Nơi lưu giữ nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam

Làng nhiếp ảnh Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được biết đến là một làng nghề độc nhất vô nhị, chuyên 'lưu giữ' khoảnh khắc thời gian. Nếu không rành lai lịch của Lai Xá, thật khó hình dung được rằng đây lại là nơi 'phát tích' của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

Làng nghề nhiếp ảnh độc đáo

Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá thuộc xã Kim Chung (huyện Hoài Đức), cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 15km về phía Tây. Làng gồm có 5 xóm và có một phố dài chưa đầy 1km. Nếu là du khách thập phương và không rành lai lịch của Lai Xá thật khó hình dung được rằng đây lại là nơi “phát tích” của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

Không gian trưng bày tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Ảnh: Phương Ngân

Không gian trưng bày tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Ảnh: Phương Ngân

Một ngày tháng 6, có dịp về làng Lai Xá và trò chuyện với ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, chúng tôi mới phần nào hiểu về ngôi làng truyền thống 120 năm. Lịch sử của làng kể lại, cụ Nguyễn Đình Khánh (tức Khánh Ký) là tổ nghề nhiếp ảnh của làng. Từ những năm 1890, cụ Khánh Ký học nghề ở hiệu ảnh Du Chương của người Hoa.

“Với tư chất thông minh, nhanh nhẹn, sau 2 năm học, cụ Khánh có thể chụp ảnh và làm các công tác hậu kỳ nghề ảnh một cách thành thạo. Vì thế cụ đã tách ra, tự mở một hiệu ảnh mang tên Khánh Ký trên phố Hàng Da, Hà Nội. Chỉ trong thời gian ngắn, hiệu ảnh này nổi tiếng khắp đất Kinh Kỳ ngày đó", ông Nguyễn Văn Thắng thuật lại câu chuyện.

Cửa hàng Khánh Ký mở ra rất đông khách, có lúc lên tới vài chục người vừa học vừa làm. Khi trò đã thạo nghề, cụ còn bố trí cho việc làm kiếm ăn. Không ít học trò đã tự mở được hiệu ảnh làm riêng. Cũng như thầy, họ lại tuyển dụng và cưu mang người Lai Xá. Từ những hiệu ảnh của học trò cụ Khánh Ký đã sinh ra một đội ngũ đông đảo những người thợ ảnh lành nghề. Cứ như vậy, thế hệ nọ tiếp thế hệ kia mà Lai Xá trở thành một làng nhiếp ảnh.

Những người thợ ảnh Lai Xá đến với nghề, gắn bó với nhau bởi nghề và bởi mối quan hệ huyết tộc. Người đi trước mời gọi và giúp người đến sau. Vì nghề cần nhiều nhân lực, do đó, có thời điểm nghề làm ảnh lôi cuốn ước đến 80% số gia đình ở làng Lai Xá theo nghề. Dần dần, các hiệu ảnh của người Lai Xá đã được mở ở khắp nơi trên cả nước. Không ít tỉnh còn mở đến hàng chục cửa hiệu ảnh đều mang tên Lai. Nào là Phúc Lai, Kim Lai, Tân Lai, hay Đức Lai, Đông Lai, Mỹ Lai... Tất cả đều thống nhất, đã là người làng mở hiệu ảnh, nhất thiết khi lấy tên bảng hiệu phải dính chữ Lai là vì thế. Hoặc nữa không dùng chữ Lai thì phải kèm chữ Ký, như Khánh Ký, Thịnh Ký, hay Đức Ký, An Ký, Thiện Ký... Hàng ngàn người làng đã trở thành những thợ ảnh lành nghề, có người trở thành “vua buồng tối”, “bàn tay vàng” về ảnh tô màu hay nghệ sĩ nhiếp ảnh với nhiều tác phẩm nổi tiếng ghi lại những khoảnh khắc, những dấu ấn lịch sử, văn hóa.

Cuối những năm 1920, đầu năm 1930, nhận thấy tiềm năng phát triển, người làng tỏa đi khắp đất nước mở hiệu ảnh và làm nghề ở những đô thị phát triển như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Phú Thọ, Sài Gòn... Khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào năm 1946, nhiều thợ ảnh Lai Xá vốn quen với chụp ảnh cửa hiệu đã nhanh chóng chuyển sang chụp ảnh lưu động hoặc làm cho các đơn vị quân đội, cơ quan, một số trở thành nhà báo nhiếp ảnh. Đây là một hướng thay đổi rất quan trọng của nghề ảnh Lai Xá. Theo thời gian, một lớp phóng viên nhiếp ảnh Lai Xá hình thành và ngày càng phát triển.

Đó là phóng viên tại các báo Nhân dân, Tiền phong, Thông tấn xã Việt Nam, Tuổi trẻ... Đặc biệt, có thể kể đến như Vũ Đình Hồng phóng viên nhiếp ảnh được phân công chuyên chụp hoạt động của Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước trong suốt nhiều năm hay Nguyễn Văn Giá là liệt sĩ nghệ sĩ quay phim. Nhiều bức ảnh bảo chí và nghệ thuật của họ đã để lại dấu ấn cho xã hội, đất nước.

