đang gặp khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất. Cho đến nay, cả hai người chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nào, toàn bộ là nguồn vốn cá nhân. “Chúng tôi mong muốn nhà nước có cơ chế nào đó hỗ trợ nhà sáng chế, áp dụng từ thực tiễn công việc, tạo ra sản phẩm phù hợp cho công việc, tăng năng suất lao động thì phải có hỗ trợ phù hợp”, anh Hát bày tỏ.

Thay cho lời kết

Chỉ qua một hội chợ triển lãm thấy ngành cơ khí nông nghiệp đã hoàn toàn thua trên sân nhà, trong khi những sáng chế hiệu quả lại chưa được ghi nhận. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện thị trường Việt Nam có 67% số máy nông nghiệp nhập từ nước ngoài. Mỗi năm, nước ta phải tốn vài chục tỷ USD nhập máy móc, thiết bị để xây dựng các công trình, phát triển các ngành công nghiệp trong nước, trong khi ngành cơ khí chế tạo Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Còn các nhà sáng chế, họ vẫn miệt mài với công việc sáng tạo, những sản phẩm của họ âm thầm đi vào đời sống, sản xuất của người nông dân và phát huy hiệu quả.

Hơn lúc nào hết, những nhà sáng chế này cần phải được ghi nhận đúng nghĩa, trên nhiều mặt, chứ không chỉ dừng lại ở một vài tấm giấy khen.

Anh Thơ

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/noi-niem-hai-nha-sang-che-%E2%80%9Cchan-dat%E2%80%9D-post9853.html