Nối mạch mỹ thuật truyền thống

Việt Nam có một kho tàng mỹ thuật truyền thống đáng quý nhưng tiếc rằng, trong cuộc sống đương đại, nhiều nét đẹp đã bị quên lãng. Với mong muốn khai thác di sản dân tộc, các kiến trúc sư, nhà thiết kế của Hội quán Di sản và Circle Group đã dành nhiều công sức tạo ra những thiết kế có tính ứng dụng cao trong đời sống từ chất liệu của mỹ thuật truyền thống.

* Khách tham quan triển lãm "Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới". Ảnh: TRẦN HẢI

* Khách tham quan triển lãm "Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới". Ảnh: TRẦN HẢI

Việt Nam có một kho tàng mỹ thuật truyền thống đáng quý nhưng tiếc rằng, trong cuộc sống đương đại, nhiều nét đẹp đã bị quên lãng. Với mong muốn khai thác di sản dân tộc, các kiến trúc sư, nhà thiết kế của Hội quán Di sản và Circle Group đã dành nhiều công sức tạo ra những thiết kế có tính ứng dụng cao trong đời sống từ chất liệu của mỹ thuật truyền thống.

* Một phần của bức tranh giấy cổ "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ" được chuyển thể sang tranh gỗ khảm ốc.

Đưa di sản đến cuộc sống

Không hẳn là những pho tượng Phật, tượng danh nhân..., chiếc ghế gỗ được phục chế theo phong cách đời Mạc và một số đồ án thiết kế ghế gỗ phong cách đời Lý, Trần, Lê..., ở triển lãm "Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới" khai mạc từ ngày 3-11, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ, Hà Nội) do Hội quán Di sản và nhóm Circle Group thực hiện, mới là hiện vật khiến nhiều người "giật mình". "Giật mình" vì những họa tiết, hoa văn của người Việt đáng ra phải hết sức phổ biến, phải thân thuộc mà sao thấy... lạ lẫm quá. Trong khi đó, không ít hoa văn, trang trí mỹ thuật lâu nay tưởng là "cổ truyền" hóa ra lại là "nhập ngoại". Điều này khiến người ta tự hỏi: Thế nào là truyền thống mỹ thuật Việt trong trang trí nội thất đương đại?

Các nhà thiết kế, kiến trúc sư của nhóm Hội quán Di sản cũng từng trải qua những cảm giác ấy, nhất là khi có người nói rằng, di sản Việt "chẳng có gì". Thật ra, những suy nghĩ này không phải không có lý. Di sản Việt, nhất là mỹ thuật truyền thống đã “ngủ yên” trong những di tích, bảo tàng. Còn những thứ mà người ta thấy trong cuộc sống, từ bàn ghế, cho đến đồ trang sức..., chủ yếu làm theo kiểu cách, mô-típ của một số nước Á đông khác. Gần đây, khi đúc tượng Phật, tượng La Hán, người ta cử người đi nước ngoài để lấy mẫu. Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng - người sáng lập Hội quán Di sản chia sẻ: "Chính vì bỏ quên truyền thống, cho nên mỹ thuật ứng dụng hiện nay của chúng ta mang nặng tính sao chép của nước ngoài. Thí dụ như ở các làng nghề đồ gỗ Vân Hà (Hà Nội), Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định)..., rất hiếm các mẫu nội thất phong cách Việt, chạm các tích truyện của người Việt. Với chúng tôi, phát huy giá trị nghĩa là phải đưa di sản vào cuộc sống. Vì vậy, chúng tôi thực hiện những thiết kế có thể khai thác nét đẹp mỹ thuật truyền thống trong cuộc sống đương đại".