Nỗ lực gìn giữ kỷ vật “kể chuyện” làng

Trải qua thời gian trên một thế kỷ với bao biến cố bao thăng trầm, nghệ thuật nhiếp ảnh truyền thống vẫn được người dân Lai Xá quan tâm. Nó vẫn là một phần cuộc sống ở đây dù không còn được hưng thịnh như xưa. “Nhiều người yêu nhiếp ảnh ở Lai Xá ngày càng nhận ra sự mai một của nghề nhiếp ảnh truyền thống, điều đó sẽ khiến “vài chục năm nữa, những người con Lai Xá sẽ chỉ còn “nghe nói” về làng nghề này, nếu như tập thể không lưu giữ lại hiện vật, ký ức về làng nghề”, ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ. Từ nhận thức đó, các thành viên của Câu lạc bộ yêu nhiếp ảnh Lai Xá đã trao đổi với người dân trong thôn và lãnh đạo thôn về việc xây dựng một nơi để lưu giữ lịch sử đầy vẻ vang của làng.

Vào tháng 5 năm 2017, nhân kỷ niệm 125 năm cụ Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh, nhân dân trong làng đã tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá - bảo tàng đầu tiên của cộng đồng một thôn (một làng) được xây dựng hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa nhằm bảo tồn và giới thiệu di sản truyền thống của mình.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá chia sẻ về quá trình tìm kiếm tư liệu, hiện vật. Ảnh: Phương Ngân

Bảo tàng là một tòa nhà 2 tầng, tọa lạc ở giữa làng, cạnh đình Đụn với tổng diện tích trưng bày gần 300m2 với khoảng 150 tấm ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt trưng bày; 15 tủ kính, bàn trưng bày với trên 100 hiện vật gắn với lịch sử phát triển của nghề. Mặc dù có diện tích không lớn, nhưng không gian trưng bày của bảo tàng vẫn rất đa dạng. Từ không gian của tổ nghề nhiếp ảnh, nhiếp ảnh xưa, không gian bếp núc của người thợ ảnh truyền thống cho tới không gian của nhiếp ảnh hiện nay của làng Lai Xá. Cách xếp đặt hiện vật, bố trí phù hợp với từng câu chuyện mà mỗi không gian muốn gửi gắm, từ màu sắc đượm mùi xưa cũ của nhiếp ảnh xưa cho tới không gian mờ ảo và chật chội vốn có của căn phòng tráng rửa ảnh truyền thống, tất cả đều thể hiện sự xếp đặt khoa học, ẩn ý kể chuyện.

Để có được những tư liệu hết sức quý giá đó là nhờ ông Nguyễn Văn Thắng đã cùng một số nhiếp ảnh gia của làng như ông Nguyễn Văn Nhật, Phạm Văn Nên, Lê Đình Thái... tổ chức một “ban vận động” để đi tìm kiếm và thuyết phục các gia đình còn sở hữu hiện vật nhiếp ảnh của làng Lai Xá đóng góp. Hành trình tìm kiếm tư liệu đã giúp ông đến được nhiều mảnh đất và gặp gỡ với những con người có chung niềm đam mê nhiếp ảnh. “Chúng tôi tự bỏ kinh phí và đi tìm gặp các gia đình người Lai Xá giờ làm nhiếp ảnh ở tận Hải Dương, Sơn Tây, Yên Bái ... Và cũng phải mất gần một năm trao đi đổi lại. Vì họ vẫn còn phải “nghe ngóng” xem chúng tôi đang làm gì thì mới tin tưởng giao kỷ vật”, ông Nguyễn Văn Thắng kể lại.

Khi đã xây dựng được lòng tin, có những hiệu ảnh như ông Phí Đức Long ở Yên Bái mang tới cả... một ba lô chứa hàng chục hiện vật quý giá để đóng góp cho bảo tàng. Hay như vào cuối tháng 2 năm 2020, ông Nguyễn Văn Thắng đã liên hệ và gặp được vợ chồng chủ hiệu ảnh Mỹ Lai ở thành phố Hồ Chí Minh để đón nhận 2 máy ảnh gỗ cổ có giá trị lịch sử rất lớn mang về trưng bày tại bảo tàng. Suốt 3 năm cần mẫn, hoạt động hết mình vì bảo tàng nhiếp ảnh, ông Nguyễn Văn Thắng không quản ngại bất cứ công việc nào. “Tôi phụ trách làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá - Câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, hiện nay phụ trách thêm cả bảo tàng, tất cả đều là tự nguyện. Những việc làm của mình như một lời tri ân với tổ tiên, với quê hương đã nuôi mình khôn lớn”, ông Nguyễn Văn Thắng tâm sự./.

Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/noi-luu-giu-nghe-thuat-nhiep-anh-viet-nam-124985.html