Nơi mạch nguồn chảy mãi

Cao Bằng, miền đất địa đầu Tổ quốc ghi dấu những mốc son lịch sử hào hùng đang có những tín hiệu bứt phá. Ở nơi đây, truyền thống cách mạng là mạch nguồn nội lực của sự đoàn kết, sáng tạo trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương.

Sức sống mới trên mảnh đất lịch sử

Vượt qua đèo Giàng, đèo Gió..., trước mắt chúng tôi hiện dần non nước Cao Bằng hùng vĩ, đẹp nao lòng. Câu hát ngọt ngào vang lên làm người đi thêm háo hức: Mời anh lên Cao Bằng quê em/lên đèo Khau Liêu qua đèo Mã Phục/luồn qua rừng vầu xuyên qua rừng trúc/như bầy ong ong như bầy chim/bước đá bước mây, bước mùa đông bước mùa hè/cây đàn tính dây trong dây đục/ăn cơm lam mấy khúc/áo tơ tằm em mặc bền lâu... Ðến Cao Bằng hôm nay, dễ dàng cảm nhận sức sống mới. Ngay cửa ngõ tỉnh lỵ, phường Ðề Thám (thành phố Cao Bằng), vùng đất nông nghiệp xưa đang ngổn ngang những công trình. Vài năm nữa thôi, đây sẽ là đô thị hiện đại, xứng tầm vóc trung tâm hành chính mới của tỉnh Cao Bằng, đáp ứng nhu cầu phát triển thời gian tới.

Ðịa hình phần lớn là đồi núi, nhiều núi cao, vực sâu, hang động, thuận lợi cho tầm quan sát, ẩn náu, che chở, bảo vệ cán bộ cách mạng, các cơ quan, đơn vị đến sơ tán và chống giặc, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An trở thành căn cứ cách mạng của các thời kỳ kháng chiến. Thế nhưng điều kiện ấy lại là khó khăn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước đây, người dân đi lại phải đi bộ xuyên qua các quả đồi, khe suối, nền kinh tế chỉ là sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp là chính. Giờ đã khác, xã nỗ lực xây dựng hệ thống giao thông, tạo tiền đề phát triển mọi mặt. Xóm Nà Nâm xa trung tâm xã nhất, với con đường dân sinh bao năm chỉ có thể đi bộ. Năm 2000, Ðảng bộ, chính quyền xã chỉ đạo đoàn viên thanh niên huy động lực lượng, góp công sức cùng bà con hạ thấp đèo dốc, mở rộng con đường dài gần bốn ki-lô-mét này để xe cơ giới đi lại được. Năm 2010, theo chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã đầu tư làm đường bê-tông ở bốn xóm Na Lữ, Làng Ðền, Kế Nông, Khau Luông. Rồi cây cầu hai làn xe ô-tô được xây dựng, nối liền xã Hoàng Tung và xã Hưng Ðạo, thỏa lòng mong mỏi của người dân.

Nông dân xã Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh) thu hoạch lúa mùa. Ảnh: VŨ TIỆP

Cùng chúng tôi thăm Di tích Nậm Lìn - nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh (1-4-1930), Bí thư Ðảng ủy xã Hoàng Tung Ðàm Thị Duyên giới thiệu về những kết quả nổi bật của xã. Xe đi trên đường liên thôn, xóm nối trung tâm hành chính xã vừa xây dựng xong cuối năm 2017, có sự đóng góp rất tích cực của bà con. Nhiều năm qua, kinh tế xã khó khăn, cho nên vẫn là đường đất, ngày mưa lầy lội không đi nổi. Mỗi năm, xã phải huy động người dân tu sửa, san lấp "ổ trâu" để đi lại. Nay con đường bê-tông uốn lượn nối từng thôn, xóm đến trụ sở xã tươi như vệt nắng, báo hiệu những khởi sắc nơi đây. Năm 2018, xã phấn đấu hoàn thành hai chỉ tiêu giao thông và thủy lợi để về đích xã nông thôn mới đúng hẹn. Ngày càng nhiều hộ gia đình làm kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng, mà đi đầu là những đảng viên. Khảo sát thấy trồng dong riềng cho hiệu quả kinh tế, xã dự định năm nay chuyển đổi 30 ha đất trồng lúa sang trồng dong riềng... Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cũng là nhiệm vụ quan trọng của huyện Hòa An. Bí thư Huyện ủy Bế Thanh Tịnh cho biết: Huyện ủy đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, thực hiện dự án trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hồng Việt. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích bà con hợp tác, hình thành các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ.

