Nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống

Chương trình VTV True Concert 2021 với chủ đề là NƯỚC, vừa diễn ra đêm 28/3 tại Hà Nội thực sự có tác động rất lớn tới tâm thức người thưởng ngoạn, giúp mỗi người thay đổi ý thức và hành vi hàng ngày hướng tới một môi trường xanh, bền vững. Quả vậy, nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống!

Bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” (tác giả Hoàng Hiệp) do ca sĩ Trọng Tấn thể hiện trong chương trình, có đề cập đến lòng người mừng vui khi đứng trước một dòng sông “không già”. Vâng, ai cũng ước ao khi trở về một vùng quê, được đứng lặng ngắm dòng sông trẻ trung, xanh mát êm đềm chảy với hương nhẹ thơm thanh tao của dòng nước tinh khiết, đó là sự an yên vĩnh cửu. Tuy nhiên, hiện nay niềm ước ao đó đâu phải lúc nào cũng thực hiện được. Bởi ở các thành phố, các dòng sông không chỉ già cỗi, mà thậm chí đã bị bức tử bởi sự ô nhiễm của nước thải sinh hoạt và sản xuất. Tại các vùng nông thôn, các dòng sông cũng đang hấp hối vì rác và nước thải sản xuất công nghiệp.

Thậm chí, trong từng ngõ xóm, ngôi làng, người dân cũng không hề coi trọng nước, khi hàng ngày tiêu diệt không nương tay những ao làng, họ hàng với dòng sông. Người dân ở làng quê chỉ đơn giản nghĩ rằng, thiếu đất xây nhà thì lấp ao đi để có thêm đất. Chẳng ai nghĩ rằng, cái ao là mắt đất. Hành động lấp ao làng, chính là sự mù lòa của tầm nhìn, không thấy được việc mình đang hủy hoại chính nguồn sống của mình khi cố tình xóa đi nơi ẩn cư của nước.

Không gian tràn ngập thiên nhiên của VTV True Concert 2021 với chủ đề Thanh âm vĩnh cửu của thiên nhiên.

Không gian tràn ngập thiên nhiên của VTV True Concert 2021 với chủ đề Thanh âm vĩnh cửu của thiên nhiên.

Xin kể hầu bạn đọc một hiện tượng chung đang xảy ra tại các làng quê Việt, nơi người ta coi chuyện lấp ao là việc cần làm trước tiên!

Nhà ông Chính ở làng Thanh có một cái ao 120m2 trong vườn. Ông đã cẩn thận xây tường bao quanh ao, hàng ngày bơm nước từ ao này lên tưới vườn rau nhà trồng. Ông Chính khá hài lòng với cái ao nước của nhà, mỗi mùa mưa, nước từ vườn cây, từ sân, từ mái nhà chảy dồn xuống ao. Trong ao có đàn cá rô, cá trê, và một chú rùa nhỏ. Những lúc thư nhàn, ông còn ngồi trên bờ ao câu cá.

Nhưng ai đến nhà ông, thấy cái ao này, đều hỏi “Bao giờ thì ông lấp ao?”. Ông Chính ngạc nhiên hỏi lại rằng, lấp ao để làm gì, thì người ta trả lời, để lấy đất xây nhà trọ cho công nhân thuê, hoặc bán lấy tiền tiêu. Ông Chính thì nghĩ, ông có đủ tiền lương hưu chi phí cho sinh hoạt cá nhân, các con ông sống ở thành phố, có nghề nghiệp và thu nhập, ông chẳng cần gì thêm tiền. Vả lại ông thích cái ao nhà mình, thích mặt nước mát mẻ, hơn nữa, cái ao còn là nơi tích trữ nước ngọt tưới cho vườn rau xanh tốt. Ông quyết định không lấp ao lấy đất làm gì.

