Nới lỏng điều kiện vay gói tín dụng 16.000 tỷ

Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành văn bản nghiệp vụ cho vay với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động theo hướng nới lỏng hơn.

Gói tín dụng nói trên chính là gói 16.000 tỷ đồng được đề xuất cho vay với lãi suất 0% để trả lương người lao động phải ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên ban hành các điều kiện, thủ tục cho vay, không có bất kỳ doanh nghiệp nào tiếp cận được gói tín dụng này.

Trong văn bản hướng dẫn mới đây, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đã điều chỉnh một số điều kiện, thủ tục theo hướng nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gói vay.

Cụ thể, Ngân hàng Chính sách đưa ra điều kiện để doanh nghiệp được quyền vay gói tín dụng lãi suất 0% nói trên gồm doanh nghiệp có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ 1/4 đến hết 31/12; doanh nghiệp có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền trước thời điểm vay giảm 20% trở lên so với cùng kỳ.

Ngoài ra, doanh nghiệp muốn vay vốn tín dụng nói trên phải không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tính đến cuối năm 2019.

Ngân hàng Chính sách cũng đưa ra điều kiện với mục đích vay vốn của người sử dụng lao động trong đó nhấn mạnh vốn vay phải được khách hàng (người sử dụng lao động) dùng để trả lương ngừng việc cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

 Ngân hàng Chính sách xã hội đưa ra điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng 16.000 tỷ đồng lãi suất 0%. Ảnh: Hoa Quỳnh.

Ngân hàng Chính sách xã hội đưa ra điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng 16.000 tỷ đồng lãi suất 0%. Ảnh: Hoa Quỳnh.

Hạn mức cho vay tối đa 1 tháng của 1 doanh nghiệp bằng 50% mức lương tối thiểu vùng nhân với số người lao động bị ngừng việc và mỗi doanh nghiệp được vay vốn không quá 3 tháng tính từ 1/4 đến hết 31/12. Mức lãi suất cho vay là 0%/năm và lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm.

Thời hạn cho vay sẽ do ngân hàng nơi cho vay và doanh nghiệp tự thỏa thuận nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.

Ngoài các yếu tố trên, doanh nghiệp khi vay vốn gói 16.000 tỷ cũng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay và Ngân hàng Chính sách sẽ là bên cho vay trực tiếp đến khách hàng.

Chậm nhất vào ngày 5 hàng tháng, doanh nghiệp gửi hồ sơ vay vốn đến ngân hàng. Trong 5 ngày làm việc, ngân hàng sẽ tiến hành phê duyệt cho vay và thông báo kết quả. Trường hợp không đủ điều kiện vay, ngân hàng sẽ thông báo cho khách hàng và nêu rõ lý do từ chối.

Căn cứ Hợp đồng tín dụng/Phụ lục hợp đồng tín dụng đã ký, Ngân hàng Chính sách nơi cho vay giải ngân cho khách hàng bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của khách hàng.

Trường hợp khách hàng đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc cho các tháng trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 trong cùng một lần, ngân hàng nơi cho vay căn cứ hồ sơ vay vốn của khách hàng để phê duyệt, ký Hợp đồng tín dụng và thực hiện giải ngân 1 lần.

Trong lần đầu tiên triển khai gói tín dụng 16.000 tỷ nói trên, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết dù ngân hàng đã chuẩn bị xong gói tín dụng vẫn không giải ngân được món vay nào cho doanh nghiệp.

Cụ thể, bà Trần Lan Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách cho biết có ghi nhận một số doanh nghiệp tìm hiểu thủ tục xin vay vốn gói tín dụng nói trên nhưng sau khi biết các điều kiện thủ tục của gói vay thì không thực hiện vay được.

Nguyên nhân do quy định trước đó, đối tượng cho vay không phải do Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định mà do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu với Thủ tướng.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-long-dieu-kien-vay-goi-tin-dung-16000-ty-post1146024.html