Nội Mông kỳ thú: bài học về quy hoạch, quản trị nhân tâm từ thành phố hoang

Kangbashi - một trong nhiều thành phố hoang của Trung Quốc - là đơn vị hành chính cấp thị xã, nơi đặt tỉnh lỵ Ordos (Ngạc Nhĩ Đa Tư) của khu tự trị Nội Mông. Kangbashi cũng như những thành phố hoang của Trung Quốc trở thành điểm du lịch ngoài kế hoạch và chụp ảnh cưới thì trên cả tuyệt vời. Bên cạnh việc tham quan các hình mẫu kiến trúc độc lạ, còn được trải nghiệm những bài học đắt giá về qui hoạch, đầu tư, tầm nhìn và cả quản trị nhân tâm. 'Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ'. Thuyết phục người dân trong nước chưa được làm sao thu phục các quốc gia?

Trong mấy chục năm qua, Trung Quốc đã có những bước phát triển nhảy vọt. Từ một một nước lạc hậu, vươn lên đứng thứ 2 thế giới về tổng GDP. Có thể gọi đó là kỳ tích thế kỷ với nhiều thành tựu về kinh tế lẫn khoa học kỹ thuật, vượt ngoài dự đoán của mọi người. Thảo nguyên hóa sa mạc ở Nội Mông là minh chứng.

Nhưng mấy thập niên tăng trưởng nóng, năm nào cũng trên dưới hai con số, hiện Trung Quốc đang đối mặt với nhiều hệ lụy. Nan giải nhất là ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo, đạo đức xã hội… Đặc biệt là việc thể hiện những tham vọng kinh tế. Giữa ước mơ và hiện thực luôn có khoảng cách lớn. Muốn là một chuyện. Làm được là một chuyện khác, dù rất khó. Làm được theo mong muốn của mình nhưng hiệu quả không phải lúc nào cũng tốt đẹp.

“Những thành phố ma” là thuật ngữ chỉ những khu dân cư được đầu tư bài bản, hoành tráng nhằm giãn dân và hình thành những khu đô thị mới, hiện đại nhưng thất bại. Nhiều nước cũng có những công trình và dự án dang dở, kể cả Việt Nam nhưng quy mô thì thua xa Trung Quốc.

Các biệt thư vô chủ và cao ốc hoang ở đảo Hoạt Lực, Tô Châu. Ảnh: Internet

Các biệt thư vô chủ và cao ốc hoang ở đảo Hoạt Lực, Tô Châu. Ảnh: Internet

Gọi là thành phố ma (Ghost Town) có lẽ không chính xác. Ma - là loài không cụ thể, nhiều khi là sản phẩm trí tưởng tượng của con người. Người Việt dễ liên tưởng đến các “thành phố yên lặng, không có tệ nạn hay sân si”, dân gian gọi là nghĩa địa, văn vẻ thì gọi là nghĩa trang, mà Huế là điển hình với những lâu đài cho người chết. Thành phố ma thì phải có ma hoặc ẩn hiện khôn lường. Còn những thành phố này rất thật, rất đẹp. Chỉ khác là rất ít, thậm chí không ai ở, vắng vẻ đến rợn người. Gọi là thành phố hoang thì đúng hơn.

Theo Tổng công ty Lưới điện Trung Quốc, cả nước hiện có khoảng 64.500.000 căn hộ bỏ hoang. Những hộ này không sử dụng điện 6 tháng liền. Công ty tư vấn J Capital Research mở hẳn trang web để thông báo về những căn hộ vô chủ. Kinh nghiệm qui hoạch đô thị và phát triển nhà ở thành công của đặc khu Thẩm Quyến được nhân rộng cho các vùng nông thôn những tỉnh khác nhưng kết quả ngược lại.

Những dự án này thường bao gồm các tòa chung cư cao cấp cho hàng trăm nghìn người, trung tâm mua sắm khổng lồ, quảng trường và thậm chí là mô hình bản sao của các thành phố châu Âu. Chưa ai có số liệu thống kê tổng số vốn đầu tư vào các thành phố đang bị đông cứng. Nhiều nhất là ở các khu tự trị, đất rộng, người thưa như Nội Mông mà Kangbashi, còn gọi là Khang Thành, Khang Ba Thập là điển hình.

Một góc thành phố hoang Kangbashi, Ordos, Nội Mông. Ảnh: Internet

Kangbashi là đơn vị hành chính cấp thị xã, nơi đặt tỉnh lỵ Ordos (Ngạc Nhĩ Đa Tư) của khu tự trị Nội Mông, rộng 355 km2, dân số chừng vài chục ngàn người. Tiểu trấn Kangbashi từng là điểm dừng chân sầm uất, nhộn nhịp trên hành trình viễn thương “Con đường tơ lụa” một thời vàng son. Vì nhiều lý do, tiểu trấn hoang tàn và bị xóa số, hiện đã được phục dựng cho du khách tham quan.

Từ đầu những năm 2000, chính phủ Trung Quốc mời công ty Herzog & De Meuron (Thụy Sĩ) thiết kế đại dự án “Ordos 100” với sự tham gia của 100 kiến trúc sư lừng danh từ 27 quốc gia. Dự án như thế giới thu nhỏ về lịch sử kiến trúc nhân loại, một thành phố hiện đại, thông minh với dân số khoảng 1.000.000 người.

