Nỗi lòng hoa xoan

Mở email, tìm trong những thư điện tử, sản phẩm thời công nghệ cao, lẫn trong rất nhiều những lời chào mời mua hàng, bất động sản bùi tai, tiện ích và hấp dẫn là bức thư không tên, không lời nhắn gửi, khiến tôi tò mò.

Kích chuột mở thư trong háo hức. Máy tính từ từ rà soát dữ liệu và hình ảnh cận cảnh về chùm hoa xoan cánh trắng xinh xen lẫn phơn phớt tím dần rõ nét. Ai đó rỗi việc gửi cho tôi bức ảnh này, hoặc cũng có thể là họ nhầm khi tiện tay gửi cho nhiều người? Ở thời công nghệ “4.0” mọi tình huống đều có thể xảy ra. Định bụng sẽ tắt cái trò vô bổ này để giải quyết việc cần kíp đang chờ đợi phía trước, tôi lia trỏ lên góc phải của bức ảnh để đóng lại. Nhưng chỉ được nửa chừng thì tự dưng tay tôi dừng lại như có lực vô hình ngăn cản. Có cái gì đó lờ mờ, khó tả chạy trong đầu đã níu giữ tay tôi. Ngoài cửa sổ, mưa xuân lất phất trong gió và đọng thành giọt trên những cành bàng khẳng khiu nhiều lộc non mới nhú màu nâu đỏ. Kỷ niệm thời niên thiếu bên chiếc giếng khu tập thể và rặng xoan già ngày nào chợt ùa về.

Ngày ấy, khu tập thể mà gia đình tôi sống có một chiếc giếng xây gạch được đào từ cuối thập niên 1970. Nền giếng được lát gạch đỏ chỉ rộng gần 10m2. Bốn xung quanh sân giếng được be bằng gạch chỉ vuông vắn nhưng không trát. Nước giếng trong mát và không bao giờ cạn là nơi cung cấp nước ăn, sinh hoạt cho các gia đình công nhân và cũng là không gian lý tưởng để bọn trẻ chúng tôi trêu đùa, nghịch ngợm…

Tôi còn nhớ, độ ấy vào buổi sáng xuân, khi những hạt mưa bụi nhỏ li ti giăng mắc khắp bầu trời thì Huyền học cùng lớp với tôi phát đi thông báo “hoa xoan nở”. Tin ấy bay nhanh đến mọi nhà và chẳng lâu sau bọn trẻ con trong khu đã tập hợp đông đủ để ngắm hoa xoan. Lúc này, từ các kẽ của muôn ngàn lộc non lá nõn màu xanh thẫm nhỏ tí xíu đung đưa trong gió nhẹ là những chùm hoa đang hồi hộp bật ra đẹp như một bức tranh. Sau những ánh mắt tò mò và tiếng ồn ào tranh nhau nhận công phát hiện hoa xoan nở, Huyền táo bạo đưa ra ý tưởng xây “công viên” dưới những gốc xoan cạnh sân giếng. Ngay lập tức, bọn trẻ con lao về nhà mang theo nào dao tông, cuốc, xẻng... Mặt đất lồi lõm dưới những gốc xoan nhanh chóng được những bàn tay cô bé, cậu bé chúng tôi san lấp trong huyên náo, hăng say. Chiều ấy, chúng tôi đi nhặt những đoạn tre và đóng cọc rồi ken thành chiếc ghế băng dài. Mấy đứa con gái thì lấy hoa mười giờ để trồng xung quanh “công viên”. Mùa xuân, mưa bụi li ti lất phất bay, lộc non nhú trên những cành xoan khẳng khiu và hoa xoan bung nở đã khiến cho cái “công viên” bên giếng của chúng tôi lung linh hơn. Vì là nơi sinh hoạt tập trung duy nhất nên chiếc giếng và “công viên” trở thành địa điểm chứng kiến mọi câu chuyện bí mật của các gia đình và bọn trẻ con. Nếu muốn tìm hiểu thông tin nóng sốt nào đó, chỉ cần ra giếng “hóng hớt” là sẽ nắm được gốc tích vấn đề. Thỉnh thoảng, vào buổi trưa, khi bọn trẻ đi học hết thì tôi với Huyền mang sách ra “công viên” cùng đọc và truy trao bài vở. Ở thời khó khăn ấy, sách của chúng tôi không phải là những trang truyện tranh với những câu ngắn cũn cỡn rất thịnh hành trong bọn trẻ con bây giờ mà chính là những bài trong sách giáo khoa các anh chị lớp trên cho mượn.

Cuộc sống êm đềm của chúng tôi qua đi theo năm tháng. Sau này, khi đã trưởng thành và đi công tác, đám trẻ trong khu tập thể của chúng tôi giống như những cánh chim đã trưởng thành và bay đi khắp mọi miền đất nước. Nhiều năm trước, vào mùa hoa xoan nở, tôi trở lại khu tập thể cũ để nhìn, ngắm chiếc giếng và cái “công viên” nhỏ xinh thời thơ ấu. Thế nhưng, những dự án nhà cửa và các công trình mới đã lấy mất địa điểm đẹp ấy từ bao giờ. Tôi chông chênh nghĩ đến Huyền, người phát hiện ra hoa xoan nở năm nào và cũng là nhân vật đưa ra ý tưởng xây “công viên” hồi ấy. Tôi tự hỏi, liệu nàng có còn yêu hoa xoan như ngày xưa?

MẠNH THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/noi-long-hoa-xoan-567849