Từ kho tàng mỹ thuật truyền thống, các nhà thiết kế, kiến trúc sư của Hội quán Di sản đã chọn hai hướng: Kế thừa trực tiếp bằng cách thu nhỏ những phiên bản tượng, mô-típ trang trí gốc để phổ cập vẻ đẹp di sản Việt; và từ vốn mỹ thuật cổ truyền, sáng tạo những sản phẩm mới, có tính ứng dụng cao trong đời sống hằng ngày. Trong hơn 60 thiết kế được giới thiệu, có nhiều tác phẩm nguyên gốc nổi tiếng được chuyển thể theo hình thức thu nhỏ như: bức tượng A-di-đà (Bảo vật quốc gia, chùa Phật Tích, Bắc Ninh), cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh), tượng Tuyết Sơn (chùa Tây Phương)... hay các mẫu tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác, ông phỗng... Những sản phẩm sáng tạo có tính ứng dụng là thiết kế ghế phong cách các đời: Lý, Trần, Lê, Mạc..., tấm trấn phong, trang sức ứng dụng các hoa văn người Việt... Trong quá trình làm việc, các chuyên gia của Hội quán Di sản đã tìm được một chiếc ghế có niên đại thời Mạc. Cùng với phục chế chiếc ghế theo nguyên bản, các nhà thiết kế đã có ý tưởng tạo ra những mẫu nội thất theo phong cách nghệ thuật của từng triều đại. Chẳng hạn chiếc ghế phong cách thời Lý mang hình ảnh con rồng thời Lý mềm mại, tay ghế thanh mảnh. Chuyển sang thời Lê, các họa tiết mây, lửa mạnh mẽ, hình khối vững chãi, cứng cáp... Phó Giáo sư Nguyễn Đỗ Bảo cho biết: "Hội quán Di sản tạo ra những thiết kế hoàn toàn mới, nhưng toát lên phong cách nghệ thuật đặc trưng của từng thời. Các thiết kế này hết sức cần thiết để khẳng định những giá trị văn hóa Việt trong cuộc sống mà lâu nay chúng ta chưa quan tâm đúng mức".

Mảng "thu nhỏ" các mẫu tượng nổi tiếng cũng là những câu chuyện thú vị. Bảo vật quốc gia tượng A-di-đà ở chùa Phật Tích vốn cao hơn ba mét. Những người thợ tài khéo khi xưa đã thay đổi tỷ lệ các phần của cơ thể để người chiêm bái khi nhìn từ dưới lên, thấy pho tượng hết sức cân đối, hài hòa. Vấn đề đặt ra khi thu nhỏ là phải thay đổi tỷ lệ, để khi nhìn ngang, vẫn cảm nhận pho tượng đạt "tỷ lệ vàng". Chưa hết, pho tượng ở trạng thái không hoàn hảo vì một phần chuyển tiếp ở bệ tượng đã bị mất. Phải phục chế thế nào cho thuyết phục. Các nhà thiết kế đã mất một năm mới có thể hoàn thành việc thu nhỏ tượng Phật A-di-đà. Khi đưa ra công chúng, tín hiệu thu được rất mừng. Đã có nhiều người muốn đặt hàng làm đồ thờ, đồ lưu niệm, đồ trang trí ..., dù dùng vào mục đích gì thì việc làm này cũng truyền tải được nét đẹp của văn hóa Việt.

Trở ngại từ thị trường

Cuối năm 2012, Hội quán Di sản đã thiết kế bộ sản phẩm "Thông điệp ngàn năm" gồm các sản phẩm: lá đề chạm khắc hình rồng, đôi đầu rồng - đầu phượng được lấy từ nguyên mẫu của di vật khảo cổ thời Lý khai quật tại Hoàng thành Thăng Long. Bộ vật phẩm này có thể dùng để trang trí hay làm quà lưu niệm... Phiên bản đầu rồng thời Lý bằng gốm phủ men thanh lưu ly do Hội quán Di sản thiết kế đã được Thủ tướng Chính phủ chọn làm quà tặng cho Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma vào tháng 5-2016. Triển lãm "Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới" là bước đi tiếp theo của quá trình ứng dụng mỹ thuật truyền thống trong thiết kế các sản phẩm đưa vào đời sống của Hội quán Di sản. Thiết kế tượng Phật A-di-đà, một số mẫu tượng, thiết kế trang sức..., được nhiều người quan tâm, đặt mua. Tiếc rằng, đó là tin mừng hiếm hoi, nếu nhìn vào thị trường mỹ thuật ứng dụng đương đại nói chung, mà trước hết, là hoạt động ở các làng nghề điêu khắc thủ công truyền thống.

