Nỗi niềm bóng đá Quảng Ninh

Đơn kiến nghị cùng 10.000 chữ ký của các cổ động viên đã và đang được tập hợp lại, gửi đến các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh như một lời 'kêu cứu' của bóng đá địa phương này.

Đơn kiến nghị cùng 10.000 chữ ký của các cổ động viên đã và đang được tập hợp lại, gửi đến các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh như một lời “kêu cứu” của bóng đá địa phương này.

CĐV Than Quảng Ninh là linh hồn của đội bóng đất Mỏ.

CĐV Than Quảng Ninh là linh hồn của đội bóng đất Mỏ.

Năm 2014, Than Quảng Ninh thăng hạng lên chơi V.League đã mang đến một màu sắc mới. Bóng đá được xem là một sức sống mới cho đất Mỏ, bởi mỗi ngày cuối tuần là một ngày hội ở sân Cẩm Phả. Đây cũng là nơi ghi nhận số lượng lớn về cổ động viên được tập trung một cách bài bản và có tổ chức. Ngay cả việc Than Quảng Ninh đi thi đấu ở các tỉnh xa, Hội CĐV vẫn luôn đồng hành.

Không chỉ dừng lại ở đó, những chương trình thiện nguyện, những hoạt động gắn kết giữa cầu thủ và cổ động viên đã mang đến cho bóng đá Than Quảng Ninh là hình mẫu ở V.League. Những màu xanh ở sân Cẩm Phả chính là đặc sản ở V.League. Đó là sức sống mới cho bóng đá Việt Nam trong suốt một thời gian dài. Khán giả là tài sản và các cầu thủ Than Quảng Ninh cũng luôn ý thức được điều này qua từng mùa giải.

Sau 7 mùa lên chơi ở V.League, Than Quảng Ninh trở thành một thế lực mới của bóng đá Việt Nam khi luôn nằm trong nhóm cạnh tranh chức vô địch. Chức vô địch Cúp Quốc gia 2016 là một sự ghi nhận cho những gì mà đội bóng đất Mỏ đã cống hiến. Cũng bằng đó thời gian, những tên tuổi gắn liền với bóng đá Quảng Ninh như HLV Phan Thanh Hùng, các cầu thủ Nguyễn Hải Huy, Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Huỳnh Tuấn Linh… đã trở thành biểu tượng ở sân Cẩm Phả.

Tuy nhiên, Than Quảng Ninh đã không giữ vững được phong độ. Ở nhiều thời điểm, lãnh đạo đội bóng cũng như các cầu thủ đã không còn nhìn lên khán đài mà đá. Đỉnh điểm chính là ở mùa giải 2020 vừa qua. Sau khi đã giành vé vào top 8 đội dẫn đầu, đủ điều kiện trụ hạng, lãnh đạo đội bóng Than Quảng Ninh đã cho Hải Phòng mượn 3 cầu thủ tốt nhất là Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú và Fagan. Điều này đã khiến nhiều cổ động viên không hài lòng. Họ cho rằng đội bóng không có động lực thi đấu vì chức vô địch, vì người hâm mộ. Đó là việc coi thường khán giả.

Cổ động viên Vũ Thị Thúy với câu hát cổ vũ nổi tiếng “bay lên trời, bay ra ngoài” đã phải viết tâm thư rời bỏ cuộc chơi, không tham gia cổ vũ cho đội bóng. Đó là một trong số nhiều những cổ động viên không còn mặn mà với đội bóng khi họ bị rơi vào tột cùng của sự thất vọng với những chính sách không vì người hâm mộ của lãnh đạo đội bóng.

Kết thúc mùa giải 2020, Than Quảng Ninh xếp thứ 4, và vấn đề của đội bóng chính là những kế hoạch không có tương lai ở mùa giải mới. Một loạt các cầu thủ ra đi như: Thủ môn Huỳnh Tuấn Linh, Dương Thanh Hào, Jermie Lynch, Quách Tân… Thậm chí có cả thông tin về việc HLV Phan Thanh Hùng đã quan tâm đến lời mời của các đội bóng khác tại V.League.

Nỗi thất vọng lên đến đỉnh điểm chính là cuộc phát động lá đơn kiến nghị cùng 10.000 chữ ký của các cổ động viên đã và đang được tập hợp lại, gửi đến các cấp lãnh đạo tỉnh nhằm “cầu cứu” để duy trì và phát triển câu lạc bộ trong thời gian tới. Ngày 23-11, đại diện Hội CĐV Than Quảng Ninh đã gửi đơn đến lãnh đạo tỉnh, trong khi chữ ký từ khán giả, cổ động viên khắp nơi vẫn tiếp tục gửi về.

Trong đơn có nêu: “Trước muôn vàn khó khăn nhưng Ban huấn luyện và cầu thủ vẫn xuất sắc giành vị trí thứ 4 chung cuộc. Ngay sau khi mùa giải 2020 kết thúc, hàng loạt vấn đề khó khăn về tài chính của câu lạc bộ đã dồn ép rất nhiều cầu thủ xuất sắc hết hợp đồng và rất muốn cống hiến cho Than Quảng Ninh, nhưng vẫn chưa có phản hồi thỏa đáng từ phía câu lạc bộ. Trong khi các đội bóng khác đã và đang xúc tiến việc chuẩn bị lực lượng cho mùa giải mới thì Than Quảng Ninh vẫn án binh bất động. Trước những diễn biến của câu lạc bộ Than Quảng Ninh, người hâm mộ và cổ động viên lo lắng về điều này... Nhiều ý kiến cho rằng nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, khả năng đội bóng phải ngừng hoạt động là rất cao.

Vì vậy cổ động viên Than Quảng Ninh chúng tôi khẩn thiết mong lãnh đạo tỉnh sớm có những chỉ đạo sâu sát để câu lạc bộ hoạt động đúng định hướng của địa phương, duy trì truyền thống niềm tự hào của bóng đá đất Mỏ, xây dựng phát triển câu lạc bộ duy nhất ở Việt Nam còn giữ được tên gọi và bản sắc địa phương”.

Đó chính là giọt nước tràn ly và là nỗi niềm của bóng đá Quảng Ninh. Đã lâu lắm rồi, người ta mới lại thấy những cổ động viên vì bóng đá mà tâm huyết đến thế. Và cũng đến lúc bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cần câu trả lời cho những hiện tượng như Than Quảng Ninh.

H.H

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/87_235010_noi-niem-bong-da-quang-ninh.aspx