Nỗi nhớ nhung lạ kỳ trên những đoàn tàu, trên mỗi sân ga

Có lẽ cũng bởi cái cảm thức do rất nhiều những bài thơ từ sách vở mà tôi đã từng đọc, bóng dáng của những con tàu và sân ga luôn gợi nên những điều thi vị miên man.

Mỗi lần đi đâu đó, tôi thường đi tàu hỏa. Ngay cả chuyến đi dài từ Hà Nội vào Sài Gòn tôi cũng đi tàu, rồi mỗi lần tàu dừng lại ở một ga nào đó, đều thấy lòng chộn rộn, đều đưa mắt nhìn qua cửa sổ, ngắm những cánh đồng chạy dài, những con đường mây trắng bay đi.

Mỗi lần tàu dừng lại ở một ga nào đó, đều thấy lòng chộn rộn.

Mỗi lần tàu dừng lại ở một ga nào đó, đều thấy lòng chộn rộn.

Có lẽ cũng bởi cái cảm thức do rất nhiều những bài thơ từ sách vở mà tôi đã từng đọc, bóng dáng của những con tàu và sân ga luôn gợi nên những điều thi vị miên man.

Bộ phim 1735 km, có cặp đôi nhân vật nam nữ chính gặp nhau trên tàu, cãi vã nhau nhưng lại nảy sinh rất nhiều khoảnh khắc đẹp. Tôi nhớ nhất là phân cảnh anh chàng nam chính đứng ở cửa lên xuống khi tàu đang chạy, thả những mảnh giấy nhỏ xuôi theo gió. Và cô gái ngồi nhìn ra cửa sổ, những mảnh giấy bay trắng trời, chẳng khác nào những bông tuyết êm ái.

Một lần trên chuyến tàu đêm vào Sài Gòn, hình như mùa đông năm 2010, tôi xuống ở ga Huế rất lâu, dù khi ấy là 4 giờ sáng. Sân ga vẫn đông đúc người, những người đưa tiễn nhau, những cái vẫy tay chào nhỏ nhắn lưu luyến.

Khung cảnh ấy khiến tôi nhớ đến đôi câu thơ cụ Nguyễn Bính từng viết “Có người lưu lạc bên đường sắt/ Mỗi chuyến tàu đi lại nhớ nhà”. Chẳng hiểu sao, trong khung cảnh ấy, hai câu thơ lại dậy lên trong lòng tôi một nỗi tha hương lạ lùng. Cái cảm giác nhìn ra bầu trời đêm, với những dáng hình xa lạ, trên những mảnh đất xa lạ, thường lại gợi về nỗi nhớ quê nhà tha thiết nhất. Cũng lại là sân ga ấy, Nguyễn Bính bảo rằng: "Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt/ Buồn ở đâu hơn ở chốn này?”. Sao cái nhìn tinh ý thế, cái nhìn mênh mang thế!

Hình ảnh người đàn ông cầm đèn ở ga Huế hôm ấy, tôi ghi nhớ mãi sau rất nhiều lần vào Huế bằng tàu hỏa. Năm sau đó, tôi vào Huế, xuống ở ga Huế, tôi ngồi ở đó luôn tới sáng, chỉ đứng ở xa để ngắm nhìn người đàn ông ấy.

Ở ông toát lên cái vẻ cô đơn đến tĩnh lặng. Mái tóc đã điểm bạc của ông, giữa trời đêm về sáng, càng toát lên cái vẻ gần gũi tự nhiên. Tôi không bắt chuyện với ông, cũng bởi tôi muốn giữ cho mình cái cảm giác “một mình làm cả cuộc phân ly” mà ông đem lại. Ông có lẽ là người đón tàu trầm mặc tĩnh lặng nhất mà tôi từng được duyên gặp gỡ và lưu nhớ.

Tôi bao lần tự hỏi, có ai như Liên và An (trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam), vẫn đứng đợi tàu dừng tại ga?

Những chuyến tàu cứ đi mải miết như thế, trượt dài vào màn đêm thinh lặng, chỉ còn tiếng gió réo lên từng tiếng khàn khàn nghe những não nề. Nhưng tôi vẫn thích đi tàu đêm. Thích ở giữa những người đang say ngủ, thỉnh thoảng có tiếng lũ trẻ khóc ầm lên, hoặc có mấy ông đi chung toa tàu tụ nhau lại uống vài ly rượu. Cũng có những kẻ thẫn thờ như tôi, nhìn mãi vào màn đêm sâu bên ngoài cửa sổ, nghe gió thốc trong đêm, hay ngóng đợi một ánh đèn lấp loáng khi tàu đi ngang qua phố nhỏ nào đó. Tôi bao lần tự hỏi, có ai như Liên và An (trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam), vẫn đứng đợi tàu dừng tại ga?

Tàu đêm nhộn nhạo lắm, nhưng lại là cái sự nhộn nhạo dễ chịu. Tôi thường không mấy khi ngủ khi đi tàu, để cố hít hà cho đượm cái mùi nhớ nhung dễ chịu lạ lùng ấy.

Tàu dừng lại trên sân ga, rồi lại nối tiếp những con tàu , nối tiếp mãi vào con đường vô tận. Có bao người lặng lẽ làm “cả cuộc phân ly” ấy. Có bao người thì thầm nói với nhau những biệt ly. Con tàu ôm giữ tất thảy những tự sự ấy như “nỗi niềm riêng”. Phải thế chăng, nên mỗi con tàu đi vào đêm, tôi lại tưởng như chúng đang đi vào miền ký ức.

Những chuyến tàu đã cất giùm tôi bao kỷ niệm về bao miền đất, cất giùm tôi những khắc khoải, những chia biệt, cất giùm tôi thật nhiều gương mặt lạ quen… Xuôi dòng từ Bắc vào Nam ấy, tôi đã đến đích của mình, những con tàu vẫn còn cần mẫn đi về.

Đến bây giờ, chỉ mỗi khi có việc gấp thời gian tôi mới di chuyển bằng máy bay. Còn lại tôi vẫn chọn tàu hỏa. Thong thả rong ruổi tâm tư mình qua những vùng đất lạ, để thấy nhớ nhung cồn cào mà lại nhẹ nhõm vô cùng.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/noi-nho-nhung-la-ky-tren-nhung-doan-tau-tren-moi-san-ga-post933136.html