Rời Hòa An, chúng tôi đến huyện Nguyên Bình, mảnh đất lịch sử đang có nhiều khởi sắc. Qua xã Minh Thanh, thấy hai bên đường thẳm một màu xanh trù phú. Thanh long ở đây quả nhỏ nhưng ngọt lịm, ngon có tiếng. Vào mùa, hai bên đường tấp nập người mua bán. Mấy năm nay, diện tích trồng thanh long tăng nhanh bởi cây dễ trồng, phù hợp thổ nhưỡng nên sản phẩm có chất lượng, được thị trường ưa chuộng. Xã Minh Tâm quan tâm phát triển mô hình nuôi dê, đã thành lập ban chỉ đạo để vận động, hướng dẫn tới từng xóm về kỹ thuật nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện xã có 19 hộ nuôi dê với tổng số 657 con. Mô hình này cho các hộ dân thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/năm. Thị trấn Nguyên Bình tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, cá nhân, tập thể nhân rộng các ngành, nghề dịch vụ và coi đây là khâu đột phá. Trên địa bàn xã đang có 140 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại, bốn doanh nghiệp, ba hợp tác xã, bốn đơn vị đầu tư xưởng chế biến trúc sào, trồng và chế biến nấm hương…

"Chuyển động" từ các xã, thị trấn nói trên nằm trong kế hoạch phát triển du lịch của huyện Nguyên Bình. Ðịa phương có thắng cảnh, giàu bản sắc văn hóa, nhiều đặc sản, hội đủ tiềm năng, thế mạnh. Khu Di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Ðạo (trên địa bàn hai xã Tam Kim và Hoa Thám) gắn với sự kiện thành lập Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng với ý nghĩa lịch sử, đây là khu rừng nguyên sinh còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, không những là nơi "Về nguồn" của các thế hệ, mà còn là điểm đến lý tưởng cho chương trình nghiên cứu hay du lịch sinh thái. Khu du lịch Phia Oắc - Phia Ðén trải rộng trên địa bàn bốn xã và thị trấn, cũng là rừng nguyên sinh, với địa hình khá cao từ 1.500 đến 2.000 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình từ 18 đến 250C, từng là khu nghỉ dưỡng cao cấp của người Pháp. Ðỉnh cao nhất Phia Oắc vào mùa đông thường xuất hiện băng giá, có lúc tuyết rơi dày 5 - 7 cm, tạo nên phong cảnh thiên nhiên hiếm có ở nước ta. Theo Bí thư Huyện ủy Hoàng Thị Thu, huyện đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, các ngành dịch vụ, bảo vệ môi trường, tài nguyên và chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc; yêu cầu các ban, ngành, xã, thị trấn, cơ sở kinh doanh trên địa bàn xác định rõ nhiệm vụ, tận dụng cơ hội, lợi thế, đầu tư phát triển bền vững ngành du lịch. Huyện đặt mục tiêu năm 2018 thu hút 22 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Khơi nguồn nội lực

Nỗ lực của các địa phương góp phần tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chung toàn tỉnh. Năm 2017, vượt qua những khó khăn về thiên tai, Cao Bằng đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Toàn bộ 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ðảng, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Thu ngân sách được 1.543 tỷ đồng, tăng 14,3%, là mức cao nhất từ trước tới nay. Số lượng khách du lịch đạt hơn 952 nghìn lượt, tăng 28,5% và doanh thu tăng 28,9% so với năm 2016…

