Nới lỏng định lượng: Liều thuốc cho doanh nghiệp mùa dịch Covid-19 có thực sự hiệu quả?

Nới lỏng định lượng (Quantitative Easing – QE) là một chính sách tiền tệ mà ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ hoặc các loại chứng khoán hóa khác để tăng cung tiền ra thị trường, giúp các ngân hàng có thêm lượng tiền cho vay đối với doanh

Trong những ngày qua, Ngân hàng trung ương Anh – Bank of England (BOE) lại tiếp tục hạ lãi suất và bơm thêm tiền cho thị trường, thông qua một gói mua trái phiếu tăng thêm 200 tỷ bảng Anh, nâng tổng số tiền hỗ trợ cho thị trường lên 645 tỷ bảng Anh (tương ứng với 752 tỷ USD), đồng thời hạ lãi suất xuống mức 0,25%. Cùng với BOE, các ngân hàng lớn ở khu vực châu Âu cũng đã tung ra hàng loạt gói cứu trợ và bơm thêm tiền ra thị trường với doanh nghiệp trước tình trạng đình trệ kinh doanh vì dịch Covid-19 đang hoành hành ở châu Âu.

Các ngân hàng trung ương tung ra các gói hỗ trợ với thị trường tài chính và thị trường tiêu dùng trong giai đoạn dịch bệnh năm nay (Nguồn: The Guardian)

Các ngân hàng trung ương tung ra các gói hỗ trợ với thị trường tài chính và thị trường tiêu dùng trong giai đoạn dịch bệnh năm nay (Nguồn: The Guardian)

Trước BOE, ngày 15/3 vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng bơm thêm 700 tỷ USD ra thị trường thông qua việc mua lại 500 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và 200 tỷ USD cho chứng khoán đảm bảo, đồng thời cũng hạ tới 100 bps lãi suất, đưa lãi suất về mức 0 – 0,25%. Việc bơm tiền của các ngân hàng nhà nước thông qua nới lỏng định lượng nhằm mục tiêu đảm bảo các ngân hàng có đủ thanh khoản để giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch coronavirus. Tuy nhiên lịch sử cho thấy, QE không hiệu quả như những gì chúng ta tưởng, khi nhìn vào những gì các nước đã đạt được nhờ chính sách này trong quá khứ.

FED đưa lãi suất về mức 0 – 0,25%, đồng thời bơm 700 tỷ USD thông qua việc mua trái phiếu chỉnh phủ Mỹ (Ảnh: FED, Bloomberg)

Lùi về quá khứ, QE đã từng được nhiều ngân hàng trung ương sử dụng để xử lý khủng hoảng tài chính. Nổi bật nhất phải kể đến Ngân hàng TW Nhật Bản, ngân hàng đầu tiên áp dụng chính sách này vào năm 2001. Trong giai đoạn đầu của QE (2001 – 2006), chính phủ Nhật Bản đã mua vào tới 1.700 tỷ USD trái phiếu nhằm bơm tiền ra cho thị trường tính đến năm 2006. Ở giai đoạn thứ 2 vào năm 2014 với tên gọi Abenomics (theo tên của thủ tướng Nhật lúc đó là Shinzo Abe), chính phủ Nhật Bản đã duy trì mua 80,000 tỷ JPY trái phiếu mỗi năm nhằm đẩy tiền vào hệ thống.

Tỷ lệ lạm phát qua các năm của Nhật Bản. Về cơ bản, tỷ lệ lạm phát của họ đã không đạt được theo mức đề ra khi áp dụng QE. (Ảnh: Statista)

Trải qua hai giai đoạn với lượng tiền bơm vào thị trường khổng lồ, mặc dù nền kinh tế Nhật Bản đã đạt được sự tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức chỉ 2.7% (tính tới năm 2018), tuy nhiên Nhật Bản không thể đạt được một số mục tiêu đã đề ra về mặt kinh tế, với việc lạm phát không đạt được mức 2% kể từ năm 2015 đến nay. Mức lương của người lao động Nhật Bản cũng không hề tăng lên nhiều trong thời gian này; trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đang nắm giữ tới hơn 70% lượng ETFs trên thị trường và gần như sắp hết trái phiếu để tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế.

