Nỗi lòng người chống dịch

Xuân đến với những cơn mưa rào quái đản làm ngập lụt đường phố rồi đến đợt gió mùa nối tiếp gió mùa, rét tê tái.

Dịch dữ ập tới khiến mùa hoa nở, lễ hội im lìm trong lo lắng. Lo cho bản thân cũng là lẽ thường. Ai cũng chỉ có một mạng sống, ai cũng muốn đi đến hết cuộc đời theo lẽ tự nhiên. Sau đó là lo lắng cho người thân, con cái. Trẻ con không đến trường, khẩu trang nơi công cộng...

Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Vội vã, thật nhanh rồi về nhà trước khi bóng tối và cái lạnh xộc tới. Con cái, gia đình tạm ổn rồi. Cho đến khi nhìn thấy hình của Lý Văn Lượng - bác sĩ trẻ trong máy thở nhưng mắt vẫn mở to với vẻ vẫn khỏe và ham sống, thách thức cái chết. Thế rồi anh ra đi thật, chẳng kịp để người ta bày tỏ hối hận hay tôn vinh. Bóng áo trắng trong bảo hộ trắng phau như những con tằm, ngủ vạ vật trên sàn nhà, gục xuống bàn. Khuôn mặt mệt mỏi với lằn khẩu trang, hằn đai mũ chằng chịt. Mẹ con chào nhau, nói chuyện với nhau trong tiếng khóc nấc vì mẹ vẫn chưa thể về ôm con, vẫn phải tôn trọng cự ly 2m. Y tế ở tuyến đầu. Chống dịch như ra trận nhưng không đì đoàng súng ống. Bình thản, nuốt khổ vào trong, không than trách, dẫu hy sinh cũng không bỏ trận tuyến.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam đang dần đến. Đội ngũ y tế quân y lẫn dân y, chuyên khoa và không chuyên khoa lẫn với người tình nguyện, không những toàn bộ hệ thống chính trị mà còn là cả lòng dân, hừng hực chống dịch. Mỗi chúng ta tự hào đứng trong đội ngũ của mình. Bảo vệ mình, bảo vệ người thân, đồng bào, đồng loại mình... không ai run sợ! Có chăng sẽ chạnh lòng nhớ đến những lúc y tế bị hiểu nhầm, bị ghẻ lạnh, thậm chí lên án. Mỗi chúng ta hàng sáng bước vào cổng bệnh viện luôn cầu mong chiều có thể về nhà sạch sẽ không một sai sót. Lòng người rộng mở, trái tim giàu vị tha, trí tuệ sáng soi... sai lầm, rất ít xảy ra và dễ khắc phục. Chúng ta có quyền được xin lỗi và được thứ tha. Những ai cố tình làm vấy bẩn áo trắng, xin hãy trừng phạt; còn với những ai có công, xin được tôn vinh nhưng thủ tục đừng rườm rà quá, ai hy sinh xin hãy công nhận liệt sĩ như đối với đồng chí công an làm nhiệm vụ, anh thanh niên tình nguyện cứu dân...

Xin nghẹn ngào cảm ơn các đồng nghiệp yêu quý đang gồng mình chống dịch.

Thương lắm đồng nghiệp tôi miệt mài trong tâm dịch

Chẳng kịp tội thân mình, chẳng kịp nghĩ xa xôi

Thương lắm những giọt mồ hôi trong lớp áo

Ai đã thử rồi... đã biết khổ cùng nhau

Ngày Tết đã trôi mau, nỗi đau thì còn đó

Cuộc chiến vẫn xoay vòng mong mỗi sự bình an

Người người còn lầm than... sao lo riêng thân mình được nữa

Hôn con rồi đi với trái tim rực lửa

Mai chị có về sau trận chiến vinh quang?

(Bài thơ của BS. Võ Ngọc Anh Thơ - Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh)

Phải rồi! Nếu qua được thì thật vinh quang. Sau nữa lại càng thấy yêu và trân quý áo trắng. Rất nhiều người sẽ sống tử tế hơn, biết hy sinh hơn, biết giúp đỡ và chia sẻ với người khác sau những biến cố tầm cỡ như thế này. Bởi ai cũng ngộ ra là: Người ta không thể sống một mình. Thêm nữa là ai cũng sẽ yêu cuộc sống này hơn nên sẽ sống vệ sinh hơn, chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Cuối cùng là phải có phương sách khác để đối phó với virus. Không cần bộ óc hay nặng mấy chục kilogam như con người mà sao chúng lại tiến hóa, nguy hiểm khó lường đến như vậy? Nếu chúng cứ biến đổi và tiến hóa không báo trước chúng ta thì loài người cần làm gì để khỏi bị bất ngờ.

BS. Hoàng Cương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/noi-long-nguoi-chong-dich-n169226.html