Nỗi lòng của người bị cách ly và niềm tin cộng đồng

Mọi việc bắt đầu từ chuyến bay VN0054 từ đất nước Anh xinh đẹp, quê hương thứ hai của tôi. Tôi 'được' trở thành 'Chiến binh F' cũng bắt nguồn từ đây.

Tôi tham gia một hội thảo về chủ đề nóng bỏng của cơ quan liên quan đến góp ý hoàn thiện khung đánh giá năng lực KPI của tổ chức. Ba ngày sau đó, mọi việc tưởng chừng diễn ra rất bình thường, bỗng dưng tôi nhận được tin dữ: Chuyến bay VN0054 đã “góp” thêm bệnh nhân số 21 (BN21) cho Việt Nam và là bệnh nhân thứ 4 cho Hà Nội.

Do tôi tham gia Hội thảo trên và tôi trở thành “chiến binh F2” vì cuộc hội thảo đó có một số “Chiến binh F1” đã từng tiếp xúc trực tiếp với “Chiến binh F0 là BN21”.

Nhanh chóng và trách nhiệm Ban chỉ đạo Phòng chống Covid 19 của Viện Hàn lâm KHXHVN đã triển khai rà soát, kê khai, thống kê. Cùng cả cơ quan, chúng tôi đã nhanh chóng kê khai, lập danh sách. Viện Hàn lâm KHXHVN là một trong ít cơ quan thực hiện nhanh chóng, trách nhiệm, gửi danh sách đầy đủ, đúng quy định nhất.

Nhưng cái không may cũng từ đây. Danh sách bị “lọt” lên mạng xã hội. Bắt đầu giờ phút này, “chiến binh F2” tôi bắt đầu chính thức “nhập ngũ”. Chúng tôi ở lại phòng và cách ly chặt chẽ. Từng giây, từng phút, tôi cũng giống như nhiều người cơ quan bỗng dưng trở nên “Nổi tiếng”.

Thế mới biết sức mạnh sự lan tỏa của mạng xã hội. Tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn Zalo, Facebook chia sẻ, hỏi thăm, động viên của bạn bè, người thân từ Bắc tới Trung, Nam. Bạn bè từ mẫu giáo đến sau đại học, từ cùng cơ quan đến các Bộ, ngành, địa phương và không thể không nhắc đến sự lo lắng của người thân từ xa, sự quan tâm và chia sẻ của khu dân cư nơi tôi đang sinh sống.

Người dân ở khu vực cách li được chính quyền phường cung cấp thức ăn. Ảnh: Đoàn Bổng

Người dân ở khu vực cách li được chính quyền phường cung cấp thức ăn. Ảnh: Đoàn Bổng

Những lời hỏi thăm, chia sẻ, động viên,…ngày một nhiều, dồn dập làm “Chiến binh F2” tôi dù có chút bất an, lo lắng lúc đầu đã chấn tĩnh hơn. Các đồng nghiệp “F” cùng cơ quan của tôi cũng có những trải nghiệm và cảm nhận tương tự.

Tuy nhiên, tôi cũng như một số “Chiến binh F” là đồng nghiệp cùng cơ quan cũng gặp không ít những thông tin, lời lẽ “ác ý” của một số người. Có chị “Chiến binh F2” ở ngoại ô, khi biết tin trên mạng (vì khai rõ cơ quan, tên, tuổi, địa chỉ nhà) người dân hàng xóm xôn xao, đồn đại, rỉ tai rằng cả gia đình chị dương tính hết. Họ xa lánh, kỳ thị và trở thành chủ đề cả làng bàn tán hoảng loạn, lo lắng thay cho chia sẻ, động viên người trong cuộc.

Có nhiều thông tin thất thiệt bắt đầu trên mạng xuất hiện tập trung vào BN17, và BN21, các khu phố, các chung cư bắt đầu to nhỏ tin bình luận, tại sao ai đó lại đi nhiều nơi thế để danh sách F tăng như nấm sau mưa,…

Tôi đặt một tình huống hỏi một người cùng khu của tôi: “Anh sẽ làm gì nếu ngày mai anh “được” báo là “F” nguồn cơn tiếp xúc trực tiếp từ thứ 2 mà hôm nay là thứ 6 anh mới biết”. Chắc từ thứ 2 đến thứ 6 đó anh sẽ ở trong phòng cách ly? Hay không gặp vợ con để vợ con không trở thành F bất đắc dĩ? Sau câu hỏi, người đó có vẻ hiểu ra: À, mấy hôm sau không thấy vào chát lại nữa!

Đúng vậy, bạn cũng giống tôi, tất cả chúng ta có ai được lên lịch sẽ là “F” đâu. Nên tôi cũng hoan hỉ với “danh hiệu F” của mình, coi đây là một “vận hạn” tập thể!

Một số người lên mạng chưa biết đầu cua tai nheo ra sao, cứ thấy tin của khu, của nhóm là phải thể hiện sự tồn tại của mình trong nhóm bằng cách “like”, “share”, “comment” thật nhiệt tình để đưa ra “chính kiến” của mình mặc dù nhắn, comment xong không biết rõ mình nhắn gì, share xong không biết nó là cái gì và mình share để làm gì.

Bạn tôi kể, ở khu của anh sau khi tiết tin anh là F3, mọi người lo lắng lắm. Trong nhóm Facebook mọi người hỏi thăm chia sẻ, có người thì bình luận ít thiện chí, nói anh phải nên thế này thế kia. Nhưng thật nực cười, chính người bình luận này ngay chiều hôm đó (8/3) cũng bất ngờ biết anh ta “được” là F3-4, nhưng tảng lờ, không khai báo y tế, cơ quan vẫn đi lại công việc bình thường. Chỉ đến khi hai hôm sau, khi Ban Quản lý tòa nhà nhận được tin khai từ bên “F1,2” và trích xuất camera, anh ta mới “tự thú”.

