Nơi nào ở miền Tây có chùa Chén Kiểu độc đáo?

Địa phương miền Tây này tập trung nhiều ngôi chùa Khmer nổi tiếng, trong đó có chùa Chén Kiểu độc đáo, được trang trí bằng vô số mảnh chén, dĩa, thu hút giới trẻ tìm đến check-in.

1. Nơi nào ở miền Tây có chùa Chén Kiểu độc đáo?

Bạc Liêu
Sóc Trăng
Kiên Giang
Cần Thơ

Chùa Chén Kiểu là tên gọi dân gian của chùa Sro Lôn, nằm ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Nét độc đáo trong kiến trúc chùa chính là những hoa văn, đường viền trang trí... được khéo léo lắp ghép từ vô số mảnh vỡ của tô, chén, dĩa kiểu, kết hợp cùng những mảnh gạch men nhỏ... Đó cũng là lý do vì sao người dân ấn tượng, gọi đây là chùa Chén Kiểu. Ảnh: Lucasle412.

2. Chùa Chén Kiểu với vị trí như hiện nay được hình thành vào thời điểm nào?

Đầu thế kỷ 19
Đầu thế kỷ 18
Đầu thế kỷ 17
Đầu thế kỷ 16

Ban đầu, chùa Sro Lôn, tức chùa Chén Kiểu, không tọa lạc ở vị trí hiện tại, song thời gian và địa điểm đầu tiên hình thành chùa vẫn chưa thể xác định rõ. Theo Trang TTĐT Du lịch Sóc Trăng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh này chủ quản, ngôi chùa với vị trí như hiện nay hình thành khoảng đầu thế kỷ 19, cụ thể là năm 1815, dưới dạng mái lá đơn sơ. Vào nửa sau thế kỷ 20, chùa mới được xây dựng lại kiên cố hơn. Ảnh: Lucasle412.

3. Tên chùa Som Rong ở TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng có nghĩa là gì?

Một loài thú
Một loài chim
Một loài cây
Một loài rắn

Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong ở TP Sóc Trăng thường được người dân địa phương gọi là chùa Som Rong. Theo Trang TTĐT Du lịch Sóc Trăng, do khuôn viên chùa trước đây có nhiều cây Som Rong sinh sôi, phát triển, nên chùa được gọi theo tên cây Som Rong và hoa Bôtum của cây. Gỗ cây thường dùng để làm đồ gia dụng, hoa của cây lại có mùi rất nồng. Ảnh: Positiveman811.

4. Bảo tháp đẹp mắt ở chùa Som Rong mà các bạn trẻ thường check-in cao khoảng bao nhiêu m ?

55 m
45 m
35 m
25 m

Ngôi bảo tháp trang trí vô số hoa văn Khmer cổ tinh tế, sắc sảo là một trong những điểm nhấn ở chùa Som Rong. Theo Trang TTĐT Du lịch Sóc Trăng, công trình hoàn thành năm 2012, được xây dựng trên diện tích 100 m2, chiều cao khoảng 25 m. Trung tâm bảo tháp là nơi an vị tượng Phật Thích Ca. Du khách đến chùa không thể bỏ qua cơ hội check-in với kiến trúc độc đáo này. Ảnh: Linh95.

5. Chùa Dơi là tên gọi dân gian của di tích nào ở TP Sóc Trăng?

Chùa Bahatup
Chùa Lahatup
Chùa Sahatup
Chùa Mahatup

Cổng TTĐT Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết chùa Dơi là tên gọi dân gian của chùa Mahatup, vì trong chùa có nhiều dơi. Chùa còn có tên Mã Tộc do đọc trại từ Mahatup mà thành. Theo người Khmer, Mahatup có nghĩa là trận đánh lớn, vì nơi đây khi xưa từng diễn ra một trận đánh ác liệt. Ảnh: Bytaz_bytaz.

6. Chùa Dơi được công nhận di tích quốc gia vào năm nào?

1979
1989
1999
2009

Năm 1999, chùa Dơi được công nhận di tích quốc gia, đến nay vừa tròn 20 năm. Theo ghi chép từ thư tịch cổ, chùa Dơi có lịch sử hình thành hơn 450 năm. Kiến trúc chùa thể hiện rõ nghệ thuật tạo hình Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngày nay, chùa Dơi thu hút nhiều du khách tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp chùa và tìm hiểu đàn dơi bí ẩn ở đây. Ảnh: Miduong.52.

7. Ngoài chùa Dơi, ngôi chùa Khmer nào sau đây ở TP Sóc Trăng cũng là di tích quốc gia ?

Chùa Chleang
Chùa Khleang
Chùa Phleang
Chùa Shleang

Với nhiều giá trị lịch sử - kiến trúc độc đáo, chùa Khleang ở TP Sóc Trăng được công nhận di tích quốc gia vào năm 1990. Theo Cổng TTĐT Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, chùa thể hiện nét đặc trưng nghệ thuật truyền thống của người Khmer, đồng thời cũng có sự giao thoa văn hóa Việt, Hoa. Khung cửa của chính điện chùa được xem là minh chứng cho tài năng khắc gỗ kỳ công của nghệ nhân Khmer xưa, ít thấy ở nhiều nơi khác. Ảnh: ___Midy.

#Justgo: Dơi khổng lồ đậu thành bầy trên cây tại ngôi chùa ở Sóc Trăng Chùa Dơi (Sóc Trăng) đến nay vẫn là địa điểm mang tính biểu tượng cho du lịch tỉnh Sóc Trăng. Trải qua nhiều năm thăng trầm, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính rất đặc trưng.

Song Phúc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/noi-nao-o-mien-tay-co-chua-chen-kieu-doc-dao-post900259.html