Theo Wikipedia, tổng chi cho dự án là 161 tỉ USD, bằng 67% GDP cả nước Việt Nam năm 2018.

Rừng cao ốc bỏ hoang ở Kangbashi, chen chúc còn hơn cả Hồng Kông. Ảnh: Kai Caemmerer

Các khối nhà chung cư cao cấp đồ sộ. Các tòa nhà độc lạ về kiểu dáng lẫn chất liệu được qui hoạch chỉn chu giữa vùng hoang mạc được thảo nguyên hóa. Có điều kinh ngạc là là sự vắng vẻ đến khó hiểu. Rất nhiều chung cư và tòa nhà bỏ hoang, vô chủ. Hoặc chỉ hoạt động cầm chừng và lác đác người ở. Nhiều công trình cỏ mọc um tùm hoặc xây dựng dở dang, trơ gan với tuế nguyệt.

Dự tính khu đô thị mẫu mực mới ở Kangbashi rộng 35 km2 sẽ đón 1.000.000 dân cư. Sau hơn 15 năm vận động, thuyết phục với nhiều chính sách ưu đãi, chỉ có chưa đầy 100.000 dân đến ở. Đi khắp các tỉnh lỵ Nội Mông, chỗ nào cũng gặp những chung cư ngay tại trung tâm nhưng vắng lăng đến kinh ngạc.

Cái gọi là siêu thị (super market), có bảng hiệu hoành tráng, thật ra là cửa hàng tạp hóa bé tẹo, chỉ chục người vào mua là chật cứng.

Một kiến trúc độc đáo ở “thành phố ma” Ordos.Một kiến trúc độc đáo ở “thành phố ma” Ordos. Ảnh: Kai Caemmerer

Qua những thành phố hoang ở Nội Mông, tôi cứ liên tưởng đến sáng kiến “Một vành đai – Một con đường” (Nhất đới, nhất lộ) của nhà nước Trung Quốc hiện nay. Trung Quốc đã làm được điều mà họ muốn. Đó là đầu tư hàng trăm tỉ USD vào các quốc gia trong vành đai, đặc biệt là những nước kém phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả còn xa mới được như mong muốn. Đằng sau sự liên kết và viện trợ là những ý đồ chính trị, không khó để nhận ra.

“Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Thuyết phục người dân trong nước chưa được làm sao thu phục các quốc gia? Những thành phố hoang của Trung Quốc trở thành điểm du lịch ngoài kế hoạch và chụp ảnh cưới thì trên cả tuyệt vời. Bên cạnh việc tham quan các hình mẫu kiến trúc độc lạ, còn được trải nghiệm những bài học đắt giá về qui hoạch, đầu tư, tầm nhìn và cả quản trị nhân tâm.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không phải là vấn đề nổi cộm hàng đầu hiện nay khiến chính phủ Trung Quốc đau đầu, mà chính là giá nhà đang ngày một bị thổi phồng, thị trường bất động sản đầy bất trắc và những đô thị hoang khắp đất nước. Công bằng mà nói, cũng có những ý kiến lạc quan, tích cực. Nhiếp ảnh gia Raphael Olivier (Pháp), viết: "Rất nhiều tin tức đã miêu tả thành phố như một nơi chốn kỳ lạ, thất bại, nhưng nó là một kỳ quan lớn và người dân không hẳn đã bất hạnh. Nơi đây vẫn có nhiều hy vọng, và bạn phải kính nể nó ở một mức độ nào đấy".

Mưu sự tại nhân, thành sự cũng tại nhân. Quyết định mọi thành bại là ở khách hàng, ở nhân dân chứ không phải do nhà nước hay các chủ đầu tư.

Tòa nhà có kiến trúc hình đống phân bò khổng lồ, hiện là bảo tàng Ordos rất vắng vẻ.

Thư viện Kangbashi có kiến trúc là những cuốn sách kỳ vĩ nhưng nhân viên nhiều gấp mấy lần khách.

Những cao ốc hoang bên kia hồ nhân tạo Ulan Mộc Luân ở Kangbashi.

Trên hồ nhân tạo Ulan Mộc Luân là sân khấu nhạc nước dài gần 1.000m, được xem là lớn nhất châu Á, không một bóng người.

99 con ngựa bằng đồng dao chơi ở Kangbashi. Phía sau là khu vui chơi thiếu nhi. Đằng xa là cầu treo Bạch Mã dài cả cây số, nối hai bờ hồ.

Tại trung tâm Kangbashi, những tòa nhà mặt tiền bỏ hoang, tầng trệt toàn khóa ngoài như trong hình là phổ biến.

Trung tâm Hội nghị và họp báo có hình chiếc nón truyền thông Mông Cổ, nón nam lớn, nón nữ nhỏ; quanh năm vắng lặng.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/noi-mong-ky-thu-bai-hoc-ve-quy-hoach-quan-tri-nhan-tam-tu-thanh-pho-hoang-19651.html