Tiết mục Ra khơi - Biểu diễn Hà Lê

Thế là làng Thanh cứ bàn tán về cái ao chưa lấp của nhà ông Chính. Ao làng này đã lấp hết để lấy đất làm nhà ở, nhà trọ cho công nhân thuê, thành ra việc có một cái ao như nhà ông Chính là chuyện khác người. Xưa kia, ở làng Thanh, nhà nào cũng có một cái ao, thậm chí có nhà bao quanh hai mặt là hai cái ao rộng, mặt nước trong mát. Trong xóm có dãy ao liên hoàn chảy qua các khu vườn, nhà. Người dân làng nuôi bèo hoa dâu làm phân bón ruộng, nuôi bèo cái làm thức ăn cho lợn, hoặc thả bè rau muống, rau ngổ, nuôi cá tôm làm thức ăn. Cái ao vừa là cảnh quan đẹp, vừa là nơi làm kinh tế của người dân làng.

Nhưng ngày nay, khi khu công nghiệp trú đóng ở gần làng, công nhân của khu công nghiệp vào làng tìm nhà trọ, thì dân làng nghĩ ra cách kiếm tiền khác. Họ lấp ao đi để lấy đất xây nhà cho con cái, rồi xây nhà trọ cho công nhân thuê, hoặc bán đất cho người mới đến định cư trong làng. Ao làng dần dần biến mất. Thế là các thi sĩ về làng không còn có thể mơ mộng thư giãn bên bờ ao được nữa.

Nhưng điều đáng quan tâm hơn tâm hồn các thi sĩ, đó là làng Thanh không còn chỗ chứa nước ngọt khi trời đổ mưa nữa. Do không có quy hoạch tổng thể, mạnh ai nhà nấy lấp ao, nên nước ngọt không còn chỗ chứa. Mỗi khi trời mưa dầm, nhất là vào mùa mưa tháng 7, tháng 10 thì trong làng xảy ra tình trạng ngập lụt. Nước mưa tràn vào cống rãnh, cống rãnh nhanh chóng đầy và nước cống tràn lên đường, bốc mùi mất vệ sinh kinh khủng. Sân nhà, đường làng ngập tràn nước cống sau mỗi cơn mưa lớn, nước ô nhiễm ứ lại không thoát đi đâu được, tạo ra nguy cơ các bệnh da liễu, bệnh tiêu hóa, truyền nhiễm cho người dân. Nước ô nhiễm cũng tràn vào các vườn rau của các gia đình, ngấm vào đất, ngấm vào rau, rồi rau ấy lại được ăn vào người, lâu dần hủy hoại sức khỏe con người, ảnh hưởng tới nòi giống người Việt.

Tiết mục múa Vũ điệu nước - Biên đạp NSƯT Trần Ly Ly & Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam

Người Trung Quốc nói: “Nơi nào có nước ngọt, nơi đó có sự sống”. Tại Côn Minh, chính quyền quy hoạch các vùng dân cư tại nơi có mặt nước ngọt rộng, xây dựng những khu bảo tồn mặt nước, khu du lịch, và cẩn trọng bảo vệ nguồn nước sạch. Trong khi đó ở nước ta, không ít làng như làng Thanh này, các mặt nước ao lại bị kết liễu vì lợi ích trước mắt mà không nghĩ tới chuyện lâu dài.

Thiết nghĩ, trong việc quy hoạch xây dựng ở làng quê, cần có sự tổ chức từ chính quyền và kêu gọi người dân hưởng ứng. Cần tuyên truyền, giáo dục người dân ý thức bảo vệ mặt nước ngọt, dành quỹ đất cho mặt nước, cân đối với đất xây dựng nhà ở. Các khu công nghiệp khi xây dựng, không chỉ xây nhà máy, công xưởng, hãy xây cả các khu nhà ở cao tầng cho công nhân thuê, hoặc mua, chớ để công nhân phải đi tìm nhà trọ tự phát tại các khu dân cư như tại làng Thanh này.

Và tôi dè dặt hy vọng rằng, với sự tham gia của truyền thông, đặc biệt là chương trình nghệ thuật hấp dẫn như VTV True Concert 2021, với chủ đề NƯỚC, đủ sức thức tỉnh người dân Việt Nam chúng ta về thái độ và ứng xử với NƯỚC, để gìn giữ “một tình yêu nước non quê nhà”.

Kiều Mai

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/noi-na-o-co-nuo-c-noi-a-y-co-su-so-ng-605874.html