Nơi lưu giữ những 'mảnh vỡ' chiến tranh

Sau hơn 10 năm thành lập, bảo tàng tư nhân với tên gọi Bảo tàng 'Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày' của cựu chiến binh Lâm Văn Bảng ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội đã sưu tầm được hơn 4.000 hiện vật, kỷ vật từ thời chiến tranh để lại.

Những ngày này, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2019), cũng là thời điểm nhiều du khách không quản ngại đường sá xa xôi đến tham quan bảo tàng của cựu chiến binh Lâm Văn Bảng. Bảo tàng thành lập vào tháng 10-2006 và được tọa lạc trên mảnh đất rộng khoảng 2.000 m2 của gia đình ông Bảng.

 Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng.

Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng.

Trao đổi với chúng tôi, cựu chiến binh Lâm Văn Bảng cho biết, ông sinh ra trong gia đình có 5 anh em. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1965 ông lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sĩ Trung đoàn Bình Giã. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dây mùa xuân năm 1968, ông bị thương và bị địch bắt giam ở nhà lao Biên Hòa rồi sau bị đày ra nhà tù ở Phú Quốc. Năm 1973, ông cùng nhiều đồng đội khác được trao trả theo Hiệp định Pa-ri.

Trở về sau chiến tranh, năm 1985, ông Bảng được giao phụ trách mảng giao thông (Công ty 208 quản lý đường bộ). Trong khi chỉ huy sửa chữa Cầu Giẽ, đơn vị của ông phát hiện một quả bom rất lớn nằm ngay dưới chân cầu. Sau khi xử lý quả bom an toàn, ông Bảng cho công nhân xây một cái bệ ngay trước cầu rồi đặt quả bom lên để trưng bày. Chính ông cũng không ngờ rằng, việc làm này đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người dân địa phương và khách đi đường… Đó cũng là lý do thôi thúc ông kiếm tìm những di vật cũ để thành lập ra bảo tàng hôm nay.

“Sau nhiều ngày trăn trở, tôi nghĩ rằng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều anh em khác, bởi tôi còn có ngày trở về nhưng còn rất nhiều đồng đội khác mãi mãi nằm dưới lòng đất. Chứng kiến hình ảnh đồng đội của mình ngã xuống, hay phải hứng chịu những trận đòn tra tấn dã man của giặc khiến tôi không thể nào quên. Từ đó tôi quyết tâm đi tìm những kỷ vật của thời chiến và gìn giữ những kỷ vật đó như để tri ân những đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc, cũng như vạch rõ tội ác chiến tranh của kẻ thù để thế hệ mai sau biết...”, ông Bảng chia sẻ.

Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng giới thiệu với du khách về những hiện vật tại bảo tàng.

Cũng theo chia sẻ của cựu binh Lâm Văn Bảng, cái khó khăn lớn nhất khi đi sưu tầm các kỷ vật một phần là do tuổi cao, sức yếu việc đi lại khó khăn, nguồn kinh phí hạn hẹp... Đặc biệt, ban đầu gia đình, làng xóm và đồng đội chưa hiểu hết ý nghĩa về việc làm của ông nên không mấy tán thành. Chính vì vậy sau khi sưu tầm được một số kỷ vật, ông Bảng chỉ đem trưng bày trong căn phòng nhỏ của gia đình như những món đồ lưu niệm và đem ra giới thiệu khi có những đồng đội cũ đến thăm. Nhưng sau bao tháng ngày rong ruổi khắp nơi và sự cố gắng không biết mệt mỏi, số lượng kỷ vật ông sưu tầm được ngày một tăng lên, việc làm của ông dần dần được nhiều người biết đến và ủng hộ.

Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, Bảo tàng “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” hiện đang trưng bày, lưu giữ hơn 4.000 hiện vật, được chia thành 10 phòng chuyên đề. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến là phòng số 1, đây là đền thờ các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở Phú Quốc. Các phòng tiếp theo cũng được trưng bày nhiều bức ảnh, mô hình các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - ngụy; giới thiệu tấm gương trung kiên của chiến sĩ cách mạng; những hiện vật quý về sự lãnh đạo của chi bộ Đảng ở nhà tù; những chiếc sáo bằng tôn, mô hình phòng họp chi bộ…

Ông Bảng cho biết, mỗi hiện vật, kỷ vật được trưng bày, lưu trữ tại bảo tàng hiện nay tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó những câu chuyện sống động, bi hùng về những ngày tháng tù đày gian khổ nhưng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Ví dụ như là lá cờ Đảng, do người bạn tù Phú Quốc tự thêu trong khi bị giam giữ. Lá cờ chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá, được những người tù truyền tay nhau giữ suốt nhiều năm… Và nhiều kỷ vật khác cũng đã từng nuôi dưỡng niềm tin giúp các chiến sĩ cách mạng bền chí và kiên cường đấu tranh với kẻ thù.

Nhớ lại những ngày khi mới thành lập, bảo tàng này chỉ có khoảng 2.000 hiện vật, kỷ vật, hình ảnh do các chiến sĩ, đồng đội trao tặng lại. Với những nỗ lực sưu tầm, lưu giữ kỷ vật thiêng liêng cùng nhiều hoạt động ý nghĩa, Bảo tàng “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” đã nhiều lần vinh dự được các cấp lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội về thăm, khen thưởng. Riêng đối với cá nhân ông Lâm Văn Bảng đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2014 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…

Bài, ảnh: ĐỖ THÊU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/noi-luu-giu-nhung-manh-vo-chien-tranh-583199