QE không giúp Nhật Bản phát triển kinh tế - trái lại, tình hình giảm phát của họ ngày càng tồi tệ hơn. (Ảnh: BOJ, GlobalResearch.ca)

Tại Mỹ, FED tung ra tới 3 gói QE kể từ năm 2008, tuy nhiên phải đến lần thứ 3, chính sách này mới đem lại hiệu quả. Ở giai đoạn 1 từ bắt đầu từ tháng 11/ 2008 đến tháng 11/ 2010, Ngân hàng TW Mỹ đã bơm 800 tỷ USD ra thị trường thông qua việc mua nợ, trái phiếu chỉnh phủ và các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) từ các ngân hàng thành viên. Mặc dù nền kinh tế Mỹ có những khởi sắc khi sản xuất công nghiệp quay trở lại, tuy nhiên ngay khi FED tạm dừng chương trình bơm tiền này, nền kinh tế Mỹ lại tiếp tục đi xuống.

Từ tháng 11/ 2010 đến tháng 9/2012, FED thực hiện QE lần thứ hai với việc mua thêm trái phiếu ngắn và trung hạn với tổng số tiền là 600 tỷ USD. Tuy nhiên QE2 tiếp tục thất bại, khi các ngân hàng không hề cho vay nhiều hơn; cuộc suy thoái trước đó khiến các ngân hàng giữ tiền thay vì cho doanh nghiệp vay để sản xuất. Sau cùng, FED tiếp tục giai đoạn 3 của QE khi mua vào thêm 85 tỷ trái phiếu chính phủ dài hạn và MBS. Đến tháng 12/ 2013, FED chính thức dừng việc bơm tiền khi ba mục tiêu kinh tế đều đã đạt được: GDP tăng trưởng trong khoảng từ 2-3%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 7% và tỷ lệ lạm phát cơ bản không quá 2%.

Phải đến QE lần thứ 3, FED mới có thể giúp nền kinh tế Mỹ thực sự hồi phục (Ảnh: CPR AM, Datastream)

Mặc dù QE thành công ở giai đoạn thứ 3, nhưng những gì nó đem lại chưa tương xứng với hàng nghìn tỷ USD được đưa ra thị trường. Giá trị các loại tài sản tăng nhưng không thực sự đóng góp nhiều vào việc mở rộng nền kinh tế, khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng, mức lương cơ bản gần như không thay đổi dù số việc làm được tạo ra nhiều hơn. Hơn nữa, trong báo cáo "Current Federal Reserve Policy Under the Lens of Economic History: A Review Essay", FED cho rằng không có mối quan hệ giữa nới lỏng định lượng và tăng trưởng kinh tế hoặc tăng tỷ lệ lạm phát, mà thực tế đã chứng minh tại Nhật Bản và Thụy Sĩ, khi hai nước này nhận kết quả trái ngược với dự kiến sau khi áp dụng QE.

Mặc dù áp dụng QE, nhưng lạm phát tại Thụy Sĩ không tăng cao được như kỳ vọng, thậm chí rơi xuống mức âm năm 2019. (Ảnh: TradingEconomics)

Nhìn từ những sử dụng nới lỏng tiền tệ trước đó, có thể thấy chính sách QE không thực sự hiệu quả như người ta mong đợi. Việc hàng loạt các ngân hàng TW bơm tiền ra lần này, nhất là FED và các ngân hàng TW ở châu Âu, được cho là để hỗ trợ cho thị trường trái phiếu cũng như các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc bơm tiền này chưa chắc đã đem lại những gì mà các ngân hàng này kỳ vọng, khi việc kiểm soát dịch bệnh tại các khu vực này mới được thắt chặt thời gian gần đây, dẫn đến ngày càng nhiều ca bệnh và các doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, thậm chí cả phá sản tăng cao.

Vì vậy, chưa chắc các doanh nghiệp này đã có thể tận dụng nguồn tiền được bơm vào, khi bản thân họ cũng chưa biết được rằng bao giờ dịch bệnh chấm dứt để có thể hoạt động kinh doanh trở lại. Do đó, có thể đánh giá, trong ngắn hạn, QE sẽ không đem lại hiệu quả nhiều cho nền kinh tế các nước áp dụng; còn về dài hạn, phải sau khi dịch Covid – 19 kết thúc, chúng ta mới có thể đưa ra được kết luận.

Tiến Đạt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/noi-long-dinh-luong-lieu-thuoc-cho-doanh-nghiep-mua-dich-covid-19-co-thuc-su-hieu-qua-5202023316838234.htm