'Nơi nào có tình yêu, nơi đó sẽ có những phép màu'

Cố HLV trưởng tuyển Việt Nam - ông Alfred Riedl từng có nhận xét nổi tiếng là bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc.

Sau 15 năm, HLV Chung Hae-seong tiếp tục có phát biểu gây chú ý: Bóng đá Việt Nam giống như Hàn Quốc cách đây 30 năm.

Bạn của ông Chung, HLV Park Hang Seo cho rằng: Bóng đá Việt Nam muốn phát triển phải tập trung đào tạo trẻ, tạo đều kiện cho các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều ở V.League.

Nhìn lại quá khứ trước khi có sự thành công của ông Park Hang Seo với lứa Công Phượng, câu chuyện đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam là bầu Đức gặp HLV Wenger (nhà cầm quân huyền thoại của CLB Arsenal). HLV được gọi là "giáo sư" khuyên ông Đoàn Nguyên Đức muốn làm bóng đá chuyên nghiệp phải làm đào tạo trẻ. Đó cũng lý do ông chủ CLB HAGL cho ra đời Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG vào năm 2007.

Bây giờ, bóng đá Việt Nam đang có 3 Học viện bóng đá là HAGL - JMG, NutiFOOD, Juventus, hai trung tâm đào tạo lớn là PVF và Viettel, cùng một loạt cơ sở đào tạo trẻ của nhiều cựu cầu thủ như Phan Thanh Bình (Đồng Tháp), Tăng Tuấn (Đà Nẵng), Thế ANh (TPHCM)...

Dù vậy, có một thực tế là bóng đá Việt Nam đang thiếu lứa cầu thủ kế cận những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Quang Hải, Đình Trọng. Chính HLV Park Hang Seo nói rằng: "Ba năm trước, tôi đến Việt Nam thì lứa cầu thủ sinh năm 1995 và 1997 rất giỏi và tài năng như Xuân Trường, Công Phượng... Hiện tại, không có nhiều tuyển thủ trẻ có năng lực giỏi như thế nữa".

HLV Park Hang Seo trăn trở lớn về chuyện bóng đá Việt Nam đang thiếu nhân tài.

HLV Park Hang Seo trăn trở lớn về chuyện bóng đá Việt Nam đang thiếu nhân tài.

Tại sao có thêm các Học viện bóng đá, trung tâm đào tạo trẻ nhưng bóng đá Việt Nam lại khan hiếm tài năng?

Câu trả lời có lẽ chính những người quản lí bóng đá cũng không thể lý giải, hoặc đưa ra đáp án chung là mỗi thời mỗi khác, nhân tài không thể lúc nào cũng có.

Một ví dụ thiết thực để bóng đá Việt Nam nhìn vào chính là cuộc cải tổ của bóng đá Đức. Năm 2010, nước Đức có 366 cơ sở đào tạo trẻ. 1.000 huấn luyện viên dạy cho 14.000 tài năng trong lứa tuổi 11-14. Đó là tiền đề để bóng đá Đức vô địch World Cup 2014. Nhưng trước đó 1 thập kỷ, người Đức đã bắt đầu thay đổi sau thảm họa thua Bồ Đào Nha 0-3 ở EURO 2000, với hàng trăm triệu Euro cho đào tạo trẻ.

Con số thống kê đầy ngạc nhiên là U23 Đức có đến 19 cầu thủ trưởng thành từ các ngôi trường, trong đó 8 cầu thủ đến World Cup 2010 như Thomas Muller, Ozil, Khedira... Họ cũng là hạt nhân để tuyển Đức vô địch tại Brazil vào năm 2014.

Sự khác biệt trong cuộc cách mạng của bóng đá Đức chính là khai thác các tài năng bóng đá ở những ngôi trường trên khắp cả nước. Chính những cầu thủ trưởng thành từ trường học góp phần đổi mới và tạo tiền đề cho tuyển Đức thành công.

Trở lại với câu chuyện của bóng đá Việt Nam đang thiếu những cầu thủ giỏi tiếp nối thế hệ vàng thời HLV Park Hang Seo, điểm khuyết là các tài năng từ những ngôi trường đang bị bỏ quên.

Thế nhưng, câu chuyện này khó chờ đợi vào VFF, vì nhiều năm thì chưa có một sản phẩm nào được VFF cho ra đời. Tất cả tài năng đều trưởng thành từ các Học viện, trung tâm bóng đá của các ông chủ, cùng các CLB như SLNA...

Không có con đường nào trải hoa hồng, còn "quả ngọt" muốn có phải nhờ người trồng cây và chăm sóc theo nhiều năm tháng. Tài năng bóng đá từ sân chơi học đường cũng cần một hành trình "vạn dặm" như bầu Đức mở Học viện cách đây 13 năm.

Tình yêu thể thao của sinh viên lan tỏa trên khán đài ở SV-League 2020.

Ở đó, học sinh, sinh viên rất cần những sân chơi như SV-League 2020, giải đấu đang tạo ra hiệu ứng rất lớn cho sinh viên ở TPHCM. Ngay đến những cựu danh thủ như Huỳnh Hồng Sơn, Cao Tùng A Vỹ... đều bày tỏ sự thích thú rất lớn và hào hứng trong việc huấn luyện các em chơi bóng. Họ đặt niềm tin là bóng đá sinh viên có thể trở thành một phần quan trọng của bóng đá Việt Nam, nếu được đầu tư và chăm lo kỹ lưỡng như cách các ông bầu đầu tư cho 8 trường Đại học ở SV-League 2020.

Hơn hết, giá trị của SV-League 2020 đang rất lớn khi mang đến bầu không khí sôi động trên các khán đài. Hình ảnh hàng nghìn sinh viên cổ vũ tưng bừng trong mỗi trận đấu là sự khởi đầu cho việc mang thắp sáng tinh thần yêu thể thao. Vì chỉ khi khơi dậy được tình yêu thể thao và lan tỏa rộng rãi đến các ngôi trường thì mới hy vọng tìm được những tài năng cho bóng đá Việt Nam.

"Nơi nào có tình yêu - nơi đó sẽ có những phép màu" - (Willa Cather). Và bóng đá Việt Nam có quyền hy vọng vào sân chơi học đường có thể nâng tầm bóng đá trẻ trong tương lai và chơi ra đời những tài năng lớn, khi các ông bầu đang tâm huyết lớn với những ngôi trường về sự phát triển bóng đá.

Văn Nhân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-thao/noi-nao-co-tinh-yeu-noi-do-se-co-nhung-phep-mau-20201129110628534.html