Nỗi lòng người mẹ có con xuống tay nhẫn tâm với cậu ruột

Bà Tuất ngồi bệt ngoài hành lang khóc thút thít. Bà không dám nhìn đứa con trai đang đứng trước bục thẩm vấn. Với bà lúc này, có nhiều lời muốn thốt ra nhưng rồi cũng chỉ gói gọn trong tiếng thở dài...

Ngày Tòa đưa vụ án con trai ra xét xử, bà Tuất có mặt từ rất sớm. Bà tự vấn, không biết với tội danh “giết người” phải chăng đón con trai bà sẽ là tử lộ? Hoặc nếu như không đến mức ấy thì hẳn ngày đoàn tụ gia đình với con trai cũng sẽ vô cùng xa xôi. Mọi suy nghĩ đan chéo vào nhau như một mớ tơ vò khiến đầu óc bà thêm phần mụ mị.

Đã khá lâu bà Tuất không được nhìn mặt con cũng vì thế cái sự ngóng trông của bà tăng lên theo từng nhịp thời gian. Những đoạn ký ức “tai họa đầy đau buồn” của gia đình bà muốn quên đi nhưng càng không thể. Đặc biệt khi đối diện với phòng xét xử, ký ức đó lại kéo bà lại gần hơn khiến cả người bà run rẩy. Bà Tuất đưa tay đặt lên ngực, nhìn về phía chiếc xe chở phạm vừa trờ tới. Ánh mắt bà dán chặt vào Vũ không rời. Kiểu như bà sợ chỉ cần bà chớp mắt một cái thôi sẽ không còn thấy con trai đâu nữa.

Lê Hữu Thế Vũ (SN 1991, trú xã Quế Phú, H. Quế Sơn, Quảng Nam) con trai bà Tuất là bị cáo trong vụ án “Giết người” mà TAND tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử. Ngay khi nhìn thấy bà Tuất, Vũ đưa tay ra như muốn vẫy chào mẹ nhưng vướng còng nên nửa chừng lại thôi. Vũ cúi sầm mặt xuống, bước vội vào trong, cả người như thấp đi vài phần vì khổ sở. Khác với suy nghĩ của mọi người, bà Tuất nhanh chóng lặng lẽ rời khỏi đó, bước đến bậc tam cấp, thở dài để cho tấm thân tự động ngồi phịch xuống đất, đưa tay lau nước mắt.

Bị cáo Lê Hữu Thế Vũ

Bị cáo Lê Hữu Thế Vũ

Tòa bắt đầu xét xử, qua lời khai của Vũ một lần nữa vụ án được tái hiện. Vào chiều 1/2/2019, Vũ gặp dì ruột là bà Phạm Thị Thu Th. (SN 1976) vừa đi vừa khóc trên đường. Vũ đến hỏi thì biết chuyện dì và mẹ vừa đến thăm ông ngoại nhưng bị cậu ruột là Phạm Thường (SN 1962) ngăn cản và chửi bới, đuổi về. Nghe vậy, Vũ bực tức, nảy sinh ý nghĩ nếu gặp ông Thường sẽ đánh cho hả giận. Khoảng 19 giờ cùng ngày, Vũ đến nhà anh N. (trú cùng thôn) dự tiệc tất niên, lúc đó Vũ nhìn thấy ông Thường đang chạy xe máy đến nên muốn một lần “đòi lại công bằng” cho mẹ và dì. Sẵn có hơi men trong người, Vũ nhớ lại chuyện cũ nên càng ấm ức, Vũ liền lấy 1 chai thủy tinh (vỏ chai nước ngọt) rồi đuổi theo đánh mạnh vào đầu ông Thường khiến nạn nhân choáng váng ngã nhào xuống đất. Chưa dừng lại, Vũ tiếp tục xông vào đấm vào đầu cậu mình.

Người dân chạy đến can ngăn, không những không ngăn được Vũ, ngược lại theo đà máu điên trong Vũ lại lên cao trào. Vũ tiếp tục chạy vào lấy 2 vỏ chai đập vỡ để làm hung khí xông ra hăm họa người dân không được đến gần. Lúc ông Thường gượng dậy thì bị Vũ xông tới đập vỏ chai vào đầu, mặt và ngực gục tại chỗ. Ông Thường ngay sau đó được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng. Kết quả giám định cho thấy, ông bị thương tích nghiêm trọng với tỷ lệ thương tích là 35%.

