Nơi những đứa trẻ nhạy cảm, dễ tủi thân, dễ cáu giận học con chữ, học làm người

Không giống như các lớp học bình thường, lớp của trẻ khuyết tật thường rất nhiều cảm xúc, nước mắt, niềm vui và tình yêu thương.

Trường Tiểu học Bình Minh (Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong số ít trường tiểu học ở Hà Nội có những lớp học dành riêng cho học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ. Trường có 10 lớp dành cho học sinh khuyết tật với gần 250 học sinh, trung bình mỗi lớp có 20 - 25 học sinh. Một lớp có một cô giáo chủ nhiệm và một cô giáo trợ giảng. (Ảnh: Lưu Ly)

Trường Tiểu học Bình Minh (Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong số ít trường tiểu học ở Hà Nội có những lớp học dành riêng cho học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ. Trường có 10 lớp dành cho học sinh khuyết tật với gần 250 học sinh, trung bình mỗi lớp có 20 - 25 học sinh. Một lớp có một cô giáo chủ nhiệm và một cô giáo trợ giảng. (Ảnh: Lưu Ly)

Không giống như các lớp học bình thường, tại lớp học của trẻ khuyết tật - nơi những đứa trẻ nhạy cảm, dễ tủi thân, dễ cáu giận - là rất nhiều cảm xúc, nước mắt, niềm vui và tình yêu thương. Vì các em là những đứa trẻ đặc biệt nên thường có những phản ứng bất ngờ về cảm xúc khiến các cô giáo phải xử lý rất linh hoạt. (Ảnh: Lưu Ly)

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, việc dạy học sinh khuyết tật luôn cần sự tân tậm, bỏ công sức nhiều hơn. Các cô thường tự soạn giáo án phù hợp với từng lớp, thậm chí phù hợp với từng em học sinh khác nhau. “Giáo viên là người phải chủ động tự mày mò, từng bước nghiên cứu thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm kết hợp với các tài liệu nước ngoài để dạy trẻ. Với mỗi học sinh, mỗi lớp, giáo viên phải linh hoạt điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn”, cô Thủy nói. (Ảnh: Anh Thư)

Không giống như những đứa trẻ phát triển bình thường, mọi sinh hoạt cá nhân cũng như sự nhận biết về cuộc sống của trẻ khuyết tật trí tuệ rất khó khăn. Cô giáo phải dạy các em từ việc xúc cơm, rửa tay đến cách cầm bút, sau đó mới nghĩ đến việc dạy văn hóa. (Ảnh: Anh Thư)

Giữa cô và học trò dường như có một sợi dây kết nối. Các em vui hay buồn cô đều nhận ra ngay. Nhiều bạn nhỏ khuyết tật không biết thể hiện bằng lời nói, chỉ biết dùng hành động diễn tả cảm xúc của mình. Một cái ôm thôi cũng khiến nỗi buồn của cô của trò tan biến hết. (Ảnh: Anh Thư)

Bạn nhỏ giới thiệu tên mình rất chậm và khó khăn. Nhưng khi được hỏi em có thích học chữ cùng các cô không? Cô bé trả lời rất rõ ràng: "Có ạ...". (Ảnh: Anh Thư)

Để các em yêu chữ, có hy vọng hòa nhập với xã hội, các thầy cô khối khuyết tật trường Tiểu học Bình Minh đã dùng chính trái tim mình để dạy và ở bên đồng hành cùng các em. (Ảnh: Lưu Ly)

"Để dạy được một bạn, mỗi cô giáo đều phải đồng hành với bạn ấy một thời gian dài tìm hiểu rõ về tính cách, sở thích, sở trường rồi mới đưa ra phương pháp giúp bạn ấy phát triển đúng hướng", cô giáo Trần Thu Trà chia sẻ. (Ảnh: Lưu Ly)

Mỗi học sinh tại lớp học này đều là một đứa trẻ đặc biệt. (Ảnh: Lưu Ly)

Tại lớp học dành cho trẻ khuyết tật các giáo viên thường kết hợp đa dạng phương pháp và hình thức dạy học để phát huy được năng lực của học sinh. (Ảnh: Lưu Ly)

Giáo viên Trường Tiểu học Bình Minh luôn mong rằng làm sao có thể giúp các em nhận biết được giá trị của cuộc sống, biết ứng xử với những sự việc xung quanh mình, mọi sự tiến bộ của trẻ đều là niềm hạnh phúc lớn lao với các cô giáo trẻ. (Ảnh: Lưu Ly)

Các cô giáo ở ngôi trường này như người mẹ thứ hai của các em. (Ảnh: Lưu Ly)

Anh Thư - Lưu Ly

Nguồn VTC: https://vtc.vn/anh-noi-nhung-dua-tre-nhay-cam-de-tui-than-de-cau-gian-hoc-con-chu-hoc-lam-nguoi-d439129.html