Nỗi lòng thầy cô vùng biên đến trường bằng cần cẩu sau lũ dữ

Trận lũ lịch sử xảy ra hồi giữa tháng 10 vừa qua để lại nhiều thiệt hại nặng nề cho các vùng núi dọc biên giới Việt – Lào, cuộc sống của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Vừa qua, những hình ảnh và video ghi lại cảnh người dân qua sông bằng cách leo lên chiếc gầu của máy múc đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Những hình ảnh này được ghi lại bởi các thầy cô giáo Trường tiểu học Yên Thắng 1. Đây là thực tế diễn ra tại bản Vịn, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa).

Các thầy giáo phải leo lên cần cẩu máy múc để qua sông

Do trận mưa lũ lịch sử vừa qua đã khiến cây cầu bị lũ cuốn trôi, các thầy cô giáo muốn đi qua sông để đến lớp dạy phải leo lên cần cẩu máy múc để được đưa sang bên kia bờ. Những ngày không có máy múc, các thầy cô không qua được sông, đồng nghĩa với việc không thể đến lớp dạy. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học của thầy trò trường tiểu học Yên Thắng 1.

Con đường đến trường dạy học gian nan của thầy cô trường Yên Thắng 1

Tuy nhiên, thông tin từ UBND huyện Lang Chánh cho hay, trên dòng sông này, hiện một cây cầu mới đang được tiến hành xây dựng. Trong tương lai, những khó khăn này sẽ được giải quyết, giúp cho việc đi lại của người dân được thuận lợi hơn.

Cũng trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), thầy và trò Trường Tiểu học Yên Khương 1 tại bản Hằng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) cũng đang trải qua khó khăn, thiếu thốn do hậu quả của mưa lũ để lại. Trận mưa lũ lịch sử vừa qua đã khiến cho ngôi trường nhỏ bên bờ suối này thiệt hại nặng nề.

Thầy Tạ Văn Biên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Khương 1 cho biết, trận mưa lũ đã khiến cho bếp ăn cùng toàn bộ đồ dùng sinh hoạt của các thầy cô giáo tại trường bị cuốn trôi. Theo ước tính của nhà trường, để khôi phục lại căn bếp và các đồ dùng phục vụ sinh hoạt cho thầy cô cũng cần đến khoảng hơn 70 triệu đồng.

Toàn bộ căn bếp ăn của nhà trường bị lũ phá hỏng

“Đây là số tiền quá lớn đối với một ngôi trường ở vùng núi như thế này. Trước mắt, Phòng giáo dục của huyện đã nhanh chóng hỗ trợ ngay bếp ga, xoong nồi, bát đũa để các thầy cô có cái nấu ăn. Tuy nhiên, về lâu dài thì sẽ rất khó khăn vì thầy cô không có không gian để sinh hoạt. Mong sao sớm nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền để nhà trường khôi phục lại cơ sở vật chất, ổn định cuộc sống cho các giáo viên”.

Lũ qua đi đã gần 1 tháng, tuy nhiên, ở những bản giáp biên như Xắng, Hằng, nơi đặt ngôi trường này vẫn còn chưa có điện cũng như sóng điện thoại. Thức ăn, nước sạch cũng vô cùng khan hiếm.

Thầy Biên bày tỏ lo lắng, trường có gần 100 học sinh, hầu hết các học sinh đều thuộc diện hộ nghèo.

“Có những gia đình mất nhà cửa, toàn bộ ruộng lúa bị đất đá san sấp hết nên không còn biết trông chờ vào đâu. Trước mắt, người dân ở đây đều có nguy cơ thiếu đói. Các học sinh cũng sẽ chịu cảnh đói ăn, ảnh hưởng đến việc học cũng như sức khỏe của các em”, thầy Biên trăn trở.

Lương Diễn

Nguồn ANTT: http://antt.vn/noi-long-thay-co-vung-bien-den-truong-bang-can-cau-sau-lu-du-213872.htm