Nỗi niềm di sản Ba Chẽ

Ba Chẽ không chỉ là vùng đất tươi đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn là nơi ghi dấu đậm đặc các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá. Địa phương này thời gian qua cũng đã triển khai rất nhiều các hoạt động thiết thực để bảo vệ và phát huy vốn quý văn hóa của mình, tuy nhiên về nội dung này hiện vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

Điệu múa dân tộc của người Dao xã Nam Sơn trong Lễ hội Trà hoa vàng 2018.

Điệu múa dân tộc của người Dao xã Nam Sơn trong Lễ hội Trà hoa vàng 2018.

Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Chẽ cho biết: Ba Chẽ đã thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong đó tích cực sưu tầm, phục dựng các giá trị bị mai một; mở lớp truyền dạy giá trị văn hóa cho người trẻ; xây dựng điểm từ đó nhân rộng các mô hình sinh hoạt văn hóa dân tộc; quan tâm đội ngũ nghệ nhân; đầu tư tôn tạo, hoàn thiện các hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích...

Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, huyện Ba Chẽ dành kinh phí mở gần 100 lớp dạy tiếng Dao, may thêu trang phục dân tộc, nấu các món ăn truyền thống, dạy hát, múa và thực hiện nghi thức tế lễ, tái hiện các lễ hội... Trong điều kiện ngân sách của huyện còn khó khăn, tuy nhiên Ba Chẽ đã dành cả chục tỷ đồng để thực hiện công tác quy hoạch, cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ, tôn tạo, xây mới kiến trúc di tích... miếu Ông, miếu Bà, đình Làng Dạ, lò gốm sứ cổ, di tích khu căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp của tỉnh Hải Ninh...

Di tích miếu Bà được phục dụng với lối kiến trúc phù hợp địa hình và cảnh quan tự nhiên.

Năm 2019, Ba Chẽ mời nghệ nhân tỉnh Cao Bằng, Hà Giang về truyền dạy điệu múa, hát nhập đồng nhảy lửa, múa bắt rùa, trò diễn Chay tú sấy, nghệ thuật đẽo mặt nạ, trò chơi vật chày...; phục dựng lễ hội Bàn Vương, làm đường, xây dựng miếu thờ Bàn Vương tại xã Nam Sơn; hỗ trợ các nhóm văn nghệ tập luyện điệu múa tắc xình, múa chuông, múa lên nương, nghi lễ đón dâu...

Từ những nỗ lực trên, hiện nét văn hóa dân tộc vẫn là điểm nhấn trong đời sống xã hội Ba Chẽ. Sự hiện diện của ngôn ngữ truyền thống, trang phục truyền thống, món ăn truyền thống, điệu nhảy, bài hát múa truyền thống... khá phổ biến. Tại nhiều thôn, khe, trong các dịp quan trọng, người dân vẫn tổ chức hát lẩu then, hát pả dung (hát đối), đàn tính, múa rùa, diễn trò Chay tú sấy... 8 câu lạc bộ văn hóa phi vật thể của huyện hiện hoạt động đều tay, có hạt nhân và những tiết mục tiêu biểu.

Cả 4 di tích lớn của Ba Chẽ là cụm miếu Ông, miếu Bà, đình Làng Dạ, lò gốm sứ cổ, khu căn cứ cách mạng của tỉnh Hải Ninh đều đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Riêng cụm di tích miếu Ông, miếu Bà từ phế tích đã được phục dựng, trở thành điểm tín ngưỡng có kiến trúc, cảnh quan độc đáo, có vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng người dân Ba Chẽ. Hiện cụm di tích này đang được Ba Chẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục để đề nghị trung ương xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Một gia đình người Dao xã Nam Sơn làm lễ cấp sắc.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng mừng, tuy nhiên hiện việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vật thể và phi vật thể của huyện Ba Chẽ vẫn còn gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết: Chúng tôi rất trăn trở việc một bộ phận người dân hiện nay chưa thực sự mặn mà, tiếp nhận và phát huy vốn văn hóa truyền thống. Ngày càng nhiều nam giới và người trẻ tuổi không thích mặc trang phục dân tộc, chưa hiểu và cảm nhận hết cái đẹp của những điệu múa, hát, lễ hội truyền thống, vốn ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết dân tộc...

Bên cạnh đó hiện 2 di tích quan trọng của huyện là khu căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp của tỉnh Hải Ninh tại xã Lương Mông và Minh Cầm và lò gốm sứ cổ chưa được đầu tư xứng tầm. Riêng lò gốm sứ cổ là di tích có giá trị nhiều mặt, đặc biệt về kỹ thuật chế tác gốm sứ Quảng Ninh.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 15 di tích lò gốm sứ cổ tuy nhiên đều là phế tích, không còn hiện vật. Duy nhất lò gốm sứ cổ Ba Chẽ còn nguyên hệ thống hiện vật giá trị là khu chế tác, bể ngâm, tráng men, sàn, bãi tập kết, chứa sản phẩm, bát đĩa, bầu lò... Đặc biệt hệ thống 17 bầu lò theo kiểu lò rồng xếp liên tiếp nhằm tiết kiệm nhiên liệu và thời gian nung cho thấy kỹ thuật sản xuất tiên tiến của lò gốm này.

Hiện lò gốm sứ cổ còn hệ thống các hạng mục chế tác khá nguyên vẹn, tuy nhiên hiện đang bị bỏ hoang, có nguy cơ mai một. Ảnh: Công Thành

Khẳng định rằng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Ba Chẽ rất giàu có. Các di sản này cần được tăng cường hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị để từ đó làm tư liệu văn hóa lưu truyền trong thế hệ mai sau, đồng thời làm chất liệu phát triển du lịch theo định hướng mà địa phương này đã đề ra.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201912/noi-niem-di-san-ba-che-2464968/