Phiên tòa có rất đông người tham dự, họ đều là người thân của bị cáo lẫn bị hại, gương mặt ai cũng rầu. Gia đình bị hại cũng chính là người thân ruột rà của bị cáo. Họ không cạch mặt nhau nhưng cái nhìn chẳng hề thoải mái. Cách sống, lối hành xử của ông Thường không thuận lòng người thân nhưng “cách bênh vực” cho mẹ và dì của Vũ lại chẳng thể nào chấp nhận được. May mắn ông Thường thoát chết nhưng Vũ lại phải đối diện với một án phạt cao về tội “giết người”. Đó cũng chính là cái giá mà Vũ phải trả cho sự thiếu kiềm chế của mình trong “đối nhân xử thế”. Càng đáng nói hơn, điều này khiến cho người làm mẹ như bà Tuất khó để vượt qua. Con trai vốn là hy vọng của bà, cả một tương lai phía trước bỗng khép lại bởi những năm tháng lao tù.

Mẹ của Vũ lo sợ không đủ thời gian để chờ con trở về

Đứng trước tòa, đối diện với người bị hại Vũ đã thực tâm hối lỗi. Chưa bao giờ Vũ thấy thời gian qua chậm đến vậy. Những ngày ở trại tạm giam Vũ đếm từng giờ vì thương mẹ, nhớ vợ con. Vũ nhận ra rằng, ngay lúc này những thứ anh cố gắng để giành lấy thì lại biến mất càng nhanh, đó chính là thời gian và sự tự do. Vũ cũng biết con đường phía trước của mình đã bị phủ đầy bóng tối. Thời khắc đứng nghe VKS luận tội, Vũ dường như không dám thở mạnh. Anh ta ngẫng đầu lên, sự bình tĩnh trên gương mặt căng ra như thể chỉ cần chạm vào là vỡ nát. Dưới sự bình tĩnh ấy lại là một sự bất an và hoảng loạn cực độ.

12 đến 14 năm tù về tội “Giết người” là mức án mà VKSND tỉnh Quảng Nam đề nghị HĐXX tuyên phạt Vũ khiến bà Tuất choáng váng. Bà lặng lẽ bước ra khỏi phòng xét xử, bật khóc nức nở. Qua lời tâm sự của bà, một hoàn cảnh đáng thương về Vũ hiện hữu. Vũ có một tuổi thơ rất vất vả. 6 tháng tuổi, Vũ đã không còn tình thương của cha vì người đàn ông ấy đã bỏ đi theo người đàn bà khác. Kể từ lúc đó, 2 mẹ con nương tựa nhau sống qua ngày. Ai cũng nói tính tình Vũ xưa nay rất hiền lành, chẳng qua do có men trong người, thêm phần “ức” cho mẹ và dì nên mới hành động thiếu suy nghĩ như vậy. Điều bà Tuất sợ nhất lúc này chính là thời gian. Bà sợ sẽ không có đủ thời gian để chờ con trở về khi trong người đang mang căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Điều khiến bà lo lắng không kém chính là những tháng ngày sắp tới con dâu và đứa cháu nội mới được 4 tuổi sẽ không ai chăm sóc. Bà chỉ cầu mong pháp luật khoan hồng cho hành động dại dột của con trai để nó sớm về chăm lo cho gia đình và bên cạnh bà những ngày sau cuối.

Mọi sai lầm đều phải trả giá, Vũ trong vụ án này đã phải nhận lấy 8 năm tù về tội “Giết người”. Bây giờ thì Vũ thực sự thấy mình thất bại. Nếu như Vũ yêu thương mẹ, “đòi công bằng” cho mẹ theo cách khác thì đã không có kết buồn như ngày hôm nay.

Bà Tuất dù lưu luyến, không nỡ buông tay cách mấy thì cũng phải chấp nhận để Vũ bước lên xe trở lại trại tạm giam. Vũ mếu máo nhìn mẹ, gương mặt nhăn tít không thể dãn ra. Ánh mắt đỏ ngàu của Vũ đang quấn bện một cảm giác đau lòng sâu sắc!.

(Bị hại và các nhân vật liên quan đã được đổi tên)

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/noi-long-nguoi-me-co-con-xuong-tay-nhan-tam-voi-cau-ruot-37837.html