Nhà thiết kế Cao Lâm, thành viên Hội quán Di sản cho biết, trước tình trạng các làng điêu khắc gỗ làm nội thất theo phong cách nước ngoài, anh đưa một số hoa văn trang trí của người Việt cho những thợ giỏi xem và sẵn sàng hỗ trợ để họ làm. Những người thợ phản hồi: "Mẫu của anh đẹp đấy. Nhưng nếu chúng tôi làm thì chắc gì có người mua? Chúng tôi là thợ cho nên phải làm theo đơn đặt hàng của khách". Điều đáng buồn hơn là hiện các làng mộc thường mua máy chạm khắc gỗ của nước ngoài. Trong máy cài sẵn mẫu nào thì thợ bấm nút đục chạm theo mẫu đó, mà không quan tâm đến các họa tiết, hoa văn của người Việt. Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Mạnh Đức cũng bày tỏ lo ngại: "Chúng ta vẫn nói tự hào văn hóa Việt. Nhưng thật ra chúng ta đang rất xa lạ với văn hóa truyền thống. Ngay ở làng nghề nổi tiếng như Bát Tràng, phần lớn chúng ta làm sản phẩm theo mẫu mà nước ngoài đặt. Việc xuất khẩu mẫu mã của người Việt là rất ít. Ở thị trường trong nước, chúng ta cũng chưa hình thành lớp người có nhu cầu sử dụng những sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của Việt Nam".

Hơn 60 thiết kế được giới thiệu tại triển lãm mới là một phần trong hàng trăm thiết kế do Hội quán Di sản và Circle Group thực hiện. Các nhà thiết kế đã chuẩn bị những phương án điều chỉnh cho phù hợp với mục đích của người sử dụng, như làm ghế thờ, hay bộ bàn ghế trong gia đình... Thành công của triển lãm không chỉ dừng lại ở việc tạo ra các mẫu thiết kế. Theo các nhà nghiên cứu, triển lãm còn gợi mở các ý tưởng để những người yêu mỹ thuật truyền thống, từ các nhà thiết kế cho đến thợ thủ công có thể tham khảo trong việc đưa ứng dụng di sản vào cuộc sống. Chẳng hạn việc đưa một phần của bức tranh "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ" (vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông xuống núi) lên lọ lộc bình gỗ là gợi ý để các nhà thiết kế, thợ điêu khắc chuyển tải những tích truyện về danh nhân dân tộc lên các sản phẩm bằng gốm, gỗ, đồng...

Đam mê, nhiệt huyết, tự bỏ tiền túi để làm ra các mẫu thiết kế, nhưng với các thành viên Hội quán Di sản, tiếp cận thị trường là bài toán khó. Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng trăn trở: "Để những sản phẩm nối tiếp truyền thống mỹ thuật Việt có thể lan tỏa trong cộng đồng thì nhóm kiến trúc sư, nhà thiết kế như chúng tôi không thể làm được. Bên cạnh đó, nếu sản phẩm nào có tín hiệu tích cực từ thị trường thì lập tức bị đánh cắp bản quyền. Đã vậy, họ lại sao chép một cách cẩu thả, làm xấu đi hình ảnh di sản Việt. Thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị truyền thông cần vào cuộc để thay đổi nhận thức của cộng đồng".

Chí Dũng

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/31247802-noi-mach-my-thuat-truyen-thong.html