Kết quả ấy thể hiện ý chí, quyết tâm của Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng, là minh chứng sinh động rằng truyền thống cách mạng của quê hương luôn là ngọn lửa hun đúc tinh thần và nghị lực của thế hệ hôm nay. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Ðình Lê chia sẻ: Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 và sáu chương trình trọng tâm của Tỉnh ủy. Trong đó, quan tâm và chỉ đạo sát sao những lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, thu ngân sách và chương trình trọng tâm của tỉnh. Trong xây dựng nông thôn mới, quyết tâm không phải vay mượn hay nợ đọng. Rà soát các nguồn thu để tăng thu ngân sách, thu hồi nợ đọng thuế. Triển khai đồng bộ cả sáu chương trình trọng tâm, nhưng nhấn mạnh vào phát triển du lịch, phát triển hạ tầng giao thông và công tác xây dựng Ðảng, nhất là chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Ðối với tỉnh còn nghèo như Cao Bằng, lại đông các dân tộc sinh sống, cán bộ cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, là người dẫn dắt, định hướng tư tưởng, hành động của quần chúng, tạo sự thay đổi và phát triển ở địa phương.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Ngọc Giáp cho biết: Nhiệm kỳ trước, tỉnh có Chương trình nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở; trong đó đã thực hiện thành công Ðề án chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Nhiệm kỳ này, qua rà soát thực trạng đội ngũ cán bộ các cấp, đối chiếu yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Tỉnh ủy triển khai Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ (nam dưới 45 tuổi, nữ dưới 40 tuổi) bảo đảm tiêu chuẩn cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, như: có bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn sâu, có kỹ năng quản lý, phong cách làm việc khoa học, chuyên nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, 15% cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ, cán bộ nguồn quy hoạch có trình độ chuyên môn sau đại học, chú trọng các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, văn hóa - du lịch, kinh tế đối ngoại; hơn 95% số đồng chí được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng an ninh...

Sau một năm thực hiện, Tỉnh ủy ghi nhận chuyển biến về chất lượng đội ngũ cán bộ ở các địa phương, nổi bật là nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, khơi dậy tinh thần phấn đấu đi học và tự học, tự rèn luyện của mỗi cá nhân. Hàng chục cán bộ lãnh đạo cấp sở đã đi đào tạo sau đại học các chuyên ngành quản lý công, quản lý kinh tế, quản lý văn hóa. Hàng trăm đồng chí đã tham gia các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng - an ninh, bồi dưỡng các chuyên ngành tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, dân vận, bồi dưỡng kiến thức đối với bí thư cấp ủy các cấp... Năm đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được chọn tham gia bồi dưỡng ngắn hạn tại Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Xin-ga-po theo chương trình Ðề án 165 của Ban Tổ chức T.Ư. Các lớp đào tạo lý luận chính trị và kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các sở, ngành, địa phương cũng được triển khai rất tích cực.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, được Trung ương quan tâm, hỗ trợ, nhưng Cao Bằng xác định không trông chờ, ỷ lại, mà phải huy động nội lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với quyết tâm ấy, việc Tỉnh ủy tập trung thực hiện các Nghị quyết của Ðảng về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có trình độ, năng lực quản lý, tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong tổ chức đảng, trong dân, khơi nguồn tiềm năng, thế mạnh để tạo sự bứt phá cho địa phương là hướng đi đúng đắn. Như lời đồng chí Nguyễn Sỹ Minh, lão thành cách mạng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Xưa Cao Bằng là căn cứ địa cách mạng, nuôi giấu, bồi dưỡng nhiều cán bộ cho Ðảng và Nhà nước. Ngày nay phải phát huy truyền thống, thúc giục, tạo điều kiện cho lớp trẻ học tập, phấn đấu, trở thành nguồn lực xây dựng Ðảng bộ Cao Bằng vững mạnh, quê hương phát triển nhanh, bền vững.

HẠNH NGUYÊN, VĂN TOÁN và PHONG CHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/35465702-noi-mach-nguon-chay-mai.html