Nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa làng

Với mong muốn bảo tồn những ký ức, nét văn hóa đẹp của quê hương mình, những năm gần đây, người dân Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) đã cải tạo, chuyển đổi Nhà văn hóa B thôn 2 thành một bảo tàng nhỏ, thu hút rất đông du khách tới tham quan, tìm hiểu.

Ông An Đức Độ giới thiệu về những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng

Dù chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 20km, thế nhưng miền quê Yên Mỹ vẫn còn lưu giữ được khá nhiều công trình kiến trúc cổ đã nhuốm màu thời gian, nằm lẩn khuất trên con đường làng nhỏ quanh co, ôm viền lấy những nếp nhà xưa cũ. Thấy khách lạ tới là người dân đã hỏi thăm ngay “Vào bảo tàng đúng không?” và chỉ đường rất tận tình.

Chị Nguyễn Thị Hà, cán bộ Phòng Văn hóa xã Yên Mỹ hào hứng chia sẻ với chúng tôi: “Đồ quý nếu giữ cho riêng mình thì chỉ là niềm vui nhỏ, nhưng chung tay cùng mọi người xây dựng bảo tàng thì niềm vui sẽ được nhân lên gấp bội”. Xuất phát từ suy nghĩ ấy mà từ năm 2019 tới nay, người dân trong xã đã cùng đóng góp những tư liệu, hiện vật nhằm tái hiện quá trình hình thành, phát triển cũng như phản ánh nét đẹp truyền thống, tập quán của quê hương mình. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, nhà truyền thống xã Yên Mỹ hiện đang là nơi trưng bày, lưu giữ hơn 300 hiện vật gắn liền với cuộc sống, lao động, sản xuất và chiến đấu của người dân địa phương. Không ít những tư liệu, hiện vật có tuổi đời hàng trăm năm, lại có hiện vật là những kỷ niệm gắn với cuộc sống quân ngũ của những người con Yên Mỹ từng tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường... Nhiều gia đình, cá nhân nhiệt huyết và hăng hái đóng góp cho nhà truyền thống như ông Trần Đức Hiệp ở xóm 4, bà Nguyễn Thị Hiếu ở xóm 8, bà Trần Thị Hòa ở xóm 9…

Tự hào giới thiệu với chúng tôi về “bảo tàng làng”, ông An Đức Độ người thôn 2 chia sẻ: “Khi tới tham quan, mọi người đều trầm trồ trước chiếc chum sành chứa được vài tạ thóc từng là vật dụng của gia đình ông Dạng ở xóm 9. Chiếc chum còn nguyên vẹn, không hề sứt mẻ, nước men bóng loáng, nhiều dân chơi đồ cổ đã trả giá hàng chục triệu nhưng gia đình ông nhất định không bán. Hay như chiếc bát có hình con gà từng được sử dụng trong bữa cơm gia đình ở thế kỷ XIX cũng được người dân tặng lại cho bảo tàng. Trong số các hiện vật còn có chiếc xe đạp Hữu Nghị mà Nhà nước đã tặng cho cụ Nguyễn Văn Năm, nguyên Chủ tịch xã Yên Mỹ thời kỳ 1957-1960. Khi xã kêu gọi quyên góp hiện vật, gia đình cụ Năm cũng thống nhất hiến tặng”.

Với số lượng hiện vật phong phú, chính quyền địa phương và nhân dân xã Yên Mỹ đã trưng bày, sắp xếp theo từng chủ đề, chủng loại riêng. Thế nên với những người yêu lịch sử, thích tìm hiểu về quá khứ, khi được hòa mình vào không gian này đều cảm thấy dung dị và gần gũi. Anh Mai Hữu Đại, một khách tham quan cho biết: “Ngắm nhìn những hiện vật và lắng nghe câu chuyện từ các hướng dẫn viên không chuyên, tôi thực sự thấy xúc động. Chiếc xe đạp, cái mâm đồng, đôi quang gánh, chiếc máy khâu… đều mang trên nó dấu ấn sinh hoạt đặc trưng của làng quê Bắc Bộ, nếu biết gìn giữ, sắp đặt sẽ trở thành gạch nối quá khứ với hiện tại đầy ý nghĩa. Các con tôi cũng rất thích thú trước những đồ vật chưa từng thấy bao giờ và chúng đã miêu tả lại trong bài tập làm văn của mình”.

Việc cộng đồng xây dựng bảo tàng “dân góp, dân trông” để tôn vinh và lưu giữ truyền thống đã thể hiện sự chuyển biến rất tích cực sau cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và quyết tâm đưa đời sống văn hóa tinh thần đi lên của người dân. Tuy nhiên, để hình thành và thúc đẩy những mô hình bảo tàng trong cộng đồng làng xã hoạt động hiệu quả, rất cần sự tham gia góp ý của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng để xây dựng được hệ thống sản phẩm hấp dẫn, độc đáo, mang đặc trưng riêng. Bảo tàng của làng cũng cần được tổ chức một cách khoa học với các công cụ sản xuất, sản phẩm nghề truyền thống, công nghệ, kỹ năng sản xuất, lễ hội, sinh hoạt văn hóa gắn với lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng dân cư đó...

Có thể thấy, sự xuất hiện của bảo tàng dù nhỏ hay lớn, ở quy mô thôn xóm hay quốc gia cũng có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và ý thức của người dân đối với việc bảo tồn, phát huy di sản. “Bên cạnh đó, bảo tàng còn là trường học thứ hai của các thế hệ học sinh, là nơi “gửi gắm sự tôn trọng đối với các bậc tiền nhân và quyết tâm lưu giữ những nét đẹp văn hóa từ quá khứ”, như lời của ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ đã chia sẻ.

VŨ MỪNG - HÀN THỦY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/%C4%91oi-song-van-hoa/artmid/570/articleid/39546/noi-luu-giu-nhung-net-dep-van-hoa-lang