Một cậu em tôi cũng là F3 thực hiện cách ly tại nhà. Khi gia đình hỏng điện, gọi thợ điện không ai dám đến sửa do tin tức tức quá “nổi” trên mạng xã hội.

Tôi tự nhận mình may mắn hơn bao người vì tôi sống trong khu độ thị mà cư dân nơi đây có sự chia sẻ và tình cảm ấm áp. Văn hóa “làng” Bắc Bộ “khá thuần khiết” xưa tái hiện với các tình cảm chân thành, quan tâm, chia sẻ.

Tôi không những không gặp các tình huống trớ trêu như các anh chị em đồng nghiệp kể trên mà còn nhận được những động viên chia sẻ: nào là gửi cho bồ kết, khẩu trang với các tin nhắn sẻ chia, hỗ trợ.

Tôi biết rằng tất cả chúng ta đều lo lắng và choáng ngợp vì dịch bệnh đang bùng phát ở nhiều quốc gia, nguồn về Việt Nam sẽ không chỉ đơn giản chỉ một vài tâm điểm có thể kiểm soát hết được. Nhưng chúng ta hãy vững tin rằng, có một thứ dịch “giặc” cũng không kém nguy hại, đó là sự không trung thực, không trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Trong mọi hoàn cảnh nói chung, đặc biệt trong mùa “giặc Covid 19”, hãy trách nhiệm từ lời nói, việc làm, đặc biệt là trách nhiệm hơn bao giờ hết trong việc dùng mạng xã hội để chia sẻ, bình luận, like về những vấn đề liên quan đến cộng đồng và người khác mà mình chưa biết, chưa hiểu, vì nó sẽ gây hoang mang, lo lắng không cần thiết, thậm chí ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người khác mà bạn không hình dung ra.

Mọi việc cần suy ngẫm và rút ra ở đây là:

Thứ nhất, với ai khi biết được mình và những người đã từng tiếp xúc với mình không may “được” trong danh sách “Chiến binh F”, hãy bình tĩnh, tự giác kê khai thông tin đầy đủ, trung thực, trách nhiệm để các cơ quan chức năng có thể rà soát và ngăn chặn sự lây lan kịp thời.

Thứ hai, Cơ quan nhà nước phòng chống dịch kiểm soát thông tin để giúp việc phòng chống, gửi đến những nơi trong hệ thống với danh sách chỉ liên quan đến người là cư dân nơi đó.

Việc để lộ, phát tán thông tin về danh sách lên mạng sẽ rất nguy hiểm, gây hoang mang trong dư luận và làm cho không ít “các chiến binh F” cùng gia đình rơi vào trạng thái khóc dở, mếu dở vì sự hiểu biết của người dân về dịch không phải ai cũng giống nhau.

Hậu quả sẽ rất tai hại, dẫn đến một số người không ít vì sợ lộ danh tính, vì sợ bị kỳ thị nên sẽ không tự khai báo và âm thầm tạo ổ dịch nguy hiểm cho cá nhân, gia đình, cộng đồng. Cần làm rõ cá nhân, tổ chức nào đã làm sai để xử lý nghiêm!

Thứ ba, với chiến binh bàn phím. Xin hãy học tập một văn hóa và là một quy chuẩn tối thiểu của một xã hội văn minh: Hãy cẩn trọng khi bình luận, chia sẻ về một chủ đề, tin tức khi chưa biết rõ, chưa được kiểm chứng, chưa có căn cứ và thông tin hai chiều.

Vì một bình luận, chia sẻ có thể không để ý nhưng bạn đã vô tình làm tổn thương đến người khác và gây hoang mang cộng đồng. Nặng hơn, bạn có thể tự đưa mình vào vòng lao lý. Hãy thực sự trách nhiệm và thể hiện sự hiểu biết. “Đừng dùng tay thay cho đầu” khi bình luận về những vấn đề mà bạn chưa rõ, đặc biệt những vấn đề liên quan đến người khác và cộng đồng.

Thứ tư, với cộng đồng mạng, chúng ta hãy đồng cảm và chia sẻ những hình ảnh đẹp, những tin tức thông báo chính thống từ cơ quan có thẩm quyền, động viên người thân và mọi người trong xã hội thực hiện tốt quy định, trở thành chiến binh trách nhiệm, gọi là “chiến binh T” để góp phần cùng đất nước vượt qua mùa dịch, chiến thắng “giặc Covid 19” một cách trách nhiệm, trí tuệ.

Mùa dịch đang ở giai đoạn đỉnh điểm, “giặc Covid 19” đang nguy cơ rình rập và xảy đến với bất cứ ai. Nếu mỗi người trong xã hội cùng ý thức, cùng trách nhiệm và cùng chia sẻ chung tay cùng sự quyết liệt của hệ thống chính quyền tôi tin chắc chắn rằng Việt Nam chúng ta sẽ chiến thắng! Đặc biệt đối với các “chiến binh T” hãy thực sự thể hiện trách nhiệm theo đúng cách. “Trách nhiệm không ở bàn phím mà ở cái tâm và trí tuệ”.

TS Vũ Tuấn Hưng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/noi-long-cua-nguoi-bi-cach-ly-va-niem-tin-cong-dong-624506.html