Nơi nguy hiểm nhất với các nhà báo

Theo BBC, tính tới tháng 6 đã có 3 nhà báo ở quốc gia Nam Mỹ bị sát hại trong năm 2020. Vụ mới nhất là cuối tháng 5, nạn nhân là Jorge Armenta, giám đốc của cơ quan truyền thông Medios Obson ở Ciudad Obreb. Dù đã được chính phủ bảo vệ sau khi nhận những lời đe dọa về cái chết nhưng ông vẫn bị sát hại.

Giới chức Mexico đang đẩy mạnh điều tra. Trước đó là các nạn nhân Victor Fernando Alvarez bị sát hại ở Acapulco hồi tháng 4 sau một thời gian mất tích. Nhà báo Maria Elena Ferral bị bắn chết hồi tháng 3 ở Veracruz bởi 2 kẻ lạ mặt đi xe máy.

Mexico không phải là đất nước có chiến tranh nhưng lại là một trong những quốc gia có số nhà báo thiệt mạng nhiều nhất trong khi tác nghiệp. Từ năm 2000 đến nay đã có hơn 100 nhà báo bị sát hại ở Mexico. Reuters cho hay. Báo cáo "Tội phạm có tổ chức và bạo lực ở Mexico" của Đại học San Diego (Mỹ) công bố cuối năm 2019 ghi nhận nhà báo Mexico có nguy cơ bị ám sát 3 lần cao hơn dân thường.

Nhà báo Edgar Alberto Nava vừa bị giết tại thành phố Zihuatanejo de Azueta thuộc bang Guerrero. Nạn nhân “bị bắn bằng một khẩu súng cỡ nòng 9mm”, theo cơ quan điều tra của bang. Ông Nava làm việc cho trung tâm tin tức La Verdad de Zihuatanejo.

Các nhà báo biểu tình lên án tình trạng giết hại nhà báo ở Mexico.

Các nhà báo biểu tình lên án tình trạng giết hại nhà báo ở Mexico.

Trước đó, nhà báo Rogelio Barragan được phát hiện tử vong trong ô tô, hai tay bị trói và có dấu hiệu bị tra tấn dã man, theo trang Notimex của Chính phủ Mexico đưa tin. Nạn nhân làm việc tại trung tâm tin tức kỹ thuật số Guerrero Al Instante. Cùng ngày hôm đó, tại bang Veracruz, Thống đốc bang Cuitláhuac García thông báo có thêm một nhà báo khác bị giết hại là Jorge Rúiz Vázquez. Ông cũng tuyên bố sẽ mở các cuộc điều tra để bắt giữ thủ phạm.

Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ), Mexico là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo ở Tây bán cầu. Có rất nhiều nhà báo đã từng bị sát hại dã man tại quốc gia này. Đại diện của CPJ tại Mexico, ông Jan-Albert Hootsen kêu gọi “một cuộc điều tra ngay lập tức và đáng tin cậy” các vụ sát hại trên. Ngoài ra, Ủy ban Nhân quyền quốc gia Mexico cũng lên án các vụ giết người và kêu gọi các nhà chức trách điều tra nghiêm túc.

Tháng 3-2018, một vụ nhà báo bị sát hại khiến nhiều người ám ảnh. Nhà báo Miroslava Breach, 54 tuổi, đã bị bắn 8 phát đạn ngay trong xe khi bà đang đưa con đi học. Đứa bé dù không bị thương tích bên ngoài nhưng chịu nỗi ám ảnh rất lớn khi phải chứng kiến cảnh mẹ mình bị bắn chết. Sau khi ra tay, những kẻ giết người còn để lại lời nhắn: “Kết cục cho những kẻ to mồm” và ký tên “EI 80”. Đây là biệt danh của Arturo Quintana, trùm băng La Linea là chân rết của băng ma túy Juarez, một trong những băng đảng khét tiếng ở Mexico.

