Nơi luôn ngập tràn nụ cười hạnh phúc

Tiếp nhận nuôi dưỡng, phục hồi chức năng (PHCN), dạy chữ, hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ khuyết tật để tái hòa nhập cộng đồng, là nhiệm vụ cao cả mà các Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật của TP Hà Nội đã và đang thực hiện trong nhiều năm qua.

Có thể nói Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) vừa là trường học vừa là ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật trên địa bàn TP Hà Nội. Tại ngôi trường “hai trong một” này có rất nhiều chuyện cảm động về tình thầy trò, về tình yêu thương, tạo thành điểm tựa vững chắc cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nỗ lực vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

Đến với trung tâm vào một ngày cuối tuần, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi người mở cổng đưa chúng tôi vào lại là một em nhỏ chừng 15 tuổi. Em dẫn chúng tôi vào với nụ cười tươi trên môi và ánh mắt sáng ngời đầy sự thích thú. Khi được biết có PV đến xin phỏng vấn và chụp ảnh mình, các em nhỏ liền chạy đến rối rít, tạo dáng và cười rất tươi. Một em nhỏ nắm tay tôi, kéo tôi ra chỗ khuôn viên chụp ảnh, em nói: “Em thích chụp ảnh lắm chị ạ, ngày trước, mỗi lần có người đến chụp ảnh bọn em là em lại ra chụp, vui lắm chị ạ”. Nhìn em nói, ánh mắt em sáng ngời đầy thích thú, tôi không khỏi chạnh lòng khi biết rằng một đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên như vậy mà lại phải chịu quá nhiều thiệt thòi của cuộc sống.

Dù gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nhưng những nụ cười tươi luôn là điều dễ bắt gặp nhất tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. Ảnh: N. Đăng

Dù gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nhưng những nụ cười tươi luôn là điều dễ bắt gặp nhất tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. Ảnh: N. Đăng

Cứ ngỡ cuộc sống khó khăn như vậy sẽ khiến các em mất đi niềm vui, nụ cười, vậy mà trái ngược với điều đó, các em nơi đây đều rất yêu đời, tự tin, thân thiện và hòa đồng với mọi người xung quanh. Như biết được hoàn cảnh của mình, các em đều rất yêu thương nhau. Khi chúng tôi đến cũng là lúc các em đang chơi trò chơi dưới sân trường, nhìn thấy các em thân thiết với nhau, nắm tay nhau, trao cho nhau những cử chỉ yêu thương mà chúng tôi không khỏi xúc động và nghĩ rằng đây mới là ngôi nhà thực sự của các em.

Bên cạnh những hoạt động vui chơi giải trí, các em còn rất hăng say tham gia những hoạt động xã hội như dọn vệ sinh môi trường, viết thư gửi tặng thầy cô. Những tờ báo tường đầy màu sắc được trưng bày ngay ngắn trong phòng Hội đồng của trung tâm. Nhìn vào những tờ báo tường với những hình vẽ và dòng chữ ngay ngắn, ít ai nhận ra rằng đây lại là những tờ báo tường của những đứa trẻ khuyết tật bẩm sinh. Mỗi tờ báo không chỉ ẩn chứa tình yêu thương của các em dành cho thầy cô giáo mà sâu thẳm là khát vọng được tự do hòa mình với cộng đồng, được sống cuộc sống như bao đứa trẻ khác của các em.

Em Lê Thị H (18 tuổi), học sinh lớp 5 nhờ giáo viên chủ nhiệm Phạm Thị Phương “phiên dịch” khi trò chuyện với chúng tôi. Em cho biết mình đến từ xã Vân Côn (huyện Hoài Đức), trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước khi vào Trung tâm, em rất tủi khi thấy bạn bè cùng trang lứa vui vẻ nói cười, tung tăng đến lớp, còn em không nghe được, không nói được cũng không được đi học. Sau 7 năm sống và học tập tại Trung tâm, Lê Thị H hiểu rõ khả năng của mình nên cố gắng học tập tốt. Học hết tiểu học, em muốn học tiếp THCS để có thêm kiến thức.

Không chỉ là nơi chắp cánh ước mơ, ngôi trường đặc biệt này đã ươm mầm hạnh phúc cho nhiều người khuyết tật. Chuyện tình yêu nảy nở giữa anh Nguyễn Thanh Sơn và chị Nguyễn Thị Hòa trong những năm tháng sống tại Trung tâm diễn ra hơn 10 năm trước, giờ vẫn được nhắc đến như câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Nhờ sức mạnh tình yêu, hai người khiếm thính cố gắng học tập tốt để có tương lai tươi sáng. Anh Nguyễn Thanh Sơn hiện là giáo viên trợ giảng của khoa Giáo dục đặc biệt, trường ĐH Sư phạm Hà Nội; chị Nguyễn Thị Hòa là quản đốc phân xưởng tại Cty TNHH May mặc 18-4 Hà Nội. Họ lấy nhau, sống hạnh phúc, có hai con khỏe mạnh.

Bén duyên từ lớp học đặc biệt, anh Phạm Văn Vượng và chị Nguyễn Thị Hoa đã nên vợ, nên chồng hơn 10 năm nay. Không cam chịu cảnh nghèo, anh Vượng nỗ lực học nghề, mở xưởng mộc tại xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên), phát triển kinh tế gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều người khuyết tật. Trường hợp khác là anh Lê Khánh Hưng, lớn lên tại Trung tâm rồi bước vào cuộc sống, anh đã đi học nâng cao, đi làm rồi quay lại Trung tâm chăm sóc, quản lý trẻ khuyết tật trí tuệ. Sự trưởng thành của anh Hưng đã truyền cảm hứng, nghị lực sống cho những người em cùng cảnh ngộ.

Trung bình mỗi năm, Trung tâm có hơn 10 học sinh tốt nghiệp bậc tiểu học, tiếp tục học lên cao hoặc hòa nhập xã hội. Họ được nhiều DN, cộng đồng đón nhận, nhưng không phải ai cũng có thể làm việc lâu dài do rào cản về ngôn ngữ.

Ngày chúng tôi đến trung tâm cũng là ngày mà có một đội thanh niên tình nguyện đến. Được biết, đội thành lập với mục đích giúp đỡ các em nhỏ ở những trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật trên địa bàn Hà Nội, thành phần của đội là những sinh viên trẻ có tấm lòng yêu thương nhân ái thuộc các trường ĐH trên địa bàn TP Hà Nội. Khi nhìn thấy đội tình nguyện từ xa, các em nhỏ liền chạy đến, ôm chầm lấy từng người một rồi trêu đùa các thành viên trong đội. Có lẽ, các em đã quá quen với hình ảnh của đội tình nguyện và coi các thành viên trong đội như những người anh, người chị của mình…

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/noi-luon-ngap-tran-nu-cuoi-hanh-phuc-149964.html