Nơi lưu giữ nghề truyền thống

Mang đậm dấu ấn văn hóa của người đồng bào dân tộc K'Ho với những kiểu dáng và hoa văn trang trí riêng biệt, những sản phẩm từ nghề đan lát tại thôn Bảo Tuân (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đang được lưu giữ và phát huy hiệu quả.

Bà Ma De (60 tuổi, thôn Bảo Tuân, xã Bảo Thuận) là một trong số những người dân đang gắn bó và phát huy nghề truyền thống của người xưa để lại

Bà Ma De (60 tuổi, thôn Bảo Tuân, xã Bảo Thuận) là một trong số những người dân đang gắn bó và phát huy nghề truyền thống của người xưa để lại

Chúng tôi về thôn Bảo Tuân, nơi có 195 hộ dân, trong đó người đồng bào dân tộc K’Ho chiếm 60%. Ở đây, hầu hết người dân vẫn còn duy trì nghề truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm,… của cha ông để lại. Những ngày nông nhàn, bà con trong xóm lại quây quần bên nhau, vừa trò chuyện vừa tranh thủ cho ra những sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu của cuộc sống.

Trải qua hơn 60 “mùa rẫy”, nhưng đôi bàn tay thoăn thoắt của bà Ma De - người gắn bó với nghề đan lâu nhất ở thôn Bảo Tuân vẫn tự mình làm đủ các công đoạn để tạo ra một sản phẩm. Bà Ma De tâm sự: “Nghề đan lát của đồng bào dân tộc K’Ho có từ rất lâu rồi. Từ xa xưa cuộc sống hàng ngày của bà con gắn liền với làm nương, làm rẫy nên cần nhiều nông cụ để sinh hoạt, sản xuất. Điều khác biệt với các dân tộc khác là người K’Ho đan lát quanh năm, hơn nữa trong gia đình, đan lát là việc của cả đàn ông lẫn phụ nữ, đàn ông phải biết đan gùi còn đàn bà thì đan sớp cơm, túi xách... nên từ bé tôi đã được ông bà, bố mẹ truyền dạy lại”.

Cũng theo bà Ma De, một trong những công đoạn quan trọng nhất là tìm kiếm nguyên liệu. Các loại nguyên liệu chính sau khi đưa từ rừng về bao gồm những loại: lồ ô, cói, cây tỳ... và phơi khô để không bị mối mọt. Người dân thường lấy nguyên liệu vào ngày không có trăng, còn riêng các loại cây để tạo màu như: cây pết, tỳ, sơ đoă thì chọn loại cây già lắm nhựa để cho được màu chuẩn khi nhuộm.

Tại nhà ông K’Bêng (67 tuổi), một người đan gùi “chuyên nghiệp” ở thôn Bảo Tuân, ông có thể đan hoàn thành bằng tay được 2-3 chiếc gùi trong hai ngày. Những chiếc gùi nhỏ ngoài để phục vụ cho gia đình, ông K’Bêng còn bán gùi lớn với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/chiếc cho những người thu mua bán để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất bây giờ của ông K’Bêng không phải là tạo ra thật nhiều sản phẩm để cung cấp cho gia đình, thị trường, mà chính là đã truyền lại được nghề này cho những đứa trẻ trong thôn. “Tôi cũng có tuổi rồi, cũng không thể có sức đan được mãi. Mấy năm nay, tôi đang cố gắng chỉ dạy cho các con, các cháu trong nhà cũng như trong thôn nắm bắt được kỹ thuật đan gùi, lưu giữ lại cái nghề cũng như phong tục truyền thống bao đời cha ông để lại” - ông K’Bêng chia sẻ.

Theo người dân nơi đây, những họa tiết của người K’Ho có nét khác biệt, khó nhầm lẫn so với những sản phẩm đan lát của người đồng bào dân tộc Churu hay Châu Mạ. Đó thường là loại hoa văn hình học gấp khúc cùi chỏ và hình quả trám được bố trí ở phần thân, phần miệng hoặc chạy đường viền như: chiếu, sớp đựng cơm...

Trên chiếu và sớp thường phổ biến các loại hoa văn hình móng chân chó, hình vỏ rùa… Người K’Ho còn tự nhuộm nan, sợi để đan hoa văn và màu sắc chủ đạo cho các sản phẩm là màu đỏ để tạo dấu ấn riêng.

Trao đổi với chúng tôi, ông K’Broh - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận nhận xét, những người biết đan lát giỏi ở trong thôn Bảo Tuân chỉ còn ở những người lớn tuổi, còn người trẻ hiện nay không còn mặn mà với nghề này nữa. Bởi, đối với người già thì đó là nét đặc trưng của bà con người đồng bào dân tộc K’Ho, nhưng giới trẻ giờ chỉ muốn ra ngoài kiếm tiền và sống theo lối hiện đại, mới mẻ. Trong khi, người dân thường thích chọn mua các vật dụng bằng nhựa, inox, nhôm ở chợ rẻ, tiện lợi nhưng không bền, kém thân thiện với môi trường.

Theo ông K’Broh, nhìn vào thực tế hiện nay, nhiều nghề truyền thống đang dần bị lãng quên nhưng có một bộ phận người tiêu dùng vẫn tin tưởng, lựa chọn các mặt hàng thủ công do đồng bào dân tộc thiểu số tự tay làm ra. Hiện nay, thôn Bảo Tuân là thôn duy nhất của xã đang có người gắn bó với nghề đan lát. Để bảo tồn và lưu giữ lâu dài trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tập hợp các nghệ nhân cao tuổi, am hiểu nghệ thuật đan lát nhằm truyền dạy cho những thế hệ mai sau có nhu cầu tìm hiểu và học hỏi, từ đó bảo lưu một cách đầy đủ và hiệu quả nhất giá trị văn hóa của nghề truyền thống.

Và chắc hẳn, những sản phẩm được làm từ cỏ cây tự nhiên dần trở nên độc đáo hơn nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của người dân tộc K’Ho tại thôn Bảo Tuân. Nghề truyền thống này không chỉ giúp đỡ người dân địa phương có thêm việc làm những lúc nông nhàn, mà còn duy trì, gìn giữ và phát huy tốt nghề truyền thống của cha ông để lại.

Thân Hiền

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/noi-luu-giu-nghe-truyen-thong-72676