Breach là phóng viên của tờ La Jornada và cũng là cộng tác viên của El Norte. Bà chuyên viết bài điều tra về buôn ma túy. Bà đã viết nhiều bài cảnh báo bọn tội phạm có tổ chức xâm nhập vào bộ máy chính quyền địa phương. Bà tiết lộ tên các đại biểu dân cử và các ứng cử viên hội đồng thị chính thân cận với bọn buôn ma túy. Ngay trước khi bị bắn, bà mô tả cảnh bắn giết lẫn nhau giữa hai đại ca băng Juarez. Sau khi bà hy sinh, El Norte đã tuyên bố đóng cửa vì không muốn thấy thêm một phóng viên nào của mình bị giết hại nữa.

Theo tờ Times, đó cũng chính là mục đích của những kẻ giết hại nhà báo. Chúng đang muốn đóng cửa các tờ báo điều tra về chúng. Các băng đảng tội phạm ở Mexico luôn tìm cách đe dọa và thường xuyên hối lộ các nhà báo để họ không điều tra về chúng. Nếu không hối lộ hay đe dọa được, chúng sẽ dùng hình thức giết hại hoặc bắt cóc các nhà báo. Nhiều đài phát thanh và truyền hình không thỏa hiệp với tội phạm cũng đã bị tấn công. Sức ép từ tội phạm ma túy đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành truyền thông của Mexico. Nhiều tờ báo đã dừng đưa tin về tội phạm ma túy hoặc đóng cửa.

Nhiều nhà báo đã mắc hội chứng hậu chấn thương tâm lý. Một nghiên cứu gần đây đối với 246 nhà báo làm việc tại Mexico cho thấy, 41% trong số họ có các triệu chứng hậu chấn thương tâm lý, 77% luôn có cảm giác lo lắng và 42% bị suy nhược tinh thần.

Dù vậy, còn rất nhiều nhà báo Mexico không chịu khuất phục, họ vẫn dũng cảm và có lòng tin. Họ tiếp tục mạo hiểm cuộc sống của mình để phơi bày sự thật. Một số làm việc cho báo chí truyền thống, đài phát thanh và truyền hình, một số viết cho các trang web, blog và các phương tiện truyền thông xã hội khác. Họ giống như Javier Valdez và nhiều người khác với quyết tâm “khi nào chết mới ngừng viết”.

Bộ Nội vụ Mexico thực hiện "Cơ chế liên bang bảo vệ nhà báo và người bảo vệ nhân quyền" vào năm 2012. Cơ quan phụ trách cơ chế này đánh giá yêu cầu bảo vệ của nhà báo bị đe dọa và tiến hành các biện pháp bảo vệ gồm bố trí vệ sĩ, lắp camera giám sát, bảo vệ an ninh nhà riêng và văn phòng, bố trí thiết bị định vị qua vệ tinh hoặc nút khẩn cấp.

Mexico cũng đã thành lập "Văn phòng Công tố viên đặc biệt về tội phạm chống nhà báo" (FEADL) từ năm 2006. Trên thực tế, cơ chế bảo vệ nhà báo và văn phòng công tố viên đặc biệt không thể bảo vệ nhà báo hiệu quả do thiếu tiền bạc, thiếu nhân lực và thiếu ý chí chính trị. Hầu hết bọn chủ mưu sát hại nhà báo đều thoát khỏi vòng pháp luật và những tên bị bắt chỉ là tốt thí. FEADL có thẩm quyền rút hồ sơ từ các bang để xử lý song lại không thường xuyên thực hiện thẩm quyền này.

Có 2 lý do để giải thích vì sao nhiều nhà báo ở Mexico bị sát hại. Một là bạo lực phổ biến ở Mexico qua nhiều năm chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức (buôn ma túy và buôn súng) và hai là một số quan chức tham nhũng câu kết với mafia để che giấu bàn tay bẩn.

Tổ chức Press Emblem Campaign (PEC) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết số nhà báo bị sát hại trên thế giới trong 4 tháng đầu năm nay tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 44 nhà báo tại 18 quốc gia. PEC đã kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp bảo vệ tính mạng của các nhà báo như tiến hành các cuộc điều tra độc lập kết hợp với những cuộc điều tra khác để đưa thủ phạm ra xét xử.

Nguyễn Hoàng - A.T.

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/noi-nguy-hiem-nhat-voi-cac